Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vất vả con tôm

Thứ sáu, 07/06/2013 - 14:40

(Thanh tra) - Kết luận điều tra sơ khởi của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) hôm 29/5/2013, các nhà nuôi tôm của Việt Nam và bốn nước khác xuất khẩu vào Mỹ là được Nhà nước trợ giá, và như vậy sẽ bị đánh thuế hải quan. Kết luận chính thức của cuộc điều tra sẽ được công bố vào ngày 13/8/2013 tới.

Điều tra của DOC bắt đầu từ  những “tố cáo” của người nuôi tôm Mỹ. Sơ khởi này đã khẳng định, tôm nuôi xuất khẩu vào Mỹ có xuất xứ từ Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia đã được Nhà nước trợ giá. Hai quốc gia khác là Ecuador và Indonesia cũng bị người nuôi tôm Mỹ kiện, nhưng bước đầu theo DOC lượng của hai nước này quá ít để có thể bị trừng phạt. 

Theo báo cáo, thì tôm Việt Nam được trợ giá 7,05%. Đứng đầu về tỷ lệ trợ giá là tôm Malaysia (62,74%), tiếp theo là Ấn Độ (11,32%), Trung Quốc (5,76%), Thái Lan (2,09%)…

Theo số liệu về nhập khẩu tôm của Mỹ thì trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm của Thái Lan dẫn đầu về số lượng với trị giá 1,1 tỷ USD, Ấn Độ 551,2 triệu USD, Malaysia 142 triệu USD, Trung Quốc 101,9 triệu USD. Riêng Việt Nam xuất khẩu tôm của Mỹ đạt mức 462,2 triệu USD, đứng thứ 5 trong 7 nước bị điều tra.

Theo phán quyết, sản phẩm của Công ty Minh Quí bị áp thuế 5,08%, Công ty Nha Trang Seafood bị áp 7,05%, doanh nghiệp còn lại bị áp thuế 6,07%.

Nếu chính thức bị áp thuế chống trợ giá, tôm của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ “cõng” đến 2 khoản thuế, bao gồm thuế chống bán phá giá được xem xét, rà soát định kỳ hàng năm, và thuế chống trợ cấp. Như vậy, xuất khẩu tôm vào Mỹ sẽ thêm khó khăn.

Ngay khi có thông tin DOC phán quyết sơ bộ mức thuế chống trợ cấp này,  ví như, với mức thuế của Nha Trang Seafoods, DOC đã “tính” ra mức trợ giá với tôm nguyên liệu đến 5,5%. Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Trương Đình Hòe đã có phản ứng cho rằng mức thuế trên là vô lý.

Theo ông Hòe, DOC hiện chỉ dựa trên thông tin từ các thông tư, quyết định... của Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển ngành Thủy sản, chứ chưa đưa ra cơ sở thực tế thuyết phục. Hơn nữa, cái khó của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là DOC không lấy các mức so sánh thực tế về lãi suất ngân hàng, giá thức ăn thủy sản... tại Việt Nam, trong khi đó, những chỉ số này ở Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trên thế giới.

Ông Hòe cho biết: Vasep đang chờ đợi phía luật sư của Hiệp hội để tìm hiểu cách tính phía Mỹ để có phản biện thích hợp. Nhưng tôi khẳng định, ngành Tôm Việt Nam không được nhận bất cứ trợ cấp nào. Do điều tra chống trợ cấp nhắm đến các hình thức hỗ trợ của Chính phủ đối với sản phẩm nông nghiệp, nên vai trò của Chính phủ trong việc sử dụng các kênh khác nhau để tháo gỡ vấn đề là rất quan trọng.

Theo quy trình, sau khi DOC đưa ra kết quả sơ bộ mức thuế chống trợ cấp, vài ngày tới các Bộ, ban ngành, Chính phủ Việt Nam sẽ làm việc để kiểm chứng, xác thực kết quả để có phản biện với phía Mỹ. Sau đó, Mỹ sẽ sử dụng kết quả này để tính toán trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng dự tính vào tháng 8/2013.

Theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đây là mức thuế rất cao. Nếu con số này được giữ nguyên trong kết quả cuối cùng sẽ gây khó khăn rất nhiều cho sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.

Nhìn từ phía khác, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 5 ước đạt 479 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2013 đạt trên 2,2 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm vào Mỹ đạt 132,7 triệu USD, chiếm 21,4% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam. Mỹ là thị trường lớn thứ 2 sau Nhật Bản.

Bên cạnh đó, theo Vasep sau 3 năm liên tiếp (từ 21/10/2010), Nhật Bản đã dỡ bỏ quy định kiểm tra Trifluralin (một hoạt chất diệt cỏ sử dụng trong cải tạo môi trường nuôi thủy sản) với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam, và đưa về kiểm tra giám sát bình thường.

Tuy nhiên, đối với chất Ethoxyquin, phía Nhật Bản vẫn đang kiểm tra 100% các lô tôm xuất khẩu sang nước họ, với mức dư lượng rất thấp, bằng 0,01 ppm. Ông Hòe hy vọng, cũng giống chất Trifluralin, họ sẽ nâng mức dư lượng cho phép đối với Ethoxyquin từ 0,01ppm lên 0,1ppm.

Tính đến hết tháng 4/2013, Nhật Bản vẫn là thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam với giá trị đạt trên 168 triệu USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2012.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hy vọng rằng, Nhật Bản, thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam, với việc bãi bỏ quy định kiểm tra Trifluralin, thì xuất khẩu tôm vào Nhật Bản có thể tăng trưởng trở lại trong những tháng tới. Và như vậy, dù có khó khăn tại thị trường Mỹ, nhưng hy vọng con tôm Việt vẫn còn một ngõ rộng đi ra thị trường quốc tế…

    Anh Ngọc

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm