Thành phố Vinh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Hàng năm thành phố đã đóng góp khoảng 33,52% ngân sách của tỉnh Nghệ An; thu nội địa năm 2018 đạt 2.426,3 tỷ đồng.

Vinh là đầu mối giao thông quan trọng, nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Thành phố nắm giữ vị trí trọng yếu trên con đường vận chuyển trong nước, hệ thống bến xe kết nối hầu khắp các địa bàn cả nước, ga đường sắt hạng I, sân bay Vinh được quy hoạch và đầu tư mở rộng thành sân bay quốc tế, bến cảng Cửa Lò dần được hoàn thiện, mở rộng thành cụm cảng biển trong đó có cảng nước sâu.

Với vị trí địa lý thuận lợi và cơ sở hạ tầng du lịch phát triển mạnh, nhất là cơ sở khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, siêu thị, thành phố Vinh là một trong những trung tâm du lịch, trung tâm lưu trú, đầu mối trung chuyển cho các tour du lịch trong tỉnh và các địa phương.

Nghệ An đang từng bước huy động mọi nguồn lực, đưa Tp. Vinh trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ. Ảnh: Nguyễn Cảnh Hùng.

Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/01/2015 với quy mô đô thị khoảng 250km2, bao gồm toàn bộ thành phố Vinh, toàn bộ thị xã Cửa Lò, toàn bộ thị trấn Quán Hành và một số xã khác thuộc huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên, mục tiêu hướng tới phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đặc biệt là du lịch.

Về tổng thể, phát triển thành phố Vinh cùng với thị xã Cửa Lò trở thành một trong những đô thị ven biển của Việt Nam; là nơi giao thoa kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng với khu kinh tế Đông Nam của tỉnh Nghệ An; là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ về các lĩnh vực: Tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hoá, thể thao, giáo dục - đào tạo; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, đầu mối giao thông quốc gia, quốc tế.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo UBND thành phố Vinh triển khai quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 các phường, xã trên địa bàn nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung được duyệt, rà soát, điều chỉnh các định hướng quy hoạch cũ không còn phù hợp.

Trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, thành phố Vinh đã và đang tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng và lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, toàn diện.

Về kinh tế, hiện nay thành phố Vinh đóng góp khoảng 33,52% ngân sách của tỉnh Nghệ An; thu nội địa năm 2018 đạt 2.426,3 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hết tháng 7/2019, thành phố có 6.173 doanh nghiệp và 22.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. Kinh tế tăng trưởng khá, dự ước đạt 9,12%/KH là 9 - 10%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 15.965 tỷ đồng, đạt 100,1%KH. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố đạt gần 85 triệu đồng/năm. Tổng thu ngân sách thành phố quản lý đạt 2.330 tỷ đồng, đạt 111% dự toán tỉnh giao. Huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt 69,5 tỷ đồng/55 - 60 tỷ đồng so với kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,41%.

Sau hơn ba năm triển khai thực hiện Quyết định 2468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An và thành phố, sự đồng hành của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, hộ kinh doanh và được sự đồng thuận của nhân dân thành phố, một số ngành, lĩnh vực đã có sự phát triển rõ nét, từng bước hình thành nên yếu tố trung tâm vùng.

Một góc phía tây Tp. Vinh. Ảnh: Nguyễn Cảnh Hùng

Tuy nhiên những kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng và mục tiêu đề ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao, thu nhập bình quân đầu người còn có khoảng cách xa so với mục tiêu, thu ngân sách chưa bền vững, thành phố Vinh chưa có bước đột phá vượt trội so với các đô thị trong khu vực Bắc Trung Bộ,

Để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm vùng trên 10 lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết 26/NQ-TW của Bộ Chính trị, thành phố cần huy động và quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, nguồn đầu tư của các tổ chức tài chính quốc tế, nhà đầu tư và huy động nguồn lực từ nhân dân để thực hiện đầu tư phát triển thành phố Vinh một cách toàn diện và hiện đại.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Thành phố Vinh là thành phố động lực của tỉnh, để thành phố phát triển theo hướng đô thị thông minh, đáng sống, là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, trước hết thành phố phải là trung tâm thu hút người tài, doanh nghiệp mạnh để làm động lực cho phát triển; có giải pháp xây dựng chất lượng con người thành phố, từ đội ngũ cán bộ, công chức đến từng người dân cùng chung tay xây dựng thành phố làm sao để Vinh phải là nơi cung ứng dịch vụ tốt, là thành phố “đáng sống”.

Hải Yến