Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mạnh tay với thất thoát

Thứ ba, 08/05/2012 - 06:52

(Thanh tra)- Lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong đầu tư công là “thủ phạm” gây ra nhiều hậu quả xấu cho nền kinh tế và an sinh xã hội, đe dọa sự an toàn nguồn vay và trả nợ nước ngoài. Dù đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng kết quả vẫn chưa mấy chuyển biến.

Đầu tư công trong thời gian gần đây chưa thực sự hiệu quả.

145 dự án có thất thoát

Theo báo cáo kết quả giám sát tổng thể các dự án (D.A) đầu tư vừa hoàn thành trong tháng 4 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số D.A sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên có nhiều vi phạm.

Trong năm 2011, có 4.436 D.A chậm tiến độ (chiếm 11,55%), 100 D.A vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, 47 D.A vi phạm về quản lý chất lượng. Đặc biệt, có tới 145 D.A sử dụng vốn Nhà nước xảy ra thất thoát, lãng phí và 1.034 D.A phải ngừng thực hiện.

Kiểm tra 302 D.A nhóm A dùng vốn ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phát hiện 93 D.A chậm tiến độ.

Tình trạng vi phạm về quản lý đầu tư xảy ra phổ biến ở các D.A đầu tư bằng nguồn vốn bên ngoài. Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4.466 D.A được kiểm tra, 30 D.A vi phạm về bảo vệ môi trường, 68 D.A vi phạm về sử dụng đất, 67 D.A vi phạm về quản lý tài nguyên. Trong năm 2011, các cơ quan chức năng đã thu hồi 338 giấy phép đầu tư.

 Việc chậm tiến độ, thất thoát, lãng phí là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư và tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Đặc biệt, mặc dù 2 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện rà soát và cắt giảm đầu tư công hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng áp lực tăng chi ngân sách Nhà nước (NSNN) cho đầu tư công vẫn cao. Tổng chi NSNN năm 2011 vẫn tăng lớn (100.167 tỷ đồng), vượt 13,8% so với dự toán. Trong đó, khoảng 23% số tăng chi NSNN là cho đầu tư phát triển. Từ đầu năm đến 15/4/2012, tổng chi NSNN ước tính đạt 234.200 tỷ đồng (bằng 25,9% dự toán năm), góp phần làm bội chi NSNN đến ngày 15/4 là 35.300 tỷ đồng (bằng 25,2% so với dự toán do Quốc hội phê chuẩn).

Cần thay đổi về thể chế


Sự kém hiệu quả của đầu tư công, theo các chuyên gia kinh tế nằm ở quy hoạch, kế hoạch, quy trình quyết định đầu tư. Tức là, ở thể chế và bộ máy đang tồn tại nhiều bất cập.

Luật Ngân sách 2004 quy định việc phân bổ vốn đầu tư, trong đó, những D.A nhóm A, B, C được phân chia cho các ngành và địa phương tự xét duyệt, chỉ một số rất ít do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy định này gần như “khoán trắng đầu tư công”, tạo chủ động cho các đơn vị, trong khi các cơ quan Trung ương giám sát, kiểm tra chiếu lệ, mang tính hình thức, không có chế tài kỷ luật nghiêm ngặt. Do việc quản lý, điều chỉnh vĩ mô trong đầu tư công gần như bị buông lỏng nên dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, phá vỡ quy hoạch quốc gia, đầu tư dàn trải, lãng phí.

Cùng với đó là cơ chế “xin - cho” D.A đã khiến phát sinh nhiều tiêu cực trong thời gian qua như “chạy” D.A, chi phí “bôi trơn”, hay “gửi” D.A, lợi ích nhóm… Hậu quả là, chi phí D.A tăng, chất lượng giảm. Chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam cao hơn 1,5 - 2 lần so với Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, thậm chí cao hơn Mỹ, khó thu hút đầu tư hoặc chậm thu hồi vốn, tạo thêm gánh nặng nợ nần cho Nhà nước. Nhiều D.A đội giá dự toán ban đầu lên tới hàng ngàn tỷ đồng vì chậm tiến độ.

Chưa kể, nhiều D.A mới đưa vào khai thác, sử dụng đã hỏng hóc hoặc nhiều công trình không được sử dụng... Thực tế này cho thấy rõ nghịch lý, trong khi quy mô đầu tư tăng nhưng tăng trưởng của nền kinh tế giảm, chất lượng tăng trưởng thấp. Đồng thời, giải thích vì sao nhiều năm nay con số lạm phát (CPI) ở Việt Nam luôn cao hơn từ 2 - 3 lần so với tăng trưởng của nền kinh tế (GDP), trong khi ở các nước thì ngược lại.

Theo các chuyên gia, nếu không có thay đổi trong bộ máy và thể chế, rất khó có thể tái cấu trúc đầu tư công, cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư công. Trước mắt, Nhà nước cần sớm điều chỉnh cơ chế phân cấp cho địa phương để tránh tình trạng mất cân đối, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch trong đầu tư giữa địa phương và quốc gia, bảo đảm giữa thu và chi trong nền kinh tế. Đồng thời, phải có cơ chế, chế tài xử lý cụ thể, nghiêm minh để gắn quyền và trách nhiệm của đơn vị được phân cấp, cũng như người đứng đầu đơn vị phân cấp và liên quan khi để xảy ra tiêu cực lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong đầu tư công.

Tình trạng lãng phí, đầu tư kém hiệu quả rất phổ biến trong khi chỉ phát hiện được rất ít trường hợp tham ô và bị đưa ra xử lý (như vụ PMU 18).

Để Đề án Tái cấu trúc đầu tư công đạt được kết quả cao, phải gắn liền với cải cách luật pháp, thể chế, cơ chế quản lý đầu tư theo hướng thực hiện công khai, minh bạch. Đặt quá trình đầu tư dưới chế độ trách nhiệm cá nhân trong từng khâu trong quy trình thiết kế, xét duyệt, nghiệm thu. Đặt đầu tư công dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử, tổ chức quần chúng có chuyên môn (như Hội Xây dựng), báo chí và công luận.

Bên cạnh đó, cần chuyển mạnh từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Hạn chế danh mục đầu tư công, thực hiện rộng rãi cơ chế hợp tác công - tư trong các lĩnh vực đầu tư có thu và sinh lời.

Đồng thời, cần ban hành Luật Đầu tư công và Luật Mua sắm công; sửa đổi, bổ sung các luật pháp liên quan như Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, các quy định liên quan trong Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung trong quan hệ giữa Trung ương và địa phương theo hướng tăng cường chế độ tự chịu trách nhiệm, chế độ trách nhiệm cá nhân trong quyết định đầu tư.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương

                                                                                                        Hà Phong - Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Doanh số bán ra của thị trường ô tô cao nhất trong năm

Doanh số bán ra của thị trường ô tô cao nhất trong năm

(Thanh tra) - Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường ô tô của các đơn vị thành viên trong tháng 11/2024 đạt 44.200 xe, tăng 14% so với tháng 10/2024 (38.761 xe) và tăng 58% so với tháng 11/2023 (27.953 xe). Đây là mức doanh số cao nhất kể từ đầu năm.

Uyên Uyên

16:28 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm