Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thực trạng chứng khoán Việt

Thứ hai, 02/05/2011 - 22:14

(Thanh tra) - Khó khăn từ kinh tế vĩ mô cũng đã khiến thị trường chứng khoán (TTCK) lâm vào cảnh trầm lắng. Theo giới chuyên gia, chỉ khi nào lạm phát giảm, hoặc có dấu hiệu giảm thật sự thì TTCK mới có cơ may phục hồi.

Đầu tư tràn lan 

Theo TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính Kế toán Đại học mở TP. Hồ Chí Minh, TTCK Việt Nam đang tồn tại một thực tế khá dễ nhận biết. Đó là việc các doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn không chú trọng đến ngành nghề kinh doanh truyền thống mà chỉ chăm chăm vào chuyện kiếm tiền từ đầu tư tài chính. Một số liệu thống kê tuy hơi cũ (tính đến hết Quý III/2010) cho thấy, tỷ lệ vốn dành cho đầu tư tài chính trên tổng nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp niêm yết thuần về sản xuất kinh doanh lên đến 36,7%, trong đó sàn Hà Nội là 34,7% và sàn TP. Hồ Chí Minh  là 37,2%. Đây là một tỷ lệ khá cao bởi nếu nhìn vào báo cáo tài chính của những công ty chuyên về sản xuất như Coca Cola hay Sony thì sẽ không thấy có tỷ lệ này, kể cả ngắn lẫn dài hạn.

Vì sao vậy? TS Thuận lý giải: Thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn năm 2006-2007, các doanh nghiệp niêm yết huy động vốn qua TTCK rất lớn, thặng dư vốn vào những năm này vì thế cực kỳ lớn. Hầu như công ty niêm yết nào cũng huy động vốn, cũng phát hành cổ phiếu bởi với giá vốn chỉ 10.000 đồng/CP nhưng bán ra gấp mấy lần thì dại gì mà không phát hành. Kết quả là doanh nghiệp nào cũng thu về một cục tiền nhưng nếu đầu tư vào tài sản, vào nhà máy, vào ngành nghề kinh doanh truyền thống của mình thì rườm rà, mất công hơn và lãi cũng ít hơn nhiều so với việc đầu tư tài chính lúc đó nên cục tiền này lại quay lại TTCK bằng việc mua cổ phiếu.

Các năm sau đó, huy động vốn vẫn tăng và đầu tư tài chính vẫn tiếp tục tăng và hiện tại thì không khó để tìm được một vị Chủ tịch HĐQT hay một Tổng Giám đốc suốt ngày chỉ chăm chăm đến việc cổ phiếu doanh nghiệp mình lên hay xuống. Điều này cho thấy doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa chú tâm đến ngành nghề sản xuất kinh doanh truyền thống của mình. Như vậy, nếu dòng tiền huy động không đi vào sản xuất mà cứ quay lại TTCK thông qua kênh đầu tư tài chính thì TTCK dần dà sẽ bị đẩy vào chỗ đổ vỡ. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm và cơ quan chức năng chắc chắn sẽ có cách để khắc chế.

Ngại giao dịch

Một vòng quanh vài sàn giao dịch cả lớn lẫn nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh phiên cuối tuần qua, không khó để nhận thấy cảnh đìu hiu im ắng. Hình ảnh vài NĐT tụm lại như đang trao đổi  một vấn đề gì đó, vài người lặng lẽ chăm chú vào bảng điện tử… là khá phổ biến. Sự hờ hững hầu như lộ rõ ở tất cả những ai đang có mặt trên sàn; không như trước đây người nào cũng vội vội vàng bận bịu, kiểu tranh thủ thăm sàn một chút rồi “dọt”.

Anh Đức Hùng, một NĐT kinh nghiệm tại sàn ACBS cho biết, sự có mặt của anh tại sàn là do thói quen, chẳng phải để mua bán gì cả. Trước đây, chiến thuật của anh là ngồi chờ những cổ phiếu trong tầm ngắm sụt giá mạnh để mua. Nhưng khổ nỗi giá lại không sụt mạnh mà cứ lình bình đi ngang, hôm lên hôm xuống. Dao động chưa đủ mạnh để “lướt” nhưng cũng không giảm quá để mua thêm. Tuy nhiên, kể từ khi chỉ số VN Index loanh quanh mức 460 điểm thị trường vẫn chứng kiến các đợt sóng tại một số mã nhưng chẳng dám bỏ tiền vào do lo sợ bị “sóng đè” bất kỳ lúc nào.

Tâm lý “mua chẳng dám, bán chẳng xong” của anh Đức Hùng hiện đang rất phổ biến trong giới đầu tư. Người cầm cổ phiếu dĩ nhiên lo lắng, tuy nhiên vẫn có tâm lý buông xuôi xem giá còn giảm được đến mức nào. Ngược lại, người cầm tiền, số thì gửi tiết kiệm kỳ hạn, số thì ngồi canh để mong bắt đáy giá tốt nhưng nhìn bảng điện mỗi ngày lại thấy thất vọng vì thanh khoản quá thấp, biến động không rõ ràng… lại sợ. “Trong khi kinh tế vĩ mô - yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến TTCK lại được dự báo là chưa thể thoát khỏi bất ổn trong một hoặc hai quý tới, thậm chí có thể là hết năm nay nên đành thôi”, anh Đức Hùng chia sẻ.

Ngắn hạn khó khởi sắc

Một số NĐT có quan điểm lạc quan hơn thì kỳ vọng Chính phủ sẽ nới lỏng chính sách  tiền tệ, kiểu như gói kích cầu hồi giữa năm 2009 chẳng hạn. Theo đó, chính sách siết chặt tiền tệ khiến lãi suất bị đẩy lên mức hơn 20%/năm. Và với mức lãi suất này, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong huy động vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Tình trạng này có thể tạo thêm áp lực khiến Chính phủ phải nới lỏng chính sách tiền tệ khi có điều kiện để nền kinh tế dễ “thở” hơn.

Tuy nhiên, TS. Alan T.Pham (Trưởng Kinh tế gia CTCK Vina) lại không đồng ý với kịch bản này và cho rằng đây là điều không tưởng bởi đã có bài học sâu sắc về hậu quả của việc thắt chặt rồi nới lỏng tiền tệ trong giai đoạn 2008-2010. “Chính gói kích cầu khi đó đã phá hỏng mọi kết quả và khiến lạm phát kéo dài đến tận bây giờ”, TS Alan T.Phạm nói.

Còn theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, TTCK sẽ khó có cơ hội hồi phục trong Quý II/2011 bởi nếu xét về nguyên tắc, TTCK muốn dậy sóng một cách bền vững, nhất thiết phải có sự hỗ trợ của kinh tế vĩ mô và các tín hiệu phản ánh phải tích cực như lạm phát giảm, lãi suất hạ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung thuận lợi hơn.

Ngoài ra, mỗi đợt phục hồi mạnh của thị trường thường phải hội đủ các yếu tố: Chính sách kích thích kinh tế mới xuất hiện, nghĩa là vốn được bơm ra. Kế đến là giao dịch thị trường trở nên sôi động với khối lượng tăng, giá trị tăng… Tuy nhiên, điều này rất khó đạt được trong ngắn hạn, cụ thể là trong Quý II/2011. Một số chuyên gia khác thì cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong những tháng tới và có thể đạt đỉnh vào tháng 9/2011 rồi mới từ từ hạ nhiệt. Như vậy, chỉ cần nhìn vào khả năng CPI tăng trong thời gian tới rất khó hy vọng vào sự phục hồi trong ngắn hạn của TTCK Việt Nam, ít nhất là cho đến cuối Quý III năm nay.

Hồ Doãn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm