Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nửa mừng nửa lo

Thứ ba, 08/05/2012 - 14:13

(Thanh tra) - Năm 2012, đặc biệt trong nửa đầu năm, đã được cảnh báo từ trước, là một trong những năm khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam và thế giới.

Nhiều DN gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa

Những điểm sáng đáng quý

Thực tế Việt Nam 3 tháng đầu năm 2012 cho thấy những tín hiệu khả quan nhất định về kiềm chế lạm phát (so với tháng trước, CPI tháng 1/2012 tăng 1%; tháng 2/2012 tăng 1,37% - bằng mức cùng kỳ năm 2009, nhưng là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua; tháng 3/2012, CPI chỉ tăng 0,16% - mức tăng thấp nhất trong vòng gần 2 năm qua); giảm nhập siêu (nhập siêu khoảng 300 triệu USD, bằng khoảng 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm gần đây); cải thiện cơ cấu chất lượng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả về nguồn vốn và lĩnh vực thu hút; đấu thầu thành công trái phiếu Chính phủ khả quan hơn nhiều so với năm trước (đấu thầu thành công tới 5.900/7.000 tỷ đồng phiên ngày 16/2/2012 và trong quý I/2012 đã phát hành được trên 9.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ)…

Ngoài ra, những dấu hiệu cải thiện về tính thanh khoản NH và dự trữ ngoại hối cũng được ghi nhận.

Đặc biệt, CPI bình quân quý I/2012 thấp xa so với tốc độ tăng bình quân quý I trong 8 năm trước (tăng 4,41%).

Trung Quốc hoàn thuế giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu

Để tăng sức cạnh tranh cho hàng và DN của mình, Chính phủ Trung Quốc áp dụng hoàn thuế giá trị gia tăng 17% cho tất cả mặt hàng xuất khẩu; hỗ trợ vay vốn lãi suất chỉ từ 1 - 2% cho đầu tư xây dựng nhà máy, công xưởng. Thậm chí, Cty Việt Nam có văn phòng tại Trung Quốc, mua hàng của Trung Quốc xuất về Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi này. Theo đó, chỉ cần mua hàng, nguyên vật liệu của Trung Quốc phục vụ xuất khẩu, DN được hỗ trợ lãi suất 0% cho 30% giá trị đơn hàng…

Điểm mới tích cực nữa là, CPI lương thực sau Tết giảm nhẹ (0,41%), cước bưu chính viễn thông tiếp tục xu hướng liên tục giảm (0,16%). Giá cả một số hàng tiêu dùng trong siêu thị được giảm bớt nhờ đợt “khuyến mại trái mùa” của một số siêu thị những tháng sau Tết, giúp người nghèo… dễ thở hơn trong gánh nặng cơm áo hàng ngày.

Thực tế những tháng đầu năm đang cho thấy, khả năng hiện thực hóa mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012 xuống 1 con số được xác lập bởi những nhân tố tích cực, như: Nhận thức và quyết tâm chính trị mới từ cấp cao nhất; sự nhất quán chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt và thận trọng, theo hướng tiếp tục thắt chặt, giảm bớt khối lượng và nâng cao hiệu quả đầu tư công; xúc tiến đổi mới mô hình và cơ chế phát triển; sự dồi dào của các nguồn hàng hóa và lao động; sự năng động và bản lĩnh thương trường của đội ngũ doanh nghiệp (DN); vị thế quốc tế và lòng tin của thế giới đối với tiềm năng phát triển trung và dài hạn của Việt Nam ngày càng được củng cố.

Những khoảng tối đáng ngại

Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy đang đậm dần lên một số dấu hiệu bất ổn kinh tế đáng lo ngại. Nổi bật là ở khu vực DN trong nước, với con số ngày càng nhiều DN dừng hoạt động, thua lỗ, phá sản, nợ nần chồng chất, không nộp thuế và thu hẹp sản xuất - kinh doanh do lãi suất vốn vay cao, hàng tồn kho lớn, thị trường xuất khẩu khó khăn trong khi sức mua và thị phần trong nước thu hẹp.

Theo Tổng cục Thống kê, bước sang quý I/2012, GDP ước đạt 4% - thấp hơn so cùng kỳ nhiều năm trước (năm 2011, GDP của Việt Nam tăng 5,89% so với năm 2010, trong đó quý I tăng 5,57%; quý II tăng 5,68%; quý III tăng 6,07% và quý IV tăng 6,10%).

Điều đáng ngại, mức tăng GDP công nghiệp quá thấp (2,94%), chỉ xấp xỉ mức tăng của nông nghiệp (2,84%) và gần bằng 1/2 mức tăng của dịch vụ (5,31%). Chỉ số công nghiệp cộng dồn so với cùng kỳ từ tháng 7 - 12/2011 và 3 tháng đầu năm 2012 đi xuống một cách đều đặn, trong đó nhiều ngành có tỷ trọng đóng góp trong tổng giá trị sản xuất cao lại tăng trưởng âm.

So với quý I/2011, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ (giá thực tế) tăng 21,8%, trong khi CPI vẫn tăng tới 15,95% (nếu loại trừ yếu tố tăng giá chỉ tăng gần bằng 1/2 cùng kỳ năm trước). Nhập khẩu DN trong nước bằng 89,1%. Lượng gạo xuất khẩu mới bằng một nửa cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đã tăng 17,4% so với cùng thời điểm năm trước. Các ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là chế biến và bảo quản rau quả (tăng 80,6%); sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ (tăng 71,9%); sản xuất xi măng, vôi, vữa tăng 68,1%); sản xuất sắt, thép (tăng 53,4%).

Biểu đồ mức tăng bình quân CPI quý I hàng năm giai đoạn 2004 - 2012

Tính đến ngày 21/3/2012, cả nước có số DN đăng ký mới giảm 8% về lượng, 12% về vốn đăng ký so với cùng kỳ, tương ứng đạt trên 15,3 nghìn DN và 74,6 nghìn tỷ đồng. Nhưng, có trên 2,2 nghìn DN giải thể và trên 9,7 nghìn DN ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng DN đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57%. Chỉ tính 2 tháng đầu năm 2012, TP Hà Nội đã có 169 DN làm thủ tục giải thể, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm 2011. Còn TP HCM có 526/931 DN trong danh sách đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước; 5.012 DN ngừng hoạt động; 1.725 đơn vị chờ làm thủ tục giải thể, phá sản; 1.198 DN đã bỏ trốn, mất tích; 1.136 đơn vị tạm ngừng có thời hạn… Cục Thuế TP HCM cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2012, TP có hơn 3.100 DN xin giải thể, ngừng kinh doanh hoặc tạm ngừng kinh doanh, tăng 4,6 lần cùng kỳ 2011. Còn theo Hiệp hội DN TP HCM, chỉ còn khoảng 30% DN có đầu tư cho phát triển; số còn lại tạm ngưng đầu tư (60 - 70%). Tại quận 8, TP HCM, số DN còn hoạt động trên địa bàn chỉ khoảng 50% so với 5 năm trước.

Nợ thuế ngày càng tăng mạnh

Báo cáo ngày 1/3/2012 của Tổng cục Thuế cho thấy, tình hình nợ thuế năm 2011 tăng 29,5% so với năm 2010 và năm 2010 tăng 17,9% so với 2009. Một số địa phương có nợ năm 2011 tăng trên 50% so với năm 2010 như An Giang, Bắc Ninh, Bình Phước, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Tây Ninh... Bước sang quý I/2012, mức thu thuế của nhiều địa phương mới đạt trên dưới 50% so cùng kỳ năm ngoái. Một số DN có số nợ thuế hàng chục, trăm tỉ đồng, thời gian kéo dài. Từng được Hiệp hội Cà phê Thế giới xếp hạng Cty xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất toàn cầu, nhưng hiện Vinacafe Buôn Ma Thuột nợ khó trả gần 2.000 tỷ đồng...

Mối lo phá sản gia tăng ở mọi ngành và DN, nhất là trong ngành Kinh doanh bất động sản, ngành Thép, ngành Điều và chế biến thủy sản. Không ít DN chuyển sang “buôn chuyến”, từ sản xuất chuyển qua làm thương mại, nhập hàng bán ở nội địa, lấy ngắn nuôi dài, hoạt động cầm chừng nuôi nhân sự; không còn tâm trí và năng lượng thúc đẩy tái cấu trúc theo chiều sâu như kêu gọi của Chính phủ và đòi hỏi của thực tiễn cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt…

Đặc biệt, những khó khăn cho DN và hệ quả tiêu cực của lãi suất cho vay ngân hàng (NH) cao càng nặng nề hơn trong bối cảnh các DN Việt Nam đang đối diện với sự cạnh tranh và thôn tính chủ động, có bài bản, được khuyến khích bởi Chính phủ Trung Quốc. Trên thực tế, vừa duy trì thương mại tiểu ngạch, DN Trung Quốc còn sang Việt Nam mở cửa hàng, kho hàng và kết hợp với DN, tiểu thương Việt Nam để trở thành nhà phân phối cho chính hàng hóa của mình. Đồng thời, nhiều DN Trung Quốc đang xúc tiến việc mua lại các xưởng, nhà máy của DN Việt Nam thua lỗ, để có thể hưởng thuế ưu đãi trong nước từ việc khai báo lỗ này cũng như nắm quyền kiểm soát DN Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, nhất là thủy sản và để xuất khẩu hàng Trung Quốc vào Việt Nam càng nhiều càng tốt.

Theo nhiều dự báo, đến cuối quý II/2012, làn sóng DN trong nước phá sản, dừng hoạt động và không nộp thuế sẽ tiếp tục gia tăng vì không có đơn hàng hoặc không chịu nổi chi phí vốn cao trực tiếp và gián tiếp làm tăng áp lực thất nghiệp và an sinh xã hội, giảm thu nhập, giảm sức mua thị trường và căng thẳng cân đối ngân sách Nhà nước như một vòng xoáy lặp lại với mức độ ngày càng cao.

Cần sớm hạ lãi suất cho vay thực tế

Nếu như giảm dần tốc độ tăng trưởng kinh tế như là kết quả một phần bởi sự chủ động của Chính phủ trong nhận thức và thực hiện chính sách tài chính - tiền tệ thắt chặt để ưu tiên kiềm chế lạm phát thì hạ lãi suất, với tư cách là giải pháp hàng đầu tháo gỡ khó khăn cho DN dường như vẫn đang bị thực hiện có tính hình thức, thậm chí “đánh trống bỏ dùi”.

Thực tế cho thấy, yêu cầu gay gắt hạ lãi suất cho vay trước hết được quy định bởi áp lực phá sản từ phía các DN do lãi suất cao kéo dài. Số lượng DN thua lỗ, phá sản đã, đang và sẽ còn tăng mạnh vì lãi suất cho vay nhìn chung vẫn ở mức trên dưới 20%/năm - tức cao hàng đầu thế giới như hiện nay. Chi phí vốn cao và khó khăn thị trường khiến hàng hóa không tiêu thụ được kéo theo tình trạng chiếm dụng tiền thuế làm vốn kinh doanh, chiếm dụng vốn lẫn nhau và các hệ quả đa dạng kinh tế - xã hội khác như đã nêu trên.

Hơn nữa, yêu cầu về hạ lãi suất cho vay còn nhằm sự bảo đảm công bằng và nâng cao trách nhiệm xã hội của các NH thương mại trong so sánh với các DN khác. Điều này dễ nhận thấy khi so sánh chệnh lệch lãi suất đầu vào (14 - 17%) và đầu ra (22 - 25%) của các NH thương mại trong thời gian qua rất cao, chưa từng có tiền lệ (từ 8% đến hơn 10% trong khi chỉ cần 2,5 - 3% là đủ bù đắp các hoạt động kinh doanh của NH) do đó đang mang lại những món lợi siêu khủng hàng ngàn tỷ đồng, kéo theo mức lương, thưởng trung bình của các “đại gia” NH trở thành nỗi buồn xã hội khi so với đa số các DN khác đang sống lay lắt và người lao động của họ đang hưởng mức lương còm cõi.

Các NH cần sớm hạ lãi suất cho vay thực tế

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố giữa tháng 1/2012 cho thấy, với viên chức quản lý, cán bộ ngành NH, tài chính, bảo hiểm được trả lương cao nhất, trung bình gần 16 triệu đồng/người, gấp 1,5 lần so với công nghiệp khai thác, chế biến và gấp đôi ngành Xây dựng. Số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2011 của một số NH vừa công bố hé mở mức thu nhập cực "khủng” của nhân viên thuộc ngành NH. Cụ thể, thu nhập bình quân hàng tháng của nhân viên Vietcombank quanh mức 22,4 triệu đồng (với mức lợi nhuận công bố là 5.700 tỷ đồng năm 2011, tăng 4% so với năm 2010); Vietinbank - 20,76 triệu đồng (với mức lợi nhuận năm 2011 lên tới hơn 8.100 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2010, đạt 159% kế hoạch); ACB - khoảng 16 triệu đồng và Eximbank từ 7 - 8 triệu đồng.

Theo yêu cầu của Chính phủ, việc thực hiện lộ trình giảm lãi suất cần có cơ sở khách quan, không duy ý chí và cần bảo đảm hài hòa tất cả các mặt lợi ích, nhất là cần bảo đảm hạ lãi suất cho vay trên thực tế, từ đó giúp DN bớt khó khăn trong tiếp cận vốn NH.

NH Nhà nước cho biết, năm 2012 sẽ có chính sách phát hành các tín phiếu NH với mức lãi suất hợp lý để hút nguồn vốn dư thừa trong xã hội; phối hợp nhịp nhàng nhiều công cụ để bảo đảm tính thanh khoản của NH, bảo đảm mặt bằng lãi suất phù hợp, nhưng vẫn kiểm soát được dòng tiền dư thừa, không gây áp lực lên lạm phát.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, để thực hiện đúng nguyên tắc cạnh tranh đầy đủ trong hoạt động tín dụng với các điều kiện lành mạnh và chuẩn hóa khác, cả về phía các tổ chức tín dụng và DN, cũng như quản lý Nhà nước, không cần bất kỳ trần lãi suất nào, cả huy động lẫn cho vay tín dụng. Đồng thời, để an toàn và hợp lý nhất, quá trình dỡ bỏ trần lãi suất phải được thực hiện đúng lúc, khi các điều kiện đã chín muồi và theo trình tự: Dỡ bỏ trần lãi suất huy động trước khi dỡ bỏ trần lãi suất cho vay. Nói cách khác, cần lựa chọn lộ trình dỡ bỏ trần lãi suất sao cho đạt được nhiều mục tiêu hài hòa nhất, vì lợi ích của DN và nền kinh tế chung.

Thực tế hiện nay cho thấy, việc dỡ bỏ trần lãi suất cho vay sớm, trong khi giữ và khống chế trần lãi suất huy động thấp hơn mức lạm phát đã khiến các NH đứng trước cả 2 sức ép với tất cả các hệ lụy tiêu cực: Một mặt, các NH chịu sức ép cạnh tranh sức hấp dẫn nhằm duy trì ổn định nguồn vốn huy động. Do mức lãi suất huy động trần danh nghĩa thấp, không tuân theo nguyên tắc lãi suất thực dương, khiến các NH luôn phải tìm các chiêu “lách luật, lách trần”, tạo sự căng thẳng khả năng thanh khoản, buôn bán vốn long vòng, thiếu minh bạch và cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động tín dụng, tức gây cảnh “mất nhiều hơn được” trong theo đuổi các mục tiêu điều hành lãi suất  của NH Nhà nước. Mặt khác, các NH chịu sức ép tìm kiếm khách hàng  đủ sức chịu lãi vay cao, khiến dòng vốn tín dụng NH bị dồn tụ, tập trung thái quá bất chấp nguyên tắc an toàn vào một số khách hàng và lĩnh vực kinh doanh, nhất là cho vay phi sản xuất. Việc “tập trung trứng vào một giỏ” kiểu đó sẽ khiến rủi ro tín dụng gia tăng và chủ trương tập trung cho vay sản xuất, nhất là cho vay tái cơ cấu, phát triển  nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ cũng như cho vay DN vừa và nhỏ sẽ  chỉ là lời hiệu triệu tốt đẹp hay an ủi tinh thần cho những người trong cuộc mà thôi.

Hơn nữa, lãi suất cho vay quá cao đang khiến hệ thống DN trở nên nghẹt thở, mất khả năng cạnh tranh, nguy cơ thu hẹp sản xuất, vỡ nợ và giãn thợ, tạo sức ép xã hội tăng cao đang ngày một đậm nét… Vì vậy, việc tái lập và duy trì trần lãi suất cho vay và triển khai các biện pháp đồng bộ khác để bảo vệ DN và duy trì năng lực cũng như sự bình ổn lành mạnh thị tài chính và nền sản xuất xã hội đang trở nên hiện hữu, cấp thiết hơn.

Tóm lại, xác lập trần lãi suất cho vay ở mức 15 - 16% và mềm hóa trần lãi suất huy động (nếu còn giữ lại), điều hành mềm dẻo có nguyên tắc để từng bước tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn cả 2 loại trần lãi suất là việc cần làm và làm tốt hơn trong hoạt động NH, đáp ứng yêu cầu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ DN vượt khó, duy trì động lực tăng trưởng và tái cấu trúc đi đôi với bình ổn kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ đã nêu.


TS Nguyễn Minh Phong

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm