Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 01/10/2012 - 14:59
(Thanh tra) - Một trong những điểm nóng nổi bật của các nền kinh tế hiện nay là tình trạng nợ xấu gia tăng khó kiểm soát, với những hệ luỵ kinh tế - xã hội - chính trị đa dạng ngày càng nặng nề, lan rộng trên mọi quy mô và cấp độ… Vì vậy, việc nhận diện các nguy cơ, giảm bớt các ngộ nhận về nợ xấu là cần thiết cả ở cấp vĩ mô, cũng như vi mô, cả trước mắt cũng như lâu dài.
Nợ (bao gồm cả nợ công và nợ tư) ngày càng trở thành hiện tượng phổ biến và đặc trưng có tính chất thời đại, hầu như không loại trừ bất kỳ quốc gia và doanh nghiệp (DN) nào. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và tuỳ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, tình trạng một nước, một DN vừa là chủ nợ, lại vừa là con nợ cũng ngày càng thường gặp.
Điểm đáng lưu ý và cũng là biểu hiện đậm nét “mặt trái của tấm huy chương” ở chỗ, khi “quả bom” nợ xấu chưa phát nổ, khi các nguồn nội lực và nguồn thu hạn hẹp, trong khi nhu cầu chi tiêu không ngừng tăng nhanh, thì nợ trở thành kênh lựa chọn hàng đầu để tìm kiếm nguồn vốn tài chính bổ sung cần thiết hỗ trợ cho các hoạt động của quản lý Nhà nước và đầu tư DN, với kỳ vọng góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội vĩ mô và vi mô. Thậm chí, nhiều khoản vay nợ (kể cả vay ngắn hạn) để đầu tư trung và dài hạn có tính đầu cơ cao này được khích lệ ngầm bởi các cơ quan hữu trách và còn được coi như biểu tượng sự tự do và thịnh vượng mới của kinh tế thị trường và động lực phát triển kinh tế quốc gia, cũng như được coi là bằng chứng của lòng tin thị trường và thế giới vào quốc gia khi đó.
Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự gia tăng quy mô nợ, thì nợ xấu cũng hình thành như là kết quả hội tụ của nhiều nguyên nhân khác nhau, và cũng là thước đo hiệu quả quản lý kinh doanh và quản lý Nhà nước trong bối cảnh cụ thể.
Là những khoản nợ quá hạn (thường từ trên 3 -6 tháng, tuỳ theo cách phân loại) với nguy cơ khó đòi cao, nếu nợ xấu nằm trong phạm vi cho phép (thường không quá 3% tổng dư nợ ngân hàng - NH) và khả năng kiểm soát của DN, NH và Chính phủ thì không là chuyện phải bàn. Vấn đề và các hệ luỵ của nợ xấu chỉ phát sinh và phát tác khi quy mô nợ xấu tăng vọt (lên tới 17 - 45% ở nhiều nước châu Á những năm 1998 - 1999) và các con nợ mất khả năng thanh toán kéo dài, dẫn đến nguy cơ hoặc hiện thực vỡ nợ của cả loạt DN, NH, thậm chí cả quốc gia. Kéo theo đó là những hệ luỵ dây chuyền về kinh tế - xã hội - chính trị, đòi hỏi các chi phí giải cứu ngày càng đắt đỏ và có khi phải trả giá bằng sự ra đi tự nguyện hoặc bắt buộc của nhiều bộ máy Chính phủ, chính khách và nguyên thủ quốc gia.
Nợ xấu và các giải pháp xử lý nợ xấu ngày càng trở thành tác nhân và công cụ mạnh mẽ chi phối đời sống chính trị và chính sách quốc gia. Những điều kiện tín dụng ngày càng ngặt nghèo, nhất là mức lãi suất cao và áp lực thắt chặt chi tiêu, sẽ kéo theo những hệ quả khôn lường nhiều mặt, từ sự suy giảm kinh tế, những cuộc biểu tình đòi tăng chi hỗ trợ an sinh xã hội, giúp DN vượt khó, đến những cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và kiến nghị đòi từ chức, thay đổi nhân sự chính quyền cấp cao…
Đặc biệt, từ vấn đề kinh tế thuần tuý, nợ xấu đang có khuynh hướng nâng cấp và “đổi màu” trở thành vấn đề kinh tế - xã hội, tạo áp lực làm sụp đổ liên minh kinh tế - chính trị. Thậm chí, có thể xuất hiện những cuộc ra đi bất ngờ và nặng nề của không ít chính khách và quốc gia khỏi vị trí và vị thế hiện có…
Lịch sử mỗi quốc gia và toàn thế giới đã, đang và sẽ còn tiếp tục có nhiều minh chứng về nợ xấu, với tư cách là mặt trái tấm huân chương. Những cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ và suy giảm kinh tế, cả cấp khu vực những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước khởi đầu từ Thái Lan và cấp toàn cầu khởi đầu từ Mỹ năm 2008 hiện nay, đều có nguyên nhân trực tiếp từ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản. Còn trước đó, những khoản nợ xấu này lại được tích tụ từ việc mở rộng quá mức những khoản vay dễ dãi để đầu tư có tính đầu cơ cao vào thị trường bất động sản đang thời kỳ bùng nổ bong bóng.
Hơn nữa, thực tế cho thấy, việc thiếu kiểm soát chặt chẽ các khoản vay dưới chuẩn, các hợp đồng hoán đổi và sự bùng nổ các công cụ nợ phái sinh trên thị trường tín dụng bất động sản và cả việc bãi bỏ Đạo luật Glass-Steagall 1933 chia tách ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại… đã là cội rễ thiết yếu và cơ chế trực tiếp của quả bom nợ xấu, trước khi nó “bất ngờ” bùng nổ, gây đổ vỡ ngoài dự báo của cơ quan giám sát Nhà nước Mỹ và khả năng kiểm soát của siêu cường số 1 thế giới này, và vẫn đang tiếp tục vòng xoáy mới tệ hại trên phạm vi vượt ra ngoài nước Mỹ.
Đồng thời, thực tế cũng đang cho thấy ngày càng đậm hơn xu hướng tương tác chuyển hóa và chế định lẫn nhau giữa nợ công và nợ tư. Khi nợ xấu tư nhân gây bất ổn kinh tế và giảm mạnh các nguồn thu ngân sách trong nước, thì dù muốn hay không, sớm hay muộn, Chính phủ đều buộc phải viện đến các gói hỗ trợ và tăng chi tiêu công trị giá nhiều tỷ USD nhằm giải cứu nợ, phong tỏa các nguy cơ, kích cầu và giữ ổn định nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Điều này dẫn đến áp lực tăng nợ công. Đến lượt mình, khi nợ công, nhất là nợ xấu nước ngoài tăng, giảm mức xếp hạng tín nhiệm Chính phủ sẽ khiến đổ vỡ lòng tin và giảm cơ hội thị trường, giảm động lực phát triển kinh tế, giảm cơ hội đầu tư và thu nhập của DN, của người lao động, thu hẹp thị trường… do đó làm tăng nợ tư nhân, nhất là nợ xấu…
Các hoạt động đầu cơ và đầu tư đa ngành thái quá, mù quáng, cảm tính, phong trào cũng như bị chi phối bởi lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ… dễ dẫn đến sự gia tăng đột biến nợ xấu. Các rủi ro đạo đức và sự yếu kém trong quản trị rủi ro của các NH càng đổ thêm dầu vào đống lửa - nợ xấu, nhất là thông qua những thủ đoạn khai tăng giá trị thế chấp, cho vay tập trung quá mức vào một lĩnh vực và nhóm con nợ, bất chấp các nguyên tắc an toàn tín dụng.
Đặc biệt, ngay cả những khoản vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) nếu không được quản lý tốt cũng có thể trở thành căn nguyên dẫn đến sự gia tăng nợ nước ngoài và nợ xấu cho một quốc gia nhận ODA (với những tiêu chuẩn ngặt nghèo và đắt đỏ vì giải ngân theo kiểu chỉ định thầu từ nhà cung cấp ODA).
Không thể lảng tránh hoặc che đậy mãi, nhưng cũng không thể đối diện với nợ xấu một cách cảm tính, duy ý chí. Thời gian gần đây, thế giới ngày càng thống nhất nhận thức về việc cần tránh những ngộ nhận, thói vô trách nhiệm và những kẽ hở trong quản lý nợ, nhất là nợ xấu; làm tốt công tác thông tin, dự báo và giám sát, cảnh báo và kiểm soát an toàn nợ, nhất là an toàn cho hệ thống tài chính - NH; ngăn chặn những hành vi lạm dụng và đầu cơ mù quáng, cảm tính đám đông - nhân tố nhạy cảm của khủng hoảng nợ nói riêng, khủng hoảng kinh tế - tài chính nói chung.
Đặc biệt, thực tiễn thế giới cho thấy, sự nhất quán trong thắt chặt thận trọng và linh hoạt nới lỏng chính sách tài chính - tín dụng; tăng cường giám sát và chủ động các kịch bản an toàn về nợ xấu; đẩy mạnh quốc tế hoá, toàn cầu hoá và tri thức hoá nền kinh tế; đề cao sự phối hợp hài hòa bàn tay Nhà nước pháp quyền và bàn tay thị trường… đã, đang và sẽ là định hướng phát triển tất yếu đồng thời là giải pháp ngày càng quan trọng và hiệu quả trong cuộc chiến nhằm kiểm soát nợ xấu và những hệ lụy của nợ xấu ở từng quốc gia và trên phạm vi toàn cầu…
TS Nguyễn Minh Phong
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán Công ty cổ phần Công trình Giao thông Đồng Nai bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 242,5 triệu đồng.
Trần Quý
20:27 13/12/2024(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.
Trần Kiên
20:25 13/12/2024T.Thanh
19:25 13/12/2024Chính Bình
16:53 13/12/2024Thanh Giang
16:10 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình