Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp giấy

Thứ sáu, 15/07/2011 - 09:47

(Thanh tra)- Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gần thị trường tiêu thụ lớn của cả nước về giấy in, giấy viết và bao bì giấy… Ngành công nghiệp giấy Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển với quy mô sản phẩm giấy in và giấy viết đạt 200.000 tấn/năm và bao bì giấy các loại đạt 100.000 ngàn tấn/năm... đáp ứng được trên 30% thị phần trong cả nước. Hiện nay, ngành công nghiệp này đang mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, tạo nguồn nguyên liệu... từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất giấy trong nước.

Tái cấu trúc lại ngành công nghiệp giấy

Tại Đồng Nai, Cty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Giấy Tân Mai là một trong những doanh nghiệp (DN) có quy mô sản xuất giấy lớn nhất cả nước. Cùng một số DN khác như Nhà máy Giấy Đồng Nai, Cty TNHH Giấy Hưng Long, CTCP Bao bì Biên Hòa, DNTN Khải Phàm… Đồng Nai sản xuất và cung ứng một khối lượng giấy chiếm trên 30% thị phần cả nước, nhất là loại giấy in báo, giấy in.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây ngành công nghiệp giấy ngày càng bị sụt giảm về sản lượng và giá trị. Đơn cử, giá trị sản xuất công nghiệp ngành giấy trên địa bàn tỉnh năm 2010 chỉ đạt 2.340 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành giai đoạn 2006 - 2010 là 12,1%/năm, bằng 2,3% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Sản lượng giấy thành phẩm giảm mạnh qua các năm. Năm 2010 đạt 129.189 tấn, giảm 3.626 tấn so với năm 2006.

Nguyên nhân, hầu hết các nhà máy giấy trên địa bàn tỉnh còn sử dụng dây chuyền sản xuất cũ kỹ, lạc hậu nên hiệu quả sản xuất còn hạn chế. Bên cạnh đó, sản xuất giấy là một trong các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường cao, sử dụng lượng nước rất lớn, thông thường sử dụng từ 30 - 100m3 nước để sản xuất ra 1 tấn giấy nếu thiết bị sản xuất công nghệ lạc hậu (từ 5 - 7m3 nước/tấn giấy nếu thiết bị sản xuất tiên tiến). Do đó, vấn đề ô nhiễm nước thải tại các nhà máy giấy đang được quan tâm. Đồng Nai hiện có 3/5 DN sản xuất giấy nằm trong danh mục DN gây ô nhiễm môi trường và một cơ sở phải di dời theo chủ trương của UBND tỉnh.

Trước tình hình đó, các DN ngành giấy đã mạnh dạn tái cấu trúc bộ máy, đầu tư dây chuyền sản xuất mới thay thế. Điển hình như CTCP Tập đoàn Giấy Tân Mai đầu tư dự án nhà máy giấy Tân Mai miền Đông với tổng diện tích 54,6ha, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu từ năm 2011 - 2012, Cty sẽ xây mới dây chuyền chủ yếu sản xuất giấy in báo, công suất 150.000 tấn/năm, công đoạn xử lý giấy vụn có công suất 100.000 tấn/năm với thiết bị nhập đồng bộ từ Canada giúp tiết kiệm nhiên liệu, chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giai đoạn tiếp theo từ cuối năm 2012 - 2014 sẽ di dời, nâng cao, hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất và một số hệ thống phụ trợ từ Nhà máy Giấy Tân Mai hiện nay ra Nhà máy Giấy Tân Mai miền Đông tại xã Long Phước, huyện Long Thành (Đồng Nai).

CTCP Tập đoàn Giấy Tân Mai còn đầu tư 2 dự án khác gồm: Dự án Nhà máy Bột giấy và Giấy Tân Mai tại huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum với tổng diện tích 150ha; Nhà máy Sản xuất giấy và Bột giấy Tân Mai - Quảng Ngãi, tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư 2.219 tỷ đồng, tổng diện tích 45ha, công suất 200.000 tấn giấy tráng phấn/năm và 130.000 tấn bột cơ BTCMP/năm, dự kiến đi vào sản xuất từ năm 2012.

CTCP Tập đoàn Giấy Tân Mai cũng đang triển khai dự án Nhà máy Sản xuất giấy và Bột giấy tại tỉnh Lâm Đồng.

Quy hoạch vùng nguyên liệu

Để tạo bước đi bền vững trong ngành công nghiệp giấy ở Việt Nam, CTCP Tập đoàn Giấy Tân Mai đã mạnh dạn đầu tư từng bước khép kín từ phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng nhằm bảo đảm nguồn bột giấy tự sản xuất cho đến nhập công nghệ mới nhằm tăng nhanh sản lượng cũng như chất lượng giấy. Cty Tân Mai hiện có trên 22.000ha rừng trồng nguyên liệu và còn được quy hoạch hơn 100.000ha rừng trồng tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung. Diện tích trồng rừng đạt trên 10.150ha và đã khai thác gỗ rừng trồng nguyên liệu trên 524.000m3.

Định hướng phát triển của ngành giấy Đồng Nai trong thời gian tới là duy trì và cải tiến các sản phẩm đã có thương hiệu, phát triển thêm các sản phẩm giấy cao cấp… tăng mức chủ động về nguồn nguyên liệu, liên doanh, liên kết, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngành tiếp tục đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; duy trì năng lực sản xuất ở mức độ cao để đáp ứng nhu cầu trong nước; tập trung đầu tư dứt điểm các dự án đã được phê duyệt để huy động kịp thời năng lực sản xuất; đầu tư nâng cấp chất lượng các mặt hàng đang giữ thị phần để nâng cao tính cạnh tranh với hàng nhập khẩu; nghiên cứu sử dụng đa dạng nguyên liệu, đặc biệt là cây thân thảo, phế liệu nông nghiệp, giấy thải các loại. Ngành ưu tiên đưa vào sử dụng giải pháp công nghệ sạch, giải quyết tồn tại về ô nhiễm, giảm thiểu chất thải môi trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển đối với các lĩnh vực tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, xác định thêm các loài, giống cây có năng suất và chất lượng bột giấy cao để sản xuất giấy đạt hiệu quả cao nhất.

Lê Hiền

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm