Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Sẽ tiếp tục bình ổn, kiểm soát mạnh thị trường”

Thứ năm, 24/03/2011 - 10:12

(Thanh tra) - Trước tình trạng nhiều loại hàng hóa tăng giá, thị trường có nhiều bất ổn về giá, chất lượng, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Ngoài tăng cường thực hiện chương trình bình ổn giá hàng hóa, Chính quyền thành phố sẽ chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng kiểm soát chặt trong khâu niêm yết giá, bán hàng đúng giá niêm yết, chống hàng lậu, hàng kém chất lượng”.

Tình hình giá cả đang có những bất ổn, nhiều mặt hàng sốt giá… Chính quyền thành phố đã có những giải pháp gì để ổn định thị trường, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hồng: Hiện tại nhiều loại hàng hóa đã tăng giá, ảnh hưởng không nhỏ đến đại bộ phận người tiêu dùng. Để ổn định thị trường, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có kế hoạch thực hiện dài hơi chương trình bán hàng bình ổn, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp (DN) tăng cường sản xuất, tạo nguồn hàng có chất lượng với giá thành hợp lý để cung cấp cho xã hội.

Bên cạnh các kênh bán hàng giá cả hợp lý, tạo nguồn hàng, Chính quyền thành phố đã chỉ đạo quyết liệt cho các cơ quan chuyên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát về niêm yết giá, bán hàng đúng giá niêm yết, xử lý mạnh tay các đối tượng bán hàng quá giá quy định, tung tin đồn thất thiệt, găm hàng, buôn bán hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng đồng thời sẽ áp dụng cả hình thức truy cứu tránh nhiệm hình sự đối với các đối tượng vi phạm nghiêm trọng.

Để hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, xin bà cho biết chương trình bán hàng bình ổn của thành phố năm nay có gì khác biệt với các chương trình đã thực hiện trước đây?


Bà Nguyễn Thị Hồng: Năm 2010, TP. Hồ Chí Minh chi 380 tỷ đồng từ ngân sách cho 14 DN không tính lãi suất để thực hiện chương trình bình ổn giá hàng hóa với mức bán rẻ hơn thị trường 10%. Chương trình đã góp phần đáng kể trong khâu bình ổn thị trường, người dân có điều kiện tiếp cận với hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp hơn.

Năm nay, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai chương trình bình ổn giá từ  đầu tháng tư này và kết thúc vào tháng 3/2012. Năm 2010, chương trình bán hàng bình ổn giá của TP thực hiện trên 8 mặt hàng, năm 2011 sẽ tăng lên 10 mặt hàng, trong đó hai mặt hàng mới gồm đồ dùng, sách vở học sinh và thuốc chữa bệnh. Về mặt hàng thuốc chữa bệnh, trước mắt TP thực hiện ở một số nhóm hàng thuốc nội, giá rẻ và nguồn hàng chủ động. Trong chương trình bình ổn năm nay, TP mở rộng chương trình cho nhiều thành phần kinh tế có đủ điều kiện tham gia bán hàng bình ổn, tăng thêm hệ thống bán hàng bình ổn, ưu tiên cho các khu vực vùng sâu vùng xa.

TP. Hồ Chí Minh hiện có hàng nghìn điểm bán hàng bình ổn giá, nhưng có một thực tế là người tiêu dùng vẫn khó tiếp cận được nguồn hàng để mua. Theo bà nguyên nhân này do đâu?

Bà Nguyễn Thị Hồng:
Thực tế đúng như người dân phản ánh nhưng theo tôi biết chỉ xảy ra lẻ tẻ. Để khắc phục việc này TP đã chỉ đạo các các cơ quan chức năng, các DN tham gia bán hàng bình ổn kiểm tra kỹ việc này và khắc phục ngay, dứt khoát không để tình trạng này tái diễn. Theo như cam kết giữa thành phố và các DN, các điểm kinh doanh hàng bình ổn là phải đảm bảo nguồn hàng, giá bán phải đúng với giá đã cam kết, tuy nhiên sự việc khan hiếm hàng bình ổn là do các điểm bán đã không tuân thủ với các DN cung cấp nguồn hàng. Nhìn chung các DN tham gia bán hàng bình ổn luôn tận tâm, tận lực là thực hiện nghiêm túc theo những gì đã cam kết với chính quyền thành phố, vì ngoài bán hàng, đây là dịp để chứng minh năng lực về sản xuất kinh doanh của DN và trách nhiệm với cộng đồng.    

 Để thị trường ổn định, hàng hóa dồi dào, sự góp sức của một nhóm nhỏ các doanh nghiệp tham gia bình ổn liệu có đủ chưa,  thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hồng: Đúng vậy, các nhóm hàng tham gia bán với giá bình ổn chỉ là một lĩnh vực để kiểm soát thị trường hiện nay. Để có một thị trường hàng nhiều, chất lượng, giá hợp lý và thuận tiện cho người mua, hoạt động thương mại của TP còn chủ động tạo nguồn hàng, thực hiện chương trình “Người Việt dùng hàng Việt”, phát triển thương mại điện tử và tăng cường kiểm tra kiểm soát giá cả. Để có nguồn hàng dồi dào, chất lượng tốt, TP đã có kế hoạch liên kết với các nhà sản xuất chuyển giao quy trình sản xuất, thu mua sản phẩm, lập kênh phân phối theo hướng quy mô công nghiệp. Hiện tại, các DN sản xuất cũng đang gặp nhiều khó khăn do bị đội các chi phí trong sản xuất, dẫn đến lợi nhuận thấp. Do vậy chính quyền TP kêu gọi DN tính toán lại trong khâu sản xuất, chủ động trong lưu thông phân phối, tiết giảm các chi phí phát sinh không cần thiết để giá sản phẩm nằm ở mức thấp hơn.

Xin cám ơn bà

                                    Thái Bảo thực hiện

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Doanh số bán ra của thị trường ô tô cao nhất trong năm

Doanh số bán ra của thị trường ô tô cao nhất trong năm

(Thanh tra) - Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường ô tô của các đơn vị thành viên trong tháng 11/2024 đạt 44.200 xe, tăng 14% so với tháng 10/2024 (38.761 xe) và tăng 58% so với tháng 11/2023 (27.953 xe). Đây là mức doanh số cao nhất kể từ đầu năm.

Uyên Uyên

16:28 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm