Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thực trạng và kiến nghị

Thứ ba, 04/06/2013 - 15:10

(Thanh tra) - Những năm qua, tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa; GDP bình quân đầu người tăng nhanh. Đạt được kết quả đó có phần đóng góp quan trọng của ngành Tài chính Ninh Bình.

Tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân sách

Triển khai và thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), tại địa phương đã thực hiện 3 thời kỳ ổn định ngân sách (2004 - 2006; 2007 - 2010; 2011 - 2015); qua mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, căn cứ Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức phân bổ ngân sách và các Thông tư của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, chấp hành, quyết toán NSNN hàng năm; Sở Tài chính đã chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh Ninh Bình trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết làm cơ sở cho việc thực hiện công tác tài chính ngân sách tại địa phương của từng thời kỳ ổn định ngân sách.

Căn cứ Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định quy định chi tiết, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện. Hàng năm đều ban hành quyết định quy định một số điểm về điều hành dự toán NSNN tỉnh Ninh Bình. Ngoài ra, trên cơ sở quy định của Luật NSNN, Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình đã kịp thời ban hành các văn bản nhằm tăng cường quản lý các khoản thu, huy động kịp thời các nguồn lực vào NSNN cũng như ban hành một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức để phù hợp với tình hình thực tế và khả năng ngân sách của địa phương.

Các văn bản quy phạm pháp luật trong vấn đề lập, chấp hành, kế toán và quyết toán ngân sách hành năm được sửa đổi, bổ sung làm cơ sở để các địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai thực hiện, cụ thể ở một số khâu như: Quy trình chi ngân sách được đổi mới, chuyển từ hình thức cấp phát bằng hạn mức sang phương thức các đơn vị sử dụng ngân sách được căn cứ vào nhiệm vụ, tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi để rút kinh phí theo dự toán được cấp có thẩm quyền giao; vai trò kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước được tăng cường; tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách được nâng cao; tăng cường vai trò thanh tra, kiểm tra, kiểm toán gắn với xử lý trách nhiệm. Dự phòng ngân sách và dự trữ tài chính được qui định cụ thể tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc sử dụng NSNN để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Ngoài ra, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong vấn đề phân cấp quản lý, sử dụng ngân sách tương đối rõ ràng, cụ thể tạo thế chủ động gắn với tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị trong quản lý, sử dụng ngân sách.

Công tác nghiên cứu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực NSNN ở địa phương được thực hiện đầy đủ, kịp thời phù hợp với điều kiện thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từng giai đoạn, đã góp phần thúc đẩy quản lý NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện phân cấp và nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của các sở, ngành, các cấp chính quyền địa phương và đơn vị trong quản lý NSNN. Các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực NSNN ở tỉnh đều được cơ quan có thẩm quyền thẩm định trước khi ban hành, bảo đảm tính hợp pháp và thống nhất của các văn bản do tỉnh ban hành với văn bản của Trung ương quy định.

Từ tình hình thực tiễn cho thấy, đến thời điểm hiện nay, các văn bản Trung ương và địa phương đã ban hành tương đối đầy đủ để triển khai thực hiện Luật NSNN, các văn bản ban hành phù hợp với những quy định của Luật NSNN, cơ bản phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật và điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực NSNN.

Trên cơ sở quy định của Nhà nước đối với việc tổ chức thực hiện và các điều kiện cho việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực NSNN tại địa phương, tỉnh Ninh Bình đã có những biện pháp và chuẩn bị điều kiện để thực hiện các nội dung này tiết kiệm, hiệu quả.

Công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực NSNN tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cấp, ngành và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai thực hiện các nhiệm của mình, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực với các cơ quan, đơn vị và người dân như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Ninh Bình); website của UBND tỉnh và các sở, ngành...; tổ chức các buổi tập huấn về chế độ chính sách trong lĩnh vực tài chính ngân sách mới ban hành, bảo đảm cho việc thực hiện kịp thời các chế độ chính sách của Nhà nước ở địa phương. Qua đó, công tác quản lý tài chính ngân sách đã được triển khai đồng bộ tại các cấp, ngành, đơn vị sử dụng ngân sách, các nội dung thu, chi ngân sách dần đi vào nề nếp và theo kế hoạch được giao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, biện pháp tổ chức thi hành pháp luật và các điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực NSNN ở một số cấp, ngành, đơn vị sử dụng ngân sách còn tồn tại, hạn chế như: Tuyên truyền, cung cấp thông tin chưa thường xuyên ở cấp xã, phường và đơn vị cơ sở; các biện pháp tuyên truyền, cung cấp thông tin hiện đại chưa được sử dụng triệt để, đặc biệt là việc ứng dụng một cách có hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền, thực hiện văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực ngân sách.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và những hạn chế của một số văn bản như: Văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, rõ ràng, còn có sự trùng lặp, chồng chéo thậm chí mâu thuẫn nhau; văn bản thiếu tính khả thi, khó triển khai thực hiện.

Mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan quản lý Nhà nước và đối tượng thụ hưởng NSNN.

Việc đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan quản lý Nhà nước và đối tượng thụ hưởng NSNN hàng năm chủ yếu thông qua công tác theo dõi, quản lý của cơ quan cấp trên đối với các đơn vị trực thuộc; qua công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ để làm cơ sở cho việc đánh giá.

Qua công tác đánh giá trên, về cơ bản cho thấy, sau khi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực NSNN được ban hành, các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị thụ hưởng ngân sách đã thực hiện đúng các nội dung hướng dẫn, bảo đảm cho việc thực thi các chế độ, chính sách đúng theo định hướng của Nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật là một vấn đề rất chung chung, khó xác định và không có định lượng rõ ràng. Để đánh giá chính xác mức độ tuân thủ pháp luật cần căn cứ vào các tiêu chí cụ thể. Trên thực tế, việc đánh giá hiện nay cũng chỉ ở mức độ là xem các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng hay sai các nội dung trong văn bản... Việc xây dựng các tiêu chí để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật là một vấn đề lớn đã được đặt ra, song đến nay các cơ quan có thẩm quyền chưa đưa ra được các tiêu chí chung.
Qua thực tiễn cho thấy, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc chấp hành pháp luật về NSNN chủ yếu là do chưa nắm đầy đủ các quy định của pháp luật về NSNN, một số nội dung do quy định của pháp luật còn phức tạp khó thực hiện, và do chi phí hành chính cao. Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước còn những hạn chế và pháp luật về NSNN chưa bao quát hết các nội dung cần điều chỉnh hoặc còn thiếu minh bạch và do xử lý các vi phạm trong lĩnh vực NSNN còn chưa nghiêm...

Một số kiến nghị

Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực NSNN, từ tình hình thực tiễn của Ninh Bình, đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực NSNN nhiệm vụ trọng tâm là cần hoàn thiện pháp luật về NSNN.

Hiện nay, thực hiện Chương trình Xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2013 của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Luật NSNN giai đoạn 2004 - 2012; đồng thời, xây dựng Dự án Luật NSNN (sửa đổi). Trong đó, đề nghị Luật NSNN (sửa đổi) tới đây cần quy định cụ thể:

- Căn cứ vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quyết định chế độ chi ngân sách quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của cả nước như: Chế độ tiền lương, trợ cấp xã hội, chế độ đối với người có công với cách mạng; trước khi ban hành, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản. Chính phủ giao Thủ tướng Chính phủ quyết định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu thực hiện thống nhất trong cả nước. Đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu để phù hợp đặc điểm của địa phương, Thủ tướng Chính phủ quy định khung và đề nghị HĐND cấp tỉnh quyết định cụ thể.

- Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách đối với các ngành, lĩnh vực sau khi thống nhất với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; trường hợp không thống nhất, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định.

- Ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, trên cơ sở nguồn ngân sách địa phương bảo đảm, HĐND cấp tỉnh được quyết định chế độ chi ngân sách, phù hợp với đặc điểm thực tế ở địa phương. Riêng những chế độ chi có tính chất tiền lương, tiền công, phụ cấp, trước khi quyết định phải có ý kiến của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

- Đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu Thủ tướng Chính phủ quy định khung và giao HĐND cấp tỉnh quyết định cụ thể; căn cứ tình hình, điều kiện của địa phương, HĐND cấp tỉnh có thể giao cho UBND cùng cấp quyết định.

- Đối với đơn vị sự nghiệp công và đơn vị hành chính thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí được ban hành chế độ chi tiêu nội bộ.

Thứ hai là, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Thứ ba là, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Thứ tư là, tăng cường xử lý vi phạm của các cơ quan Nhà nước.

Thứ năm là, ban hành các văn bản pháp luật quy định về xử phạt trong lĩnh vực NSNN.

ThS Lê Văn Cường, Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ấn tượng chương trình ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi Hà Nội

Ấn tượng chương trình ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi Hà Nội

(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi Thủ đô năm 2023, với sự tham gia của gần 3.000 người cao tuổi đến từ khắp các quận, huyện Hà Nội. Chương trình do Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Sức khỏe ngoài trời người trung cao tuổi Hà Nội tổ chức, với sự đồng hành của Vinamilk và nhãn hàng sữa Sure Prevent Gold. Đây là sân chơi giúp người cao tuổi rèn luyện sức khỏe, khuyến khích phong trào tập luyện thể dục - thể thao trong cộng đồng.

Vân Trang

14:15 13/12/2024
DOJILAND giữ vững danh hiệu Nhà phát triển Bất động sản hạng sang tốt nhất Đông Nam Á 2024

DOJILAND giữ vững danh hiệu Nhà phát triển Bất động sản hạng sang tốt nhất Đông Nam Á 2024

(Thanh tra) - Ngày 12/12/2024, tại Lễ trao giải thưởng quốc tế DOT Property Southeast Asia Awards 2024 vừa được tổ chức tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan), DOJILAND đã vượt qua hàng trăm doanh nghiệp tầm cỡ trong khu vực để tiếp tục được vinh danh là Nhà phát triển BĐS hạng sang tốt nhất Đông Nam Á 2024 – Best Luxury Residential Developer”. Đây là năm thứ hai liên tiếp DOJILAND chiến thắng hạng mục quan trọng ở giải thưởng quốc tế danh giá này.

PV

12:51 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm