(Thanh tra)- Có nhiều tiềm năng, thậm chí là vị thế lớn trong lĩnh vực xuất khẩu (XK), tuy nhiên một số ngành hàng nông sản của Việt Nam như: Cà phê, cao su, hạt điều, lúa gạo… chưa tạo ra được giá trị gia tăng (GTGT) như mong đợi. Một số ngành hàng gần như chỉ xuất thô. Để giúp đề ra hướng đi chiến lược, bền vững cho nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang xây dựng đề cương Đề án Nâng cao GTGT trong một số ngành hàng nông sản chủ lực.
Hướng đến phát triển bền vững
Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Trong những năm qua, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng khá (3,5%/năm); hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung như lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, chè ở miền Bắc, cao su ở Đông Nam bộ; XK tăng mạnh, một số loại sản phẩm XK chiếm được vị thế cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp giảm dần trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp gần như đạt “ngưỡng” về năng suất, sản lượng đối với nhiều loại nông sản cũng như số lượng XK các mặt hàng chủ lực. Trong khi đó, việc hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế đưa đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức về: Yêu cầu chất lượng, cạnh tranh, bảo hộ, chống bán phá giá…
Các chuyên gia kinh tế nhận định, những thách thức này cùng với hạn chế trong việc sản xuất các sản phẩm có GTGT cao đang là bài toán mà ngành Nông nghiệp phải tìm ra hướng giải quyết. Bởi, ngay đến cả những mặt hàng XK chủ lực như cà phê, chất lượng sản phẩm cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức; tỷ lệ áp dụng tiêu chuẩn sản xuất bền vững 4C mới đạt 5% diện tích và cũng chỉ 5% sản lượng được cấp chứng chỉ UTZ… Chưa kể, tổn thất sau thu hoạch về cả số lượng và chất lượng các mặt hàng nông sản nói chung còn rất lớn. Thêm nữa, giao dịch mua bán không theo một tiêu chuẩn nào; trình độ công nghệ chế biến chủ yếu ở mức trung bình thấp. Ngoài ra, cơ cấu hàng nông, lâm, thủy sản XK còn nhiều hạn chế trên nhiều phương diện.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ sớm có hướng dẫn về quy trình sản xuất tốt, đạt tiêu chuẩn cụ thể và có các cơ quan chứng nhận, cũng như áp dụng quy trình sản xuất cụ thể với từng sản phẩm nông sản, nhằm định hướng cho người sản xuất và doanh nghiệp làm theo cách nào có lợi và tăng được GTGT cao nhất, bền vững nhất. |
Vì vậy, sự tăng trưởng kim ngạch XK chưa đem lại sự gia tăng tương ứng cho thu nhập của người sản xuất. Do đó, cần thiết phải nâng cao GTGT trước mắt trong một số mặt hàng nông sản chủ lực chính là cầu nối giữa tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng, hướng đến phát triển bền vững.
10 năm, GTGT của mỗi ngành hàng tăng ít nhất 20% Bộ NN&PTNT đang định hướng nâng cao GTGT các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu từ 50% hiện nay lên 70% đến năm 2020. Nghĩa là, mỗi ngành hàng có mức tăng ít nhất 20% GTGT trong 10 năm. Với lúa gạo, sẽ áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa theo hướng bền vững, giảm chi phí sản xuất, chú trọng cả năng suất và chất lượng; tuân thủ các quy trình công nghệ trong chuỗi sản phẩm từ thu mua, bảo quản… đến lưu thông. Đưa tỷ lệ gạo thu hồi lên 68%; giảm tổn thất sau thu hoạch còn 5 - 6%; cải thiện chất lượng gạo XK: Tỷ trọng gạo 5 - 10% tấm chiếm 70% sản lượng… Bên cạnh đó, tập trung nâng cao GTGT cà phê ở các khâu thực hành sản xuất tốt cà phê nguyên liệu; đổi mới công nghệ sơ chế; cơ cấu lại sản phẩm phù hợp, đặc biệt chú trọng sản xuất cà phê hòa tan đang rất có tiềm năng XK… Qua đó, tăng tỷ lệ chế biến sâu. Tăng tỷ lệ cà phê được cấp chứng chỉ (4C, UTZ, RainForest) lên 40% vào 10 năm tới so với 15% hiện nay…
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, cần xác định một số ngành hàng chủ lực là: Gạo, cà phê, chè, cao su, lợn, gia cầm, cá tra, đồ gỗ. Để tạo sự chuyển biến nhanh trong tăng GTGT cho các ngành hàng này thì cần xác định các nhóm giải pháp trên 3 cấp độ: Sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Với cấp độ sản phẩm, cần rà soát lại toàn bộ chuỗi sản xuất, kinh doanh để tìm ra tiềm năng của từng khâu và chọn khâu trọng yếu nhất, có khả năng tác động đến việc tăng GTGT cao nhất để làm. Ví dụ sẽ chọn tăng cường sản xuất cà phê hòa tan để tăng GTGT của ngành hàng cà phê. Ở cấp độ doanh nghiệp, cần làm rõ dư địa để làm tăng GTGT như đưa công nghệ mới, xây dựng thương hiệu… để từ đó được thế giới biết đến doanh nghiệp Việt Nam. Còn với cấp độ quốc gia, sẽ tập trung vào lựa chọn sản phẩm, quy hoạch mùa vụ, cơ cấu vùng miền có lợi thế để phát huy điểm mạnh sản phẩm. Cùng với đó tăng cường giống tốt, cơ chế chính sách phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tăng cường cơ sở hạ tầng thương mại, marketting, dịch vụ bán lẻ, đào tạo nguồn nhân lực… để đem lại giá trị cao hơn cho từng loại sản phẩm.
Hữu Oanh