Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu của cả nước trong việc tìm các vật liệu thay thế cát tự nhiên, bởi trong tình trạng nguồn vật liệu xây dựng này đang ngày càng khan hiếm.

Theo đó, tỉnh cho phép Cty TNHH Thiên Nam và Cty TNHH Thái Dương nghiên cứu sản xuất thử nghiệm nghiền cát từ nguồn đất đá thải mỏ của các đơn vị ngành Than với tổng quy mô công suất dự kiến 1,3-1,7 triệu m3 cát/năm.

Đến nay 1 cơ  sở sản xuất của Cty TNHH Thiên Nam đã đi vào vận hành ổn định, cung cấp cho thị trường trên 1 triệu m3 cát nhân tạo/năm, bù đắp môt phần cho lượng cát xây dựng thiếu hụt cho tỉnh.

Cát nhân tạo ra đời đã khẳng định được những ưu việt trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và bảo vệ môi trường.

Sản phẩm cát nhân tạo của Thiên Nam được Viện Vật liệu (Bộ Xây dựng) giám định chất lượng đạt quy chuẩn 16 TCVN 9205-2012, đồng thời được các chuyên gia trong ngành Xây dựng đánh giá là hạt cát đồng đều hơn cát tự nhiên, có thể điều chỉnh mô dun và tỷ lệ thành phần hạt cho các loại bê tông khác nhau, cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình. Đặc biệt giá cát của Thiên Nam rẻ hơn cát tự nhiên 18%. 

Cụ thể, theo công bố giá vật tư, vật liệu, máy móc thiết bị xây dựng  quý IV/2016 của Sở Xây dựng, tại TP Hạ Long giá cát bê tông sông Lô là 370.000 đồng/m3, cát nhân tạo có giá thành là 343.000 đồng/m3, rẻ hơn 27.000 đồng/m3 so với cát tự nhiên.

Hiện, một số công trình trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh đã sử dụng cát nhân tạo của Cty TNHH Thiên Nam như: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không Quảng Ninh,  các công trình sử dụng vốn Nhà nước.

Nhằm đảm bảo công tác quản lý viêc sử dụng cát, sỏi có nguồn gốc hợp pháp  đối với các dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các Văn bản 7188/UBND-CN; số 8671/ UBND-CN; số 909/UBND-CN; số 180/UBND-CN…

Theo đó, các chủ đầu tư khi ký hợp đồng thi công với các nhà thầu phải có cam kết không tiêu thụ các loại vật iệu xây dựng là khoáng sản không hợp pháp, không chứng minh được nguồn gốc…

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng nếu phát hiện công trình sử dụng nguồn khoáng sản trái phép,  UBND tỉnh sẽ xem xét xử lý nghiêm theo pháp luật, đồng thời không giao dự án khác cho chủ đầu tư thực hiện.

Các sở, ngành và địa phương trong tỉnh có trách nhiệm thẩm tra, thanh quyết toán, tuyêt đối không thanh toán khối lượng vật liệu cát, sỏi không hợp pháp đưa vào công trình có vốn Nhà nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp  (DN) chế biến cát nhân tạo mong muốn, cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, thuế, thuê thu nhập DN; cần tăng nặng mức xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản.

Nếu cát nghiền nhân tạo không đạt tiêu chuẩn theo TCVN 9205:2012, TCVN 7570: 2006, vật liệu dạng hạt dùng để san lấp không đạt tiêu chuẩn theo Quyết định số 3095/QĐ- BGTVT ngày 07/10/2013, TCVN 9436: 2012, K98, thì mới thẩm định phê duyệt cát tự nhiên vào dự toán xây dựng công trình.

Bộ Xây dựng cần ban hành định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền nhân tạo được tái chế, chế biến từ đất đá thải của ngành khai khoáng đạt tiêu chuẩn TCVN 9205: 2012, TCVN 7570: 2006, các mác bê tông và vữa.

T.Vân