+ Liên quan tới Dự án, một số công dân đã có đơn thư gửi Ban Tiếp công dân Trung ương. Với tư cách là Trưởng ban, ông có thể trao đổi để dư luận nắm rõ hơn vụ việc này?

- Trước hết, phải khẳng định nội dung cơ bản nhất, là các công dân có đơn thể hiện sự ủng hộ chủ trương của UBND TP trong việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ tại 93 Láng Hạ. Đây là Dự án mà UBND TP Hà Nội, UBND quận Đống Đa chủ trương để CĐT trực tiếp làm việc với cư dân. Tuy nhiên, CĐT (trong quá trình thực hiện Dự án có thay đổi CĐT) trong tiếp xúc, làm việc với cư dân thì không đạt được thỏa thuận.

Theo phản ánh tại nội dung đơn, thư của công dân thì hệ số về phương án đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng (GPMB) của các hộ tầng 1 phải cao hơn các hộ tầng trên. Hiện tại, công dân cũng rất muốn bàn giao mặt bằng nhưng chưa đạt được thỏa thuận với CĐT, đặc biệt là về quyền lợi. Cư dân đề nghị, UBND quận và UBND phường ủng hộ việc CĐT đối thoại, làm rõ mức độ thỏa thuận để bà con đỡ thiệt thòi trong việc di dời. Kể cả những hộ cơi nới, theo Luật Đất đai, việc cơi nới không có tranh chấp thì cũng phải tính toán, xem xét cho người dân.

+ Sau khi tiếp nhận nội dung đơn, thư của công dân thì Ban Tiếp công dân Trung ương đã xử lý như thế nào, thưa ông?

- Ban Tiếp công dân Trung ương đã ban hành Văn bản số 1322-BTCDTW-TD1 gửi UBND TP Hà Nội và Văn bản số 1055/BTCDTW-XLĐ gửi Chủ tịch UBND quận Đống Đa về việc chuyển đơn của công dân. Trong đó có đề nghị UBND quận xem xét, tổ chức đối thoại với công dân.

Vừa qua, UBND quận Đống Đa chưa tổ chức đối thoại nhưng lại ban hành các quyết định cưỡng chế với một số hộ tầng 1. Vì vậy, công dân có bức xúc, đề nghị UBND quận Đống Đa và CĐT thực hiện theo nội dung chuyển đơn theo các văn bản của Ban Tiếp công dân Trung ương.

Đến 17/7/2018, Ban tiếp tục có công văn gửi Chủ tịch UBND quận Đống Đa thực hiện nội dung văn bản của Ban chuyển kiến nghị của công dân lần trước. Đề nghị UBND quận, CĐT, các cơ quan chuyên môn của TP công khai các phương án, tổ chức đối thoại với công dân, giải quyết dứt điểm vụ việc. Đó là nguyện vọng chính đáng của công dân cần được giải quyết.

Thực tế,không chỉ ở chung cư L1, L2 93 Láng Hạ, mà một số chung cư khác tại Hà Nội, cũng phát sinh nhiều bức xúc của công dân là cư dân sinh sống tại đây với những vấn đề tương tự mà CĐT các dự án chưa làm rõ, chưa minh bạch. Dẫn tới công dân có đơn, thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo đông người. Do vậy, UBND TP cần chỉ đạo để CĐT và các cơ quan liên quan phải tổ chức đối thoại, làm rõ các vấn đề và giải quyết kiến nghị của dân.

+ Từ vụ việc cụ thể trên, ông có thể chia sẻ quan điểm trong cách xử lý đơn thư khiếu tố để giải quyết triệt để vấn đề vượt cấp, kéo dài, phức tạp?

- Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở mới đây có đoạn: “Ngay cả trường hợp chính sách, pháp luật đúng rồi mà nhân dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì cũng phải ra sức tuyên truyền, vận động, giải thích, hoặc biết chờ đợi dân, không gò ép áp đặt một cách thô bạo”.

Từ nội dung phát biểu của Tổng Bí thư, tôi muốn liên tưởng và nhấn mạnh trong cách giải quyết đơn thư khiếu tố thì việc “không gò ép áp đặt một cách thô bạo” là rất cần thiết. Bởi, nếu người dân chưa đồng thuận, chính quyền và CĐT chưa tổ chức đối thoại mà áp dụng biện pháp cưỡng chế thì có thể coi là “áp đặt thô bạo”. Địa phương, nếu không làm tốt nội dung này thì từ một vụ việc sẽ phát sinh nhiều vụ việc liên kết lại với nhau tạo ra tính phức tạp.

Thực tế, tại Hà Nội, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP cũng có các chỉ thị về giải quyết về vấn đề tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, nhấn mạnh phải làm chặt chẽ, mạnh mẽ. Đặc biệt, tăng cường đối thoại, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra khiếu kiện đông người phức tạp, gây bức xúc. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn và trực thuộc của UBND TP Hà Nội nên thực hiện nghiêm túc Chỉ thị từ Thành ủy, UBND TP.

Nếu không làm tốt nguyên tắc này thì quyền lợi của công dân có thể bị xâm phạm, càng để lâu thì càng bức xúc, càng gây khó khăn trong công tác giải quyết, càng làm mất lòng tin của người dân. Nếu có áp dụng các biện pháp thô bạo như cưỡng chế mà người dân không đồng tình thì xử lý hệ quả sau này sẽ khó lường. Vì vậy phải quan tâm giải quyết đại đa số người dân, có gắn với cả yếu tố thực tại và lịch sử, làm sao giải quyết hài hòa đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, không thể 1 chiều.

Các địa phương nói chung, nếu không làm tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo mà để công dân khiếu kiện vượt cấp thì Ban Tiếp công dân Trung ương sẽ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, đưa các vụ việc mới phát sinh vào diện những vụ việc kéo dài, lâu ngày, phức tạp. Mà nếu không giải quyết dứt điểm, sẽ phân loại báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Khi được phê duyệt kế hoạch, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì cùng các bộ, ban ngành và địa phương giải quyết.

Trở lại vụ việc cụ thể tại 93 Láng Hạ, theo Ban Tiếp công dân Trung ương đây không phải vụ việc đông người, nhưng có tình tiết phức tạp. Các cư dân tại đây đa số là cán bộ công chức, viên chức Nhà nước, có các đảng viên nhiều tuổi đảng, những người hiểu biết pháp luật và thực sự chấp hành chủ trương của Nhà nước. Hy vọng CĐT có cách giải quyết cầu thị, dứt điểm, tránh để đơn thư vượt cấp lên Trung ương.

+ Xin cảm ơn ông!

Tràng An (Thực hiện)