Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 03/02/2011 - 21:33
“Với niềm tin cá nhân, tôi cho rằng năm 2011 thị trường chứng khoán Việt Nam mặc dù vẫn còn khó khăn song sẽ có nhiều bước khả quan hơn so với năm 2010,” ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đưa ra nhận định trong buổi trao đổi với phóng viên nhân dịp xuân Tân Mão.
Theo ông đâu là những thuận lợi, thách thức của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm Tân Mão này?
Ông Vũ Bằng: Kinh tế thế giới đang có sự hồi phục nhưng vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Năm 2010, chứng khoán Mỹ và một số nước phát triển tăng khoảng 12%-15%, các nước Châu Âu rơi vào khủng hoảng sụt giảm khoảng 15-16%, Trung Quốc giảm 19%, Việt Nam chỉ số chính giảm khoảng 2%.
Bức tranh sáng tối đang có sự đan xen, đặc biệt nợ ở Châu Âu vẫn là nỗi lo tiềm ẩn, nếu không xử lý được nó sẽ gián tiếp tác động đến thị trường Việt Nam. Thêm vào đó, vấn đề lạm phát của các nước, mà đặc biệt tại châu Á cũng là một thách thức.
Sau khi thực hiện các gói kích cầu, vấn đề lạm phát gia tăng, buộc các nước phải có các biện pháp thắt chặt tiền tệ, song qua đó cũng hạn chế tăng trưởng đồng thời tác động gián tiếp đến thị trường chứng khoán.
Ở khía cạnh tích cực, gói kích cầu thứ hai của Mỹ tiếp tục được mở rộng, khi nền kinh tế lớn này được hồi phục nó sẽ tác động tích cực tới thị trường chứng khoán toàn cầu.
Tình hình kinh tế, xã hội trong nước cũng có một số thuận lợi, sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ 11 chúng ta có hệ thống chính trị bước vào nhiệm kỳ mới, từ đó sẽ có những bước triển khai tích cực các giải pháp đổi mới đi tiếp sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.
Hơn nữa, thời gian qua chính phủ đã đánh giá được các thuận lợi, khó khăn, các tồn tại và thách thức về nhập siêu, lạm phát, tỷ giá, giá vàng... và cũng đã đề ra các biện pháp triển khai. Nếu chúng ta thành công trong việc hạn chế được những vấn đề trên chắc chắn sẽ tạo ra bức tranh kinh tế tốt hơn và nó sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Điểm cuối cùng, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, song trong năm qua nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn có những bước phát triển, sản xuất kinh doanh và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Trong đó, mức giá các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có mức P/E (thị giá cổ phiếu trên thu nhập) rất thấp, tương đối hấp dẫn.
Dấu hiệu đồng vốn nước ngoài quay trở lại Việt Nam đã có sự gia tăng cũng là nguồn cung tiếp sức cầu cho thị trường. Nguồn vốn này vào thị trường năm 2010 đã đạt trên 1 tỷ USD, đây là con số khá lớn ấn tượng.
Tổng nguồn vốn huy động của thị trường trong năm cũng đạt 116 nghìn tỷ đồng, tương đương với 1/4 tổng mức đầu tư toàn xã hội. Điều đáng chú ý, dòng tiền này là tiền thật và nó đã chảy thẳng vào nguồn đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
Năm 2010, tăng trưởng vẫn duy trì ở mức tương đối cao 6,75%. Xét về toàn cục, kinh tế trong nước đã có những thành công to lớn trong bối cảnh khó khăn kinh tế toàn cầu, điều này sẽ tạo ra hậu thuẫn thúc đẩy Việt Nam đi tiếp chặng đường đổi mới của đất nước. Với niềm tin cá nhân, tôi cho rằng năm 2011 thị trường chứng khoán Việt Nam mặc dù vẫn còn khó khăn song cũng sẽ có nhiều bước khả quan hơn so với năm 2010.
Bước qua tuổi lên 10, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ cần phải khoác “chiếc áo mới” phù hợp cả về kích cỡ và chất lượng như thế nào?
Ông Vũ Bằng: Dự thảo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán từ nay đến năm 2020 đã được Chính phủ thông qua và năm 2011 sẽ là năm đầu tiên thực hiện chiến lược này.
Dự kiến đến năm 2015, thị trường chứng khoán Việt Nam có những cải cách tương đối căn bản để chuyển từ chiến lược phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu mà đầu tiên là triển khai nâng cao chất lượng cổ phiếu phát hành niêm yết.
Cụ thể sẽ nâng tiêu chí niêm yết, phân chia tiêu chuẩn niêm yết theo các khu vực giao dịch. Khu vực giao dịch các công ty rất lớn, chất lượng cao và khu vực giao dịch các công ty rất vừa, chất lượng thấp hơn hay những khu vực công ty nhỏ hơn có thể có những tiềm năng phát triển sau này.
Với sự phân định như vậy sẽ cho phép doanh nghiệp có thể tiếp cận các góc độ khác nhau trên thị trường chứng khoán, cho thấy rõ những tiêu chí từng khu vực và mức độ rủi ro cũng như tiềm năng của mỗi khu vực, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có căn cứ xem xét khi đưa ra các quyết định đầu tư.
Hơn nữa, cần thiết phải phân định niêm yết theo khu vực để tạo bước đi đầu tiên trong lộ trình tái cấu trúc của các Sở giao dịch. Sở nào có quy mô lớn hơn, Sở nào quy mô nhỏ hơn của các khu vực khác nhau.
Chia quy mô như vậy nhằm định hướng từ 2015 trở về sau thị trường sẽ hình thành lên một tập đoàn với các công ty con ở bên dưới, gồm Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm lưu ký và từng bước tái cấu trúc lại Sở này theo hướng sát nhập sâu hơn, kế đó từng bước cổ phần hóa Sở giao dịch.
Thưa ông! Thị trường chứng khoán đang rất mong chờ có thêm nhiều sản phẩm mới, nhân dịp đầu xuân ông có thể tiết lộ tin vui?
Ông Vũ Bằng: Kế hoạch dài hơi, Ủy ban đang đặt ra vấn đề nghiên cứu phát triển thị trường phái sinh.
Để thị trường phái sinh có thể đi vào hoạt động sớm, đầu tiên chúng tôi sẽ khẩn trương có những nghiên cứu về pháp lý, tiếp đến là chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị máy móc, đào tạo con người, xây dựng hệ thống huấn luyện... Tuy nhiên đưa ra một thị trường mới, đòi hỏi phụ thuộc vào công tác tái cấu trúc toàn thị trường.
Nhanh nhất cũng phải 3 năm nữa mới có thể thực hiện được, ban đầu sẽ tiến tới triển khai những sản phẩm an toàn, đơn giản trước, như hướng vào phái sinh giao dịch chỉ số, giao dịch quyền chọn, hợp đồng tương lai, phái sinh với cổ phiếu, sau cùng mới phái sinh với lãi suất...
Vấn đề gần hơn là một số các nghiệp vụ mới trong năm qua Ủy ban đã nghiên cứu và đề xuất. Năm 2011, sau khi có những xem xét đánh giá kỹ lưỡng về điều kiện thị trường đồng thời tăng cường thêm tính kỷ luật an toàn tài chính của các công ty chứng khoán và đảm bảo chất lượng hệ thống lưu ký kiểm soát đến từng tài khoản của nhà đầu tư, dựa trên cơ sở kiểm soát rủi ro và giám sát tốt hơn về thị trường, chúng tôi sẽ cân nhắc xem xét việc triển khai các nghiệp vụ mới. Đây cũng là những nhu cầu và đòi hỏi chính đáng của thị trường.
(Theo Vietnam+)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Để tiếp sức đưa hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới, mỗi người Việt Nam hãy trở thành những “đại sứ hàng Việt”, để cùng nhau "hành động" đưa hàng Việt trở thành lựa chọn số một của người Việt.
(Thanh tra) - Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, tổ chuyên gia phát hiện một nhân sự của Công ty TNHH Xây dựng Gia Phúc Lộc sử dụng bằng cấp giả mạo. Với hành vi này, tổ chuyên gia đã kết luận Công ty TNHH Xây dựng Gia Phúc Lộc đã có hành vi gian lận theo khoản 4, Điều 16 của Luật Đấu thầu năm 2023.
Chu Tuấn
15:37 13/12/2024PV
Chu Tuấn
Trung Hà
Trần Quý
Văn Thanh
Hải Hà
Văn Thanh
Hương Giang
Vân Trang
Ngọc Giàu