Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tuyên chiến với “vàng hóa, đô la hóa”

Thứ sáu, 25/03/2011 - 21:35

Thị trường vàng, ngoại tệ bị buông lỏng quá lâu, nay là thời khắc "chín muồi" cả nền kinh tế phải vào cuộc tuyên chiến với "đô la hóa, vàng hóa". Nhưng xử lý thế nào để đảm bảo lợi ích của người dân sẽ là một "cuộc chiến" lâu dài.

Hiện ước có khoảng 600 tấn vàng (tương đương 26 tỷ USD) nằm đâu đó trong dân chúng và doanh nghiệp, được ví như những "quả bom nổ chậm" trong nền kinh tế.

Chữa căn bệnh "tiền sử" của nền kinh tế

Nạn "đô la hóa, vàng hóa" là căn bệnh "tiền sử" có từ lâu trong nền kinh tế. Cần phải có cách nhìn nhận mới về các qui định quản lý Nhà nước gần đây, bởi đây là sự "kết tinh" của cả quá trình tìm kiếm không đơn giản để có được "tư duy đột phá". Cần có nhiều cách giải quyết khác nhau cho vấn đề này theo kiểu "dò đá qua sông", thậm chí chấp nhận cách làm "không giống ai". Hơn nữa, bất kỳ chính sách quản lý Nhà nước nào cũng khó làm vừa lòng và thỏa mãn lợi ích tất cả mọi đối tượng liên quan.

Thị trường vàng, ngoại tệ bị buông lỏng quá lâu, nay là thời khắc "chín muồi" cả nền kinh tế phải vào cuộc tuyên chiến với "đô la hóa, vàng hóa", trước hết là đoạn tuyệt với một số tư duy ngụy biện lỗi thời, dung dưỡng cho đầu cơ, tham nhũng cấp độ cao, gây cản trở tiến trình phát triển lành mạnh nền kinh tế.

Thực tế đã chỉ ra Việt Nam chuyển đổi sang kinh tế thị trường với xuất phát điểm là nền tài chính, tiền tệ yếu kém thường ít nhiều có 05 biểu hiện đặc trưng nhất là : (i) Mở cửa kinh tế hướng ngoại đồng nghĩa với nhu cầu lớn về ngoại tệ luôn vượt quá khả năng tích tụ được; (ii) Thâm hụt cán cân thanh toán được bù đắp chủ yếu bởi nguồn vốn ngoại tệ bên ngoài; (iii) Thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại gây áp lực lớn đến tỷ giá hối đoái; (iiii) Lạm phát cao là cái giá phải trả cho sự tăng trưởng nóng; (iiiii) Tâm lý ham thích tiền mặt càng phổ biến với sự tiếp sức của chủ nghĩa sùng bái vàng và ngoại tệ. Có thể nói đó đều là những "yếu huyệt" của nền kinh tế chúng ta.

Mỗi khi nền kinh tế rơi vào bất ổn vĩ mô, khác nào cơ thể bị rối loạn "kinh mạch", các "huyệt đạo" bị ứ trệ đòi hỏi phải khai thông kịp thời. Sự chậm trễ là cơ hội cho các căn bệnh "đô la hóa", "vàng hóa" được dịp phát tác, phá rối thị trường tiền tệ. Đây thuần túy không còn là vấn đề "thói quen bảo toàn, tích trữ" giá trị "nhàn rỗi, để dành" của bộ phận dân chúng, lúc đầu chỉ là phản xạ có điều kiện với các dư chấn lạm phát gây giảm giá VND, mà đã lan rộng thành "tâm lý đám đông" trong xã hội. Đầu cơ vàng và ngoại tệ với qui mô "khủng", một khi được hợp pháp hóa và thông lệ hóa, trở thành siêu thế lực tài chính "vô hình", khuyếch đại mọi bất ổn, gây thêm nhiều khó khăn trong quản lý điều hành vĩ mô của Nhà nước.
Khôi phục vị thế VND

Trong mối liên quan lãi suất - tỷ giá - lạm phát, bất kỳ việc điều chỉnh tăng/giảm tỷ giá chính thức đều ảnh hưởng lớn/nhỏ đến thị trường tiền tệ. Xu hướng tốt nhất cần thiết lập lúc này là khôi phục lại niềm tin, làm cho đồng tiền VN mạnh lên, vị thế VND được khôi phục, ít nhất là trong tương quan so sánh với vàng và USD. Duy trì ổn định linh hoạt tỷ giá liên ngân hàng, tiến tới điều chỉnh hai chiều tăng/giảm hợp lý. NHNN phát đi tín hiệu xu hướng VND sẽ "lên giá" so USD bởi chỉ số lạm phát (CPI) sẽ giảm dần, phù hợp bối cảnh tiền tệ khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó nên nới rộng biên độ giao dịch lên tối đa 3%, tạo độ linh hoạt mua, bán ngoại tệ cho các NHTM.

Để góp phần đưa tỷ lệ lạm phát về mức kỳ vọng, thì cùng với biện pháp "ép" giảm mặt bằng lãi suất, NHNN hoàn toàn có thể điều tiết tốt hơn lượng tiền cung ứng (bơm hút nhịp nhàng), đưa tổng lượng tiền thực tế trong lưu thông về mức kiểm soát được (liên quan lượng ngoại tệ và vàng rất lớn trong dân). Các nguồn vốn xã hội nhàn rỗi chủ yếu nằm dưới dạng vàng trong dân và ngoại tệ mua, bán lòng vòng, bị ứ đọng ở các kênh đầu cơ, tích trữ không sinh lời, là hết sức lãng phí và "nguy hiểm" cho nền kinh tế.

Nhà nước cần kiểm soát giá vàng để điều chỉnh theo sát biến động giá vàng thế giới.


NHNN cần tính toán điều chỉnh cơ cấu tổng lượng tiền trong lưu thông (M2) theo hướng mở rộng (cần thiết bơm thêm tiền mua vàng, ngoại tệ bổ sung Quĩ dự trữ quốc gia). Mọi chu chuyển trong nền kinh tế phải được phản ánh đầy đủ theo vòng quay tiền tệ mở rộng (V) của nền kinh tế, sẽ thuận lợi hơn cho NHNN trong điều hành lượng tiền cung ứng (MS).

Để dọn đường thực thi chính sách tiền tệ mới nhằm khôi phục vị thế VND, giảm dần sự hiện diện song hành đồng USD trong nhiều kênh thanh toán, lưu thông của nền kinh tế (chính là đô la hóa), NHNN cần có chính sách hữu hiệu, thực hiện theo lộ trình, tạo điều kiện và khuyến khích các NHTM tích cực "kết hối" ngoại tệ từ các doanh nghiệp, huy động mọi nguồn ngoại tệ nhàn rỗi từ dân cư, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ chính đáng, hợp pháp, hợp lệ của mọi tầng lớp dân cư và doanh nghiệp.

Chính sách tiền tệ mới chú trọng giải quyết hài hòa mọi lợi ích của doanh nghiệp, người dân và ngân hàng, tạo động lực vật chất và tinh thần cùng thực hiện tốt công cuộc chống "đô la hóa". Để kiểm soát "kênh" bơm tiền cung ứng có thể tạo áp lực lạm phát khi mua lại lượng ngoại tệ lớn từ các NHTM từ nguồn gốc khác nhau, NHNN có thể sử dụng linh hoạt một số công cụ của chính sách tiền tệ, thậm chí nếu cần phát hành tín phiếu, trái phiếu ngoại tệ hoặc tín phiếu VND mà người mua là các NHTM.

Chuyển hóa, trung hòa giá trị vàng

Nhà nước cần kiểm soát giá vàng để điều chỉnh theo sát biến động giá vàng thế giới. Cùng với thu hẹp phạm vi kinh doanh vàng miếng, không nhất thiết phải tốn kém chi phí, lãng phí nguồn ngoại tệ lớn nhập khẩu can thiệp bình ổn giá vàng. Nên áp dụng các phương thức "chuyển hóa, trung hòa giá trị vàng" qua tài khoản liên quốc gia và kho vàng quan ngoại theo cơ chế thị trường.

Hiện ước có khoảng 600 tấn vàng (tương đương 26 tỷ USD) nằm đâu đó trong dân chúng và doanh nghiệp, được ví như những "quả bom nổ chậm" trong nền kinh tế. Chủ trương, chính sách mới dập tắt ham muốn đầu cơ, tích trữ vàng, cắt đứt "ngòi nổ" các quả bom này, đưa vàng trở về đúng vị trí của chúng. Ngoài phần vàng có thuộc tính "hàng hóa đặc biệt" vẫn có trong lưu thông, phần chủ yếu "nơi trú ẩn giá trị" còn lại nên được khai thác sử dụng hiệu quả "vì quốc kế, dân sinh" trong khuôn khổ quản lý của chính sách tiền tệ quốc gia.

Trước mắt để tạo đà thúc đẩy công cuộc chống "vàng hóa" trong nền kinh tế, cần có giải pháp cấp bách với khối lượng vàng nhất định mà một số NHTM đã huy động từ trong dân, sử dụng cho vay khi đáo hạn sẽ gặp khó khăn, do qui định mới hạn chế kinh doanh vàng miếng, không để lượng vàng hoàn trả người gửi có thể quay trở lại dạng tồn trữ ban đầu sẽ hết sức lãng phí và lặp lại khó khăn cho quản lý theo yêu cầu mới. NHNN có thể làm đầu mối, phối hợp một số ban, ngành, đề xuất Chính phủ cho thành lập sớm sàn vàng quốc gia cho phép mua - bán ghi sổ, hạch toán qua tài khoản, giải quyết mọi nhu cầu lưu chuyển vàng vật chất qua kho vàng tập trung do NHNN quản lý. Đồng thời cho phép một số NHTM, công ty tài chính ... đủ điều kiện thành lập Công ty Quản lý Quỹ và hình thành các Quỹ đầu tư tín thác vàng dưới dạng hùn, góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết, chủ yếu phát hành chứng chỉ huy động vàng nhằm huy động, tận dụng mọi lượng vàng lớn trong dân cư, chuyển hóa thành vốn tiền tệ đầu tư sinh lời phục vụ phát triển kinh tế.

Xét đến cùng căn nguyên của các căn bệnh "đô la hóa, vàng hóa" nền kinh tế ở mức trầm trọng chính là sự mất cân đối vĩ mô, nằm ở giải quyết chưa tốt các mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát; tiết kiệm và tiêu dùng; tích lũy và đầu tư; thu và chi ngân sách; xuất khẩu và nhập khẩu; đầu tư công và đầu tư cá nhân; thu nhập và việc làm; cung và cầu về hàng hóa và sản phẩm dịch vụ ...

Cùng với tiến trình tái cấu trúc, điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế sắp tới, Việt Nam cần có những bước đi tích cực, chủ động, táo bạo, quyết liệt, tuyên chiến với quốc nạn "đô la hóa, vàng hóa" nền kinh tế - dù rằng đây cũng sẽ là cuộc chiến khó khăn, phức tạp và lâu dài.

 (Theo VEF.VN)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Người Việt, dùng hàng Tết Việt

Người Việt, dùng hàng Tết Việt

(Thanh tra) - Còn khoảng 7 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp và nhiều hệ thống phấn phối đã lên phương án dự trữ hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.

T.Vân

12:50 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm