(Thanh tra)- Trong khi thị trường dịch thuật trên thế giới ước đạt 14 tỉ USD/năm, ở Việt Nam chỉ khoảng 100 triệu USD/năm. Thị trường được cho là có tiềm năng này chưa được mấy doanh nghiệp trong nước khai thác thành công. Vì sao vậy?
* Khoảng 10.000 thành viên tham gia sử dụng Bocohan để dịch thuật.
Hỗ trợ của máy dịch
Nói đến dịch thuật hiện nay, việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ dịch gần như trở thành một quy định bắt buộc trên thế giới. “Khi ký kết các hợp đồng dịch, thường người thuê sẽ hỏi các Cty dịch thuật có sử dụng phần mềm hỗ trợ không. Doanh nghiệp nào nói không, chắc chắn sẽ bị loại”, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết.
Với sự hỗ trợ của công nghệ dịch, ngoài tốc độ dịch có thể tăng lên 400%, khả năng dịch rất chính xác.
Theo báo cáo không chính thức, hiện hơn 83% các dịch thuật viên thế giới dùng phần mềm dịch để hỗ trợ. Việt Nam vẫn chưa quen với việc dịch qua phần mềm. Chưa kể các bản dịch ở Việt Nam dịch không theo chuẩn quốc tế. Do đó, việc người Việt Nam không dùng công nghệ cao được đánh giá là không có triển vọng khi tham gia vào lĩnh vực này.
Lý do, giá các bản dịch ở Việt Nam theo qui định của Bộ Tài chính rất thấp. Khung giá được đưa ra chỉ 45.000 đồng/trang khiến nhiều dự án không kiếm được dịch giả. Hiện, định mức thanh toán dịch có thể đã tăng lên 100.000 đồng/trang nhưng vẫn thua xa giá dịch ở thị trường tự do. Dịch về các lĩnh vực luật, y học, công nghệ thông tin, giá trên thị trường xấp xỉ 20 USD/trang, tương đương 400.000 đồng/trang.
Theo tính toán, nếu thị trường dịch thuật thế giới đạt 14 tỉ USD/năm, thường họ sẽ đầu tư vào công nghệ khoảng từ 1,5 - 2 tỉ USD (chiếm 10 - 13%).
Chiếm lĩnh thị trường công nghệ dịch hiện nay phải kể đến thương hiệu phần mềm nổi tiếng là Trados với 50% thị phần và Wordfast với 20% thị phần toàn cầu.
Phần mềm hỗ trợ dịch Trados có giá 2.500 USD/người dùng, phiên bản nghiệp dư là 1.000 USD. Phần mềm Wordfast giá cũng khoảng 1.000 USD.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng dịch thuật Việt Nam, mặc dù chi phí đắt nhưng 2 phần mềm này không có đặc trưng của tiếng Việt nên khi sử dụng để dịch sang tiếng Việt rất vất vả.
Tham vọng “xưng bá” của Bocohan
Nắm bắt xu hướng này, nhiều Cty phần mềm Việt Nam đã bắt đầu tiến tới thị trường phần mềm hỗ trợ dịch thuật. Trên thị trường hiện nay có 4 Cty về phần mềm dịch là: Viegrid, Lạc Việt, Tinh Vân và Google.
Nổi bật nhất và kiên trì nhất có lẽ sản phẩm của Cty Cổ phần Truyền thông và Công nghệ (Viegrid), với tên thương mại của sản phẩm là Bocohan. Hiện có khoảng 10.000 thành viên tham gia sử dụng Bocohan để dịch thuật. Bocohan được cho là có năng lực hỗ trợ dịch thuật Việt - Anh và Anh - Việt tương đương với các phần mềm Trados, Wordfast.
Theo các tác giả của Bocohan, nếu như phát triển được 200.000 người dịch, mỗi người chỉ cần đóng góp 1.000 câu, bộ nhớ dữ liệu sẽ có được 200 triệu câu chất lượng. Bocohan đang hướng tới mục tiêu có thể tích lũy được một kho dữ liệu khoảng 2 triệu cặp câu chất lượng cao. Hiện tại, các đề án dịch thuật của Việt Nam mới chỉ có khoảng 4.000 - 5.000 cặp câu. Giá cả của sản phẩm này cũng khá cạnh tranh, khoảng 250 USD, trong khi chất lượng đạt được vị trí nhất định.
Bên cạnh đó, Google đang đứng đầu về máy dịch vì độ chuẩn và sự thông dụng của phần mềm. Tuy nhiên, so sánh giữa Google với phần mềm Bocohan dịch về luật thì Bocohan cao hơn Google 3 - 4%, y dược cao hơn 1 - 2%.
Cái khó của Bocohan cũng như các Cty phát triển phần mềm dịch thuật của Việt Nam là chưa được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí.
Google không được hỗ trợ trực tiếp, nhưng Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ gián tiếp bằng việc chi hàng trăm triệu USD để đầu tư cho máy dịch. Thái Lan và Bangladesh cũng có hỗ trợ cho thị trường này.
Viegrid cho biết, sẽ cho ra một trang web nơi người có dự án dịch và người dịch thuật gặp nhau. Và, Bocohan sẽ là nơi cung cấp cho người dịch Việt một chuẩn dịch thuật quốc tế, trong đó có các kĩ năng về công nghệ. Đó có thể xem là một Google Việt Nam trong lĩnh vực dịch tự động.
Theo TS Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, con số 14 tỉ USD/năm doanh thu từ thị trường dịch thuật quốc tế vẫn khá khiêm tốn. Thống kê ấy chỉ mới tính trên báo cáo từ các Cty chuyên về dịch thuật. Còn, doanh thu từ những người dịch thuật nằm ở tổ chức không đăng ký chưa được tính đến. Các chuyên gia dự đoán, thực chất giá trị của thị trường dịch thuật thế giới còn lớn hơn thế, ước khoảng 100 tỉ USD/năm. |
Hồng Trang