Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phải bắt đầu từ quy hoạch chung

Thứ ba, 26/03/2013 - 09:07

(Thanh tra)- Bên cạnh những lợi thế chung về tiềm năng du lịch biển, giao thông, cảng biển, di sản văn hóa thế giới… mỗi tỉnh duyên hải miền Trung đều có những lợi thế riêng. Thế nhưng, dù đã có nhiều nỗ lực để thu hút đầu tư, song kết quả chưa được như mong đợi bởi chưa có một quy hoạch phát triển chung của vùng (9 tỉnh, TP) tương xứng.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi. Ảnh: Trần Quý

Theo ông Trịnh Minh Vân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phát triển kinh tế ở vùng duyên hải miền Trung còn thấp so với 2 đầu đất nước, cơ sở hạ tầng còn yếu, lợi thế tương đồng nên chính sách kêu gọi và ưu đãi đầu tư giữa các địa phương giống nhau nên đã có tình trạng thu hút đầu tư bằng mọi giá. Vì vậy, cần xây dựng một không gian kinh tế lành mạnh, làm thế nào thu hút đầu tư nhưng không phá vỡ tổng thể, không làm cho tỉnh bạn yếu đi, không làm phá vỡ tính lan toả. Đây là một vùng có thể phát triển mạnh và bền vững thông qua liên kết, hợp tác.

Còn ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng, liên kết là vấn đề bức thiết, nhưng cái khó của miền Trung là nguồn lực hạn chế. Miền Trung trải dài nên không thể lấy một tỉnh, TP nào để làm động lực. Do vậy, liên kết phải bắt đầu từ quy hoạch, không thể tiếp tục tình trạng tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển, hạ tầng giống nhau, lĩnh vực kinh tế na ná nhau. “Chúng ta cần bắt đầu từ quy hoạch. Lãnh đạo các tỉnh, TP miền Trung phải ngồi lại xem lại lợi thế của mình và lựa chọn hướng đi. Các tỉnh, TP miền Trung không nên cạnh tranh với nhau”, ông Dũng nhấn mạnh.

Vùng duyên hải miền Trung gồm 9 tỉnh, TP là: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Cùng quan điểm với ông Dũng, ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhấn mạnh, liên kết là để khai thác hiệu quả lợi thế của các địa phương và cả vùng. Ví dụ như du lịch, một tiềm năng lớn của miền Trung, liên kết có thể phát huy rất tốt lợi thế này.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung cho rằng, để liên kết cần thực hiện 2 bước, đó là tạo đồng thuận và nâng cấp đồng thuận đó. Hiện, các tỉnh, TP miền Trung đã có được sự đồng thuận. 9 tỉnh, TP trong khu vực đã ngồi lại với nhau để tạo bức tranh chung.

Theo ông Trịnh Minh Vân, để liên kết tốt cần xem lại quy hoạch khu vực, quy hoạch của từng tỉnh để viết lại “kịch bản” tổng thể để phân vai cụ thể cho từng tỉnh về công nghiệp, hóa dầu, du lịch… Ví dụ, như không nên dồn các dự án công nghiệp nặng về Đà Nẵng, còn công nghiệp phụ trợ và công nghiệp ô tô nên tập trung vào khu kinh tế biển Chu Lai của tỉnh Quảng Ngãi… Còn về “nhạc trưởng” liên kết, không nhất thiết phải là một tỉnh, thành nào đó mà là sự ràng buộc. Vai trò điều phối liên kết vùng có thể luân phiên thực hiện.

Về mặt thể chế, các chính sách ưu đãi được các địa phương áp dụng lâu nay chưa đồng bộ và thiếu sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Chẳng hạn, chính sách đối với khu kinh tế mở, khu kinh tế và khu công nghiệp đều như nhau, nên không phát huy lợi thế của từng vùng. Chính vì vậy, trong số 6 khu kinh tế, 54 khu công nghiệp trên địa bàn duyên hải miền Trung, diện tích thuê đất mới chỉ đạt khoảng 40%. Đó là chưa kể diện tích đất doanh nghiệp thuê nhưng không triển khai xây dựng.

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nay, cái gọi là cấu trúc quyền lực hay động cơ lợi ích nằm ở chính quyền cấp tỉnh, TP, do đó, cần có một cơ quan tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung và cả sự đồng thuận giữa các địa phương để hướng đến lợi ích chung. Cơ bản nhất là cần có quy hoạch phát triển chung của vùng. Đó là quy hoạch tổng thể, đồng thời là quy hoạch cho từng lĩnh vực, là quy hoạch vùng của quốc gia. Điều này bảo đảm là không thể phá vỡ quy hoạch. Thứ hai là, phải có một thể chế vùng, mà không có cái đó là không giám sát thực thi được.


 Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khủng hoảng thiếu Oxy – Oxy quý hơn Vàng

Khủng hoảng thiếu Oxy – Oxy quý hơn Vàng

(Thanh tra) - Oxy rất cần thiết cho mọi hoạt động sống của con người. Khi cơ thể không được nhận oxy đầy đủ, có thể để lại những hệ quả nghiêm trọng. Sự khan hiếm oxy đang diễn ra trên thế giới bởi những tác động của biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố liên quan đến con người.

Liên Hương

21:27 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm