Ngày 10/4, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.

Khó khăn, vướng mắc về thủ tục

Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp BĐS cho rằng, dù thời gian qua, TP luôn tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, hiện nay một số chính sách có những chồng chéo, mâu thuẫn và không khả thi, dẫn đến có nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán và nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán chưa kết luận, gây sự bất an, chưa rõ ràng cho doanh nghiệp. Với những vướng mắc này, TP Hồ Chí Minh đã họp nhiều lần, nhưng vấn đề thuộc về thẩm quyền của cấp Trung ương. Do đó, đề nghị TP có sự tác động ở mức độ cao hơn.

Nêu một số khó khăn khi làm hồ sơ thủ tục đóng tiền sử dụng đất, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, khi làm thủ tục pháp lý để xin đóng bổ sung tiền sử dụng đất mất 18 tháng nhưng chưa xong, do phải đi lòng vòng từ cơ quan thuế đến UBND TP.

Đề cập đến vấn đề phát triển nhà ở giá rẻ trên địa bàn TP, ông Nguyễn Văn Đực, cho biết: Trước đây, đầu tư xây dựng nhà ở giá thấp có một số ít người làm, nhưng đến nay gần như không có ai làm. Lý do là lãi rất thấp, chỉ từ 1-2 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nếu gặp biến cố về vật giá, tài chính ngân hàng thì phá sản, thua lỗ.

Phân tích về những khó khăn của thị trường BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chưa bao giờ thị trường BĐS và các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn như thời gian vừa qua.

Năm 2018, quy mô thị trường BĐS TP giảm 34%. Trong 3 tháng đầu năm 2019, chỉ riêng về chấp thuận đầu tư dự án giảm 63% so với cùng kỳ năm 2018; thu ngân sách về đất năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019 đều bị sụt giảm. Điều này cho thấy thị trường BĐS thiếu nguồn cung, thiếu sản phẩm và dẫn đến mất cung cầu trên thị trường.

Để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường BĐS, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND TP và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết đối với hơn 30 dự án còn đang được các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra.

Bên cạnh đó, UBND TP Hồ Chí Minh cần chỉ đạo các sở, ngành sớm kết luận, xử lý khoảng 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi quyết định hoặc văn bản về sử dụng đất; cần có cơ chế giải quyết vướng mắc về tính tiền sử dụng đất đối với quỹ đất công chiếm tỷ lệ nhỏ trong dự án nhà ở…

Mong muốn doanh nghiệp tiếp tục đầu tư

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến mong muốn doanh nghiệp BĐS tiếp tục hợp tác, đầu tư trên địa bàn TP. Theo ông, sự phát triển của TP hiện nay có sự đóng góp rất lớn của doanh nghiệp BĐS, doanh nghiệp xây dựng; TP rất hiểu và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp BĐS.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, chưa bao giờ thị trường và các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn như thời gian vừa qua. Ảnh: TN

Đối với những vấn đề doanh nghiệp quan tâm, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Với 124 dự án mà UBND TP đề xuất và Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến là những dự án thanh tra kết luận có sai phạm phải dừng lại và Công an đang thụ lý thì phải tạm dừng. Những dự án không rơi vào 2 trường hợp trên thì UBND TP sẽ trực tiếp làm việc với các cơ quan có liên quan để thống nhất tháo gỡ, tiếp tục triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết: Hiện nay, TP chủ động làm quy trình đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành ủng hộ để rút ngắn thời gian thu hồi đất; đồng thời tính toán giá trị đất nông nghiệp để giúp người đang quản lý đất được bồi thường nhanh, giá trị tương xứng.

Về nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà tái định cư, ông Tuyến nhấn mạnh, quan điểm của TP là trong thời gian tới TP sẽ sử dụng tối đa hiệu quả quỹ nhà tái định cư hiện có, những quỹ nhà tái định cư quá 5 năm không sử dụng buộc phải bán đấu giá.    

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp BĐS đối với sự phát triển của TP.

“Chưa khi nào thời cơ cho kinh doanh BĐS, xây dựng lớn như bây giờ. Cứ 5 năm, dân số TP tăng 1 triệu người và việc lo chỗ ở cho 1 triệu người là một thị trường lớn; đồng thời thu nhập bình quân đầu người của người dân TP cũng tăng lên, sức chi trả tăng thêm”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Để giải quyết thủ tục hồ sơ cho doanh nghiệp được thuận lợi hơn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP xây dựng quy trình liên quan đến quản lý Nhà nước về quá trình triển khai các hoạt động xây dựng BĐS, để doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án biết quy trình thực hiện; từng sở, ngành phải có thời gian giải quyết hồ sơ cụ thể.

Đối với cơ chế xử lý các dự án BĐS trong quá trình triển khai, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, trong quá trình vận dụng các quy định pháp luật mà còn có ý kiến khác nhau thì phải bàn để tháo gỡ. Nếu vượt thẩm quyền TP thì kiến nghị cấp Trung ương xem xét.

Tuấn Nhật