Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 06/05/2011 - 08:27
(Thanh tra)- Theo số liệu khảo sát mới đây của Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD), lao động Việt Nam có tỷ lệ chuyển xưởng cao nhất, chiếm 35%, đứng đầu trong số 15 quốc gia phái cử. Nhiều lao động (thậm chí mới sang làm việc) đã xin chuyển xưởng với lý do không chính đáng. Đây có thể là nguy cơ mất thị trường nếu tình trạng này không được cải thiện.
Lao động Việt Nam làm việc tại một xưởng sản xuất quần bò ở Hàn Quốc
Chỉ thấy cái lợi trước mắt
Theo luật pháp của Hàn Quốc, người lao động (NLĐ) có thể xin chuyển đổi nơi làm việc nếu chủ sử dụng lao động không thực hiện đúng quy định về tiền lương, không tăng lương đúng thời hạn hoặc bạo hành, đánh đập NLĐ… Chị Nguyễn Thị Mai Hương, cán bộ tư vấn làm việc tại Trung tâm Ổn định việc làm của TP Incheon, Hàn Quốc cho biết: “Đa phần NLĐ xin chuyển xưởng là do không hài lòng về tiền lương hoặc bị chủ sử dụng chửi mắng, đánh đập. Với những lý do chính đáng, chúng tôi sẽ tư vấn và hỗ trợ NLĐ, giúp họ chuyển sang một nơi khác làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, rất nhiều lao động của ta có tư tưởng “đứng núi này, trông núi nọ", cứ gặp bạn bè, thấy mọi người khen nơi này, nơi kia tốt là nhảy việc”.
Anh Phạm Anh Thắng, cán bộ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng, sở dĩ lao động chuyển nơi làm việc nhiều là do: Đối với lao động làm nông nghiệp, cứ nghĩ thời gian làm việc chỉ là 8 tiếng mà không biết rằng do đặc thù nghề nghiệp nên thời gian làm việc linh hoạt, có thể 12 - 14 tiếng, tùy từng thời điểm, dù làm thêm giờ cũng không được tính tiền. Mặc dù hợp đồng đã ghi rất rõ, nhưng khi học giáo dục định hướng NLĐ đã không chú ý đến điều đó. Không chỉ trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp, ngay trong ngành sản xuất chế tạo, lao động cũng chuyển xưởng mặc dù lương ngành này rất tốt.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến tháng 4/2010, có khoảng 12.618 lao động Việt Nam sống bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Trong đó, số lao động đi theo chương trình cấp phép lao động nước ngoài (EPS) hết hạn ở lại hoặc trốn ra ngoài là 8.460 người, lao động đi theo chương trình tu nghiệp sinh là 4.044 người và thuyền viên làm việc trên các tàu đánh cá là 114 người.
Theo ông Hwang Chang Bae, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ lao động nước ngoài TP Incheon, NLĐ mới chỉ biết đến cái lợi trước mắt. Theo quy định, nếu họ xin chuyển nơi làm việc khi làm việc chưa đủ 1 năm sẽ không nhận được tiền trợ cấp thôi việc (bằng 1 tháng lương). Như vậy, số tiền lương tăng thêm mà họ hy vọng khi chuyển sang chỗ khác làm việc chưa chắc đã bằng số tiền trợ cấp này. Bên cạnh đó, nhiều lao động không hiểu rằng, họ chỉ được phép chuyển sang các nơi làm việc có cùng ngành nghề, nghĩa là làm nông nghiệp thì chỉ được chuyển sang một nơi khác cũng làm nông nghiệp chứ không được chuyển sang ngành khác như sản xuất chế tạo hay xây dựng. Chính vì thế, nhiều lao động khi ở Việt Nam có tư tưởng là cứ đăng ký làm nông nghiệp hay ngư nghiệp vì đầu vào thấp, rồi khi sang Hàn Quốc sẽ xin chuyển, khi không chuyển được thì họ trốn ra ngoài xin việc và cư trú bất hợp pháp.
Từ trước đến nay, lao động Việt Nam luôn được chủ sử dụng Hàn Quốc ưa chuộng nhưng thời gian gần đây, uy tín của họ đã bị sụt giảm. Nếu thực trạng này không được cải thiện, rất có thể thời gian tới, Campuchia sẽ vượt Việt Nam về số lao động nông nghiệp.
Siết chặt công tác quản lý
Trước tình trạng NLĐ bỏ trốn, “nhảy việc” tăng cao, các giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường này đang được cơ quan chức năng nhanh chóng xúc tiến. Nhiều giải pháp cũng đã được gợi mở. Bên cạnh việc giám sát chặt chẽ các kỳ thi tiếng Hàn, kiểm soát các khoản thu bất hợp lý ở các địa phương cũng như các dạng cò mồi gây thiệt hại cho NLĐ thì công tác giáo dục, đào tạo được xem là mối quan tâm hàng đầu.
Lượng NLĐ Việt Nam được tiếp nhận sẽ sụt giảm trong quý II và quý III/2011 và thời gian tiếp theo, đó là điều chúng ta tiên lượng và cũng đã bắt đầu trở thành hiện thực. Thực trạng này có rất nhiều nguyên nhân, nhưng lớn nhất chính là hình ảnh lao động Việt Nam đã có “tì vết” trong mắt của giới chủ Hàn Quốc. Thành hay bại đều phụ thuộc vào những giải pháp của tất cả các bên liên quan. Giành thế chủ động trong bài toán này, giải quyết những vấn đề tồn tại cũng như những khó khăn, chính là cách chúng ta giữ lấy thị trường, giữ lấy ngôi vị quán quân đối với thị trường vẫn được xem là hấp dẫn bậc nhất này.
Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, tình trạng lao động đòi chuyển xưởng đã diễn ra lâu nay, tuy nhiên, thời gian gần đây đã trở nên nghiêm trọng hơn. Cũng theo ông Phan Văn Minh, trong năm 2011, hơn 13.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc sẽ kết thúc hợp đồng lao động. Đây là thời điểm rất quan trọng, làm sao để NLĐ kết thúc hợp đồng đúng hạn, hạn chế thấp nhất số lao động ở lại bất hợp pháp. Nếu chúng ta không sớm ngăn chặn tình trạng này thì đến lúc nào đó, chủ sử dụng Hàn Quốc sẽ bài xích lao động Việt Nam và khi đó có thể chúng ta sẽ mất thị trường.
Được biết, hồi trung tuần tháng 4 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cử một đoàn công tác sang Hàn Quốc để tìm hiểu thực tế và nghiên cứu, đề xuất những biện pháp khả thi nhằm khắc phục tình trạng trên.
Quốc Huy
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 10/12/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 1383/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (Mã chứng khoán RDP) số tiền 242,5 triệu đồng.
Trần Quý
19:12 11/12/2024(Thanh tra) - Ngày 11/12/2024, đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cho biết, sự kiện 5G Day sẽ diễn ra vào ngày 17/12/2024 tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, và hàng nghìn khách mời quan tâm.
TC
16:39 11/12/2024ĐT
14:46 11/12/2024T.Vân
12:50 11/12/2024Uyên Uyên
12:45 11/12/2024Nam Dũng
12:43 11/12/2024Trần Quý
Văn Thanh
Trung Hà
Hương Giang
Hương Trà
Trần Kiên
Cảnh Nhật
Trần Quý
Văn Thanh
N. Phó - L. Bằng
Hương Giang