Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nỗi lo giá cả thị trường trước và sau Tết

Thứ tư, 21/12/2011 - 21:19

(Thanh tra)- Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán điện bình quân 5% so với giá hiện hành kể từ ngày 20/12/2011 khiến người tiêu dùng lo ngại sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng giá cùng với nạn tăng giá tâm lý “té nước theo mưa” gây biến động giá cả thị trường trước và sau Tết.

Lý do tăng giá bán điện được Bộ Công thương và EVN giải thích là “rất cần thiết để giá điện bảo đảm phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh điện thực tế, bù đắp một phần chi phí phát sinh khác khách quan trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao và một số chi phí treo lại chưa được tính vào giá bán điện. Việc tăng giá lần này không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của các ngành sản xuất, kinh doanh khác cũng như đời sống của người dân”.

Điều đáng nói, vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này, việc tăng giá điện chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”, trái với chủ trương của Chính phủ về giãn thời gian tăng giá các mặt hàng thiết yếu, trong đó có điện.
   
Đầu năm 2011, hai mặt hàng tăng giá là xăng dầu và điện, trong đó điện tăng giá bán bình quân 15,23% đã tác động mạnh, liên hoàn đến toàn bộ nền kinh tế và thu nhập đời sống của người dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính đẩy lạm phát vọt lên cao kỷ lục. Dù trước đó, Bộ Công thương và EVN đều đưa ra lời giải thích tương tự về tăng giá điện. Vì vậy, không thể chủ quan, cần cảnh giác và có những biện pháp ngăn chặn nạn tăng giá “ăn theo” giá điện.   
     
Bên cạnh giá điện tăng, nhiều yếu tố bất lợi khác cũng đang tạo áp lực lên giá cả thị trường và lạm phát những tháng cận và sau Tết âm lịch. Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), những tháng gần Tết Nguyên đán, dự kiến nhu cầu tiêu dùng cả nước sẽ tăng khoảng 20 - 22%. Hơn nữa, đây là tháng có lượng giải ngân lớn để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhất là nhập hàng hóa, cần ngoại tệ. Bên cạnh đó, lương thưởng của các doanh nghiệp, tiền dân cư đưa ra dịp Tết… sẽ là những nhân tố tác động đẩy mặt bằng giá cả lên cao.
   
Thực tế, từ tháng 11 đến nay tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đã tăng mạnh (trong đó tháng 11 tăng gần 2% so với tháng 10). Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: Hiện nay, hầu hết địa phương đều lo lắng nguồn lương thực, thực phẩm, nhất là nguồn thịt lợn và rau củ trong dịp trước và sau Tết, vì hai mặt hàng này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Dù được dự báo, năm nay cả nước sẽ đạt sản lượng trên 41 triệu tấn lúa, đáp ứng xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo và bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước;  nguồn cung thịt lợn, gia cầm từ chăn nuôi đang tăng mạnh trong dịp Tết; khoảng 30 địa phương dự kiến sẽ triển khai chương trình bình ổn giá. Tuy nhiên, một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm đã bắt đầu có dấu hiệu tăng giá do nhu cầu tăng vào cuối năm.
     
Trong khi đó, xuất khẩu lậu    đường, thịt và một số hàng nông sản khác qua biên giới Trung Quốc có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, với đường, nguồn cung đủ cho dịp Tết, thậm chí còn dư 100 tấn. Nhưng trước áp lực lãi suất cao, lượng tồn kho lớn, khiến các doanh nghiệp xuất lậu đường sang Trung Quốc tương đối lớn. Nếu tình trạng này kéo dài, không được ngăn chặn, thì chỉ quý II năm sau trong nước lại thiếu đường. Tổng lượng thịt xuất khẩu qua Trung Quốc trong 4 tháng (từ tháng 8 - 11/2011) lên tới 2.800 tấn; trong đó, tháng 11 tăng đột biến lên tới 936 tấn. Khả năng trong những tháng tới, việc xuất khẩu này còn diễn ra mạnh, nếu không có biện pháp mạnh để ngăn chặn sẽ xảy ra thiếu nguồn cung trong nước và tăng giá.
     
Giá vàng trong nước hiện đang chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới (từ 2,5 - 3 triệu đồng/lượng). Điều này dẫn đến nhu cầu mua gom USD để nhập lậu vàng gia tăng, gây áp lực tăng tỷ giá và đẩy giá USD ngoài thị trường “chợ đen” lên cao, ngân hàng căng thẳng nguồn cung. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu hàng ngoại vẫn đều chịu mức lãi suất vay đồng nội tệ và ngoại tệ ở mức cao. Riêng, lãi suất cho vay VND ở các ngân hàng thương mại hiện vẫn phổ biến từ 23 - 25%, chưa kể các loại phí khác, nên chi phí giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp khó giảm hoặc hạn chế nguồn cung hàng hóa.
     
Thị trường giá cả, hàng hóa rõ ràng đang có những diễn biến cả thuận lợi và không thuận lợi đan xen, nếu các ngành, các cấp không thực hiện nghiêm chỉnh sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, lưu thông hàng hóa, dự trữ, giảm lãi suất cho vay, giãn thời gian tăng giá các mặt hàng thiết yếu cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả, chống đầu cơ, buôn lậu sẽ khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh sinh xã hội.


Hà Lê

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm