Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thị trường bất động sản trong thời “bán hàng rong”

Chủ nhật, 02/10/2011 - 21:29

(Thanh tra) - Bất động sản đang "thời bán hàng rong" là lời phàn nàn thường thấy của giới kinh doanh địa ốc trước tình cảnh cung thừa-cầu thiếu, thị trường trầm lắng và giao dịch “bất động” như hiện nay.

Việc phát triển quá nóng trong thị trường BĐS khiến cán cân cung - cầu bị lệch trầm trọng

Có thể thấy rõ sự khốn khó của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam vào thời điểm này. Ở phía Nam, không ít nhà đầu tư, kinh doanh BĐS đã và đang gặp khó trước sức ép do tồn đọng hàng hóa, lãi suất ngân hàng cao và thiếu kênh huy động tài chính để tái đầu tư.

Ở miền Bắc, trong nhiều tháng qua, thị trường giao dịch chỉ nhúc nhích ở phân khúc nhà, đất liền kề còn toàn bộ đều giảm tới gần giá gốc, nhưng hầu như rất ít thương vụ mua bán thành công từ chung cư, biệt thự cho tới văn phòng và căn hộ cho thuê.

Thị trường miền Trung tuy chịu ít áp lực hơn, nhưng với nhiều chiến  lược xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm rầm rộ trong thời gian qua, chứng tỏ các chủ dự án (DA) BĐS khu vực này đang ra sức cạnh tranh và vươn dài tới các thị trường Nam, Bắc.

Ông Ngô Quang Cháng, chuyên gia tư vấn, định giá BĐS thuộc Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, giao dịch BĐS hiện như đi chợ bán rong, khách hàng mặc cả như mua rau, chủ đầu tư hạ giá mà vẫn ít khách. Nhiều sản phẩm được chủ hàng giảm giá tới gần giá gốc nhưng rất khó bán vì khách mua ít mà chủ yếu chỉ hỏi thông tin.

Tại Hà Nội, cao ốc Golden Palace của Tập đoàn Mai Linh hiện có giá gốc là 35 triệu đồng/m2 tương đương 1.700 USD/m2. Lúc cao điểm, nhiều người phải tranh mua với giá trên 2.200 USD/m2 chưa gồm thuế giá trị gia tăng (VAT), đến nay, chấp nhận bán ra dưới giá gốc khoảng 1 đến 2 triệu đồng nhưng vẫn khó “trôi” hàng dù DA đang trong giai đoạn triển khai cấp tập.

DA Mulberry Lane đình đám của Hoàng thành Thăng Long cũng  tương tự, giá chung cư đang được chào bán khoảng 1.650 USD/m2, trong khi trước phải 2.300 USD/m2 (chưa gồm VAT).

Ngạc nhiên nhất là chính sách khuyến mại của Liên doanh trách nhiệm hữu hạn Phát triển đô thị mới An Khánh JVC với khu đô thị Splendora. Nếu mua riêng nhà liền kề, giá bán khoảng 3.300 USD/m2, tuy nhiên, ưu đãi thì giá chỉ 2.700 USD/m2 khi mua thêm một chung cư.

DA UsilkCity của Sông Đà Thăng Long lại có chính sách bán chung cư kèm với diện tích văn phòng cho thuê hoặc kèm chỗ để xe ôtô.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thuộc các sàn giao dịch, mặt bằng giá BĐS tại Hà Nội hiện đã giảm tới 35%, nhưng tình hình giao dịch vẫn không nhiều chuyển biến. Một phần là do chính sách thắt chặt tài chính, tiền tệ, nguồn vốn trong dân cũng không còn nhắm tới kênh đầu tư này, bởi tính bất ổn định của thị trường đang làm sụt giảm lòng tin.

Gần đây, xu hướng giảm lãi suất huy động tiền gửi ở các ngân hàng thương mại được kỳ vọng sẽ góp phần khơi, dẫn luồng vốn sang BĐS, chứng khoán. Song, phản ứng thực tế đã không như nhiều người mong muốn.

Mới đây nhất, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ, đề nghị ban hành chỉ thị về một số giải pháp quản lý thị trường BĐS lành mạnh, trong đó đề xuất tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành Trung ương trong việc quản lý thống nhất về quy hoạch, phát triển đô thị, phát triển nhà ở và hoạt động kinh doanh BĐS.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan cùng các địa phương trọng điểm, nơi có nhiều DA đầu tư kinh doanh BĐS để kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư, phát triển nhà ở, sự phù hợp của các DA với nhu cầu và kế hoạch phát triển nhà ở tại mỗi địa phương. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc dành 20% diện tích đất trong các DA phát triển nhà ở để tổ chức xây dựng nhà ở xã hội.

Dự thảo cũng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng sẽ  phối hợp nghiên cứu, ban hành tiêu chí cho vay BĐS để áp dụng trong hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng theo tinh thần ưu tiên cho vay với các DA có khả năng thanh toán cao, các DA phát triển nhà ở phục vụ đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, các DA đã xây xong phần thô và đang hoàn thiện để sớm đưa vào sử dụng; đồng thời tăng tỷ trọng cho vay mua nhà để ở.

Trước mắt, việc cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các DA khởi công mới (trừ các DA nhà ở xã hội), các DA BĐS cao cấp (có giá trên 30 triệu đồng/m2 hoặc diện tích trên 120m2 gồm biệt thự và nhà liền kề)... sẽ bị hạn chế.

Một trong những lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, nếu được phê chuẩn, đây sẽ là tín hiệu tốt thể hiện sự đồng thuận của lãnh đạo các cấp, các Bộ, ngành liên quan trong việc chung tay tìm kiếm những giải pháp cứu vãn cho thị trường BĐS.

Thạch Huê

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc vượt kế hoạch năm 2024, thu hút vốn đầu tư kỷ lục

Vĩnh Phúc vượt kế hoạch năm 2024, thu hút vốn đầu tư kỷ lục

(Thanh tra) - Với sự nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành và địa phương, đến tháng 11/2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận thành tích ấn tượng trong việc thu hút đầu tư cả FDI và DDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt con số kỷ lục, vượt gần 50% so với kế hoạch năm 2024.

Chính Bình

16:53 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm