Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, các DN thuộc Bộ Xây dựng vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, ước đạt 76.130 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2015. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 35,7%. Quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 73%, quy hoạch chi tiết đạt 33%, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100%.

Tỷ lệ dân đô thị được cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 83% (tăng 1% so với cuối năm 2015). Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm xuống còn khoảng 24,5% (giảm 0,5% so với cuối năm 2015). 

Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải mới đạt khoảng 12-13% lượng nước thải sinh hoạt ở các đô thị (tính theo công suất thiết kế) và khoảng dưới 10% (tính theo công suất vận hành thực tế). Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đô thị đạt khoảng 85%. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải nông thôn đạt khoảng 40% - 50%. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,3 m2 sàn/người (tăng 0,3m2 sàn/người so với cuối năm 2015. Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ đạt khoảng 38,77 triệu tấn, bằng 113,5% so với cùng kỳ, đạt 51% so với kế hoạch...

6 tháng cuối năm, Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế; hoàn chỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị định 59 hướng dẫn Luật Xây dựng để trong kỳ họp Quốc hội tới Luật Xây dựng được đưa vào chương trình sửa đổi, bổ sung một số nội dung, nhằm tháo gỡ được vướng mắc hiện nay giữa Luật Xây dựng và Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng đẩy mạnh việc triển khai nghiên cứu và hoàn thành dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị vào cuối năm; ban hành toàn bộ các thông tư theo kế hoạch.

Tập trung rà soát, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hệ thống định mức kinh tế… Hiện nay có những quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức lạc hậu, không góp phần tích cực, hiệu quả trong việc chống thất thoát của từng dự án, trong toàn xã hội. Vì khối lượng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức khổng lồ do vậy từ nay cuối năm, cần thành lập các ban chỉ đạo của Bộ Xây dựng và bộ liên quan để tập trung xử lý công việc; cần rà soát, sửa đổi ngay các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá kỹ thuật lạc hậu… để nâng cao hiệu quả đầu tư và kiểm soát tốt vấn đề thất thoát trong đầu tư xây dựng.

Tăng cường quản lý phát triển đô thị. Bộ Xây dựng sẽ sớm hoàn thành dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị. Nhưng trước đó vẫn cần sửa đổi sửa đổi Nghị định 11 về quản lý phát triển đô thị, đồng thời tìm kiếm các công cụ quản lý mới cho công tác quản lý phát triển đô thị...

Trần Quý