Phát biểu với báo giới ngày 30/5, ông Mark Mobius, Chủ tịch điều hành công ty quản lý đầu tư Templeton Asset Management Ltd. thuộc Quỹ Đầu tư Franklin Templeton, đang giám sát số tiền đầu tư hơn 50 tỷ USD, nhấn mạnh nguyên nhân khiến giá cả hàng hóa dao động mạnh gần đây là do thế giới chưa có các quy định về các mặt hàng hoặc dịch vụ phái sinh trong bối cảnh các mặt hàng và dịch vụ này tiếp tục phát triển.

Theo ông, tổng giá trị các mặt hàng hoặc dịch vụ phái sinh trên thế giới hiện nay đã vượt Tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu. Với việc số lượng tiền đầu tư đang tỏa ra các hướng khác nhau, sự biến động và khủng hoảng tại các thị trường cổ phiếu không lãi cố định dường như chắc chắn sẽ xảy ra.

Nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ba năm trước phần nào là do việc phổ biến các sản phẩm tài chính phái sinh có liên quan đến các khoản vay thế chấp nhà tại Mỹ. Khi các sản phẩm này ngừng hoạt động, các nhà đầu tư đã tổn thất hàng trăm tỷ USD, dẫn đến sự sụp đổ của Tập đoàn Lehman Brothers Holdings Inc. hồi tháng 9/2008.

Chỉ số MSCI AC World Index của các thị trường chứng khoán phát triển và đang nổi đã giảm tới 46% trong giai đoạn từ tháng 9/2008 đến khi thị trường chạm đáy vào ngày 9/3/2009.

Tuy nhiên, mỗi cuộc khủng hoảng đều tạo ra một cơ hội lớn. Việc các thị trường tín dụng toàn cầu bị đóng băng đã khiến các chính phủ trên thế giới, từ Washington tới Bắc Kinh và London phải bơm hơn 3.000 tỷ USD vào hệ thống tài chính để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu. Do vậy từ tháng 3/2009 đến nay, chỉ số MSCI AC World Index đã tăng tới 99%.

Theo ông Mobius, thế giới cũng cần đưa ra các quy định về yêu cầu vốn cao hơn, giám sát nhiều hơn đối với các tổ chức "quá quan trọng nên không thể phá sản" nhằm giảm bớt nguy cơ xảy ra các cuộc phá sản quy mô lớn.
 
(TTXVN/Vietnam+)