Năm 2008, D.A cải tạo chung cư cũ tại 93 Láng Hạ được rục rịch triển khai.

Ngày 25/5/2011, UBND TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000992 cho Công ty Cổ phần BĐS An Thịnh (tiền thân của Công ty Cổ phần BĐS Vinaconex) về việc thực hiện D.A.

“Phải đến ngày 5/7/2015 (tức sau khoảng 4 năm 2 tháng) thì CĐT mới có cuộc tiếp xúc đầu tiên với các hộ dân trong khu chung cư L1 và L2 tại 93 Láng Hạ để trao đổi về D.A. Căn cứ theo Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 48/2008/QĐ-UBND ngày 28/7/2008 của UBND TP Hà Nội về quy chế cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ thì lẽ ra D.A phải được thu hồi giấy chứng nhận giao cho đơn vị khác thực hiện D.A”, ông Phạm Mạnh Chính, phòng 108, chung cư L2 phản ánh.

Khi đi vào triển khai D.A, nhiều vấn đề liên quan đến đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư có nhiều biểu hiện thiếu minh bạch.

Theo luật sư Trương Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn - người bảo vệ quyền lợi cho các cư dân, căn cứ theo Điều 9, Điều 14 Nghị định 101/2015/NĐ-CP, thì việc lựa chọn CĐT; thông qua phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải được thông qua đồng thời tại hội nghị nhà chung cư. Tuy nhiên, trong D.A này, CĐT đã được lựa chọn trước theo quyết định của UBND TP Hà Nội. Song cũng không có hội nghị nhà chung cư để công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để các chủ sở hữu nhà chung cư có ý kiến và biểu quyết, trước khi chuyển sang Sở Xây dựng để trình UBND TP thông qua.

Một vấn đề kiến nghị khác mà cư dân gửi tới CĐT và cơ quan chức năng, đó là căn cứ áp dụng triển khai D.A của CĐT là Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại chung cư. Thế nhưng, chiểu theo quy định của nghị định này thì việc cải tạo chung cư L1, L2, 93 Láng Hạ không thuộc phạm vi điều chỉnh bởi không bị hư hỏng nặng, chưa đến mức có nguy cơ sụp đổ và chưa hết niên hạn sử dụng.

Thực tế, nhiều lần kiến nghị CĐT và các cơ quan chức năng cũng chưa đưa ra được văn bản kết luận kiểm định chất lượng chung cư 93 Láng Hạ của Sở Xây dựng chứng minh cho việc tòa nhà đã hết niên hạn sử dụng, hay bị lún nứt, hư hỏng nặng, nghiêng lún...

Chưa kể, vấn đề đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có biểu hiện chỉ do CĐT đơn phương xây dựng phương án mà không thông qua hội nghị chung cư, chưa có sự thống nhất, đồng thuận của cư dân. Do đó, còn kiến nghị phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa thỏa đáng. Điển hình là hàng chục hộ dân tầng 1, vốn phải bỏ nhiều tiền hơn để mua nhà theo Nghị định 61-CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ trước đây, phải đóng tiền thuế đất cao hơn so với các hộ tầng trên và nhiều hộ đang sử dụng kinh doanh buôn bán là nguồn thu nhập chính của gia đình...

Mặc dù nhiều lần kiến nghị CĐT và UBND quận Đống Đa tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với CĐT để tìm cách thống nhất đồng thuận các phương án để triển khai D.A, nhưng, không hiểu vì lý do gì không được CĐT bố trí.

Để tìm hiểu, làm rõ thêm thông tin liên quan tới việc đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện D.A, phóng viên đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND quận Đống Đa.

Nội dung đã được tiếp nhận và đại diện Văn phòng quận thông tin lãnh đạo quận đã giao cho Ban Quản lý D.A quận phối hợp với CĐT cung cấp thông tin cho phóng viên, nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí thời gian làm việc cụ thể.

 

Chủ tịch UBND phường Láng Hạ tuyên truyền vận động cư dân bàn giao mặt bằng tại cuộc họp hôm 19/6. Ảnh: TA

 

Trong khi nhiều vấn đề kiến nghị của cư dân chưa được làm rõ, thậm chí là có dấu hiệu của việc thiếu minh bạch, vi phạm các quy định và trình tự, thủ tục triển khai D.A, thì ngày 19/6/2018, UBND phường Láng Hạ chủ trì tổ chức họp với cư dân mục đích để “trao đổi, tham gia ý kiến, vận động thực hiện công tác giải phóng mặt bằng D.A”. 

7/11 hộ được mời họp đều phản ứng về cách tuyên truyền vận động của UBND phường Láng Hạ là “có vấn đề” khi thành phần không có người đại diện theo pháp luật hoặc lãnh đạo Vinaconex để giải quyết vướng mắc, thắc mắc, chưa có đồng thuận. “Bản thân chính quyền không vận động, tuyên truyền để CĐT ngồi lại thống nhất phương án với dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của dân mà chỉ lo tuyên truyền, vận động để dân thực hiện theo CĐT”, một cư dân bức xúc.

Thực tế, từ ngày 30/5/2018, UBND quận Đống Đa đã ban hành quyết định thu hồi đất với các hộ dân.

Không đồng ý với quyết định trên, công dân đại diện 12 hộ dân trú tại nhà L1, L2 đã gửi đơn kiến nghị tới Thanh tra Chính phủ.

Ngày 11/6/2018, Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) đã chuyển đơn tới Chủ tịch UBND quận Đống Đa xem xét, giải quyết đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định pháp luật trong việc thực hiện D.A trên.

Tràng An