Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Làng gỗ quý Đồng Kỵ

Thứ ba, 24/01/2012 - 14:07

(Thanh)- Cùng với vẻ đẹp truyền thống nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc về chùa cổ, lễ hội truyền thống đặc sắc vẫn được gìn giữ cho đến tận ngày nay, cuộc sống người dân Làng gỗ Đồng Kỵ (nay là phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) những năm gần đây đang giàu lên nhanh chóng nhờ biết duy trì, phát triển nghề đồ gỗ truyền thống. Từ những khúc gỗ xù xì, qua bàn tay các nghệ nhân nơi đây bỗng trở thành những sản phẩm có giá trị hàng tỷ đồng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Về Đồng Kỵ vào buổi sáng sớm, chúng tôi thực sự bất ngờ trước nhịp sống ồn ã, nhộn nhịp khác hẳn với vẻ yên tĩnh của làng quê. Dọc theo con đường chính vào làng là hàng trăm ngôi nhà với thiết kế độc đáo, khang trang mang trên mình những biển hiệu gắn với sản phẩm đồ gỗ nổi tiếng nơi đây. Những đoàn xe tải rầm rập chất đầy gỗ hay những sản phẩm gỗ cao cấp của làng ngược xuôi đi khắp nơi. Người lớn, trẻ nhỏ ra vào tấp nập cùng tiếng trạm khắc, tiếng cưa xẻ vang lên thể hiện sức sống mãnh liệt của một làng nghề nhất, nhì đất Kinh Bắc.

Người dân nơi đây vẫn làm nông nghiệp, nhưng chỉ làm thời vụ. Cuộc sống chủ yếu của họ dựa vào nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ. Trong làng, 96% người dân trực tiếp tham gia vào làm nghề. Ấy vậy mà vẫn không đủ lao động, các cơ sở kinh doanh nơi đây phải thuê thêm hàng trăm lao động ở địa phương khác để phục vụ cho sản xuất, đáp ứng đa dạng, phong phú nhu cầu của thị trường.

Tại nhiều cơ sở kinh doanh, hàng trăm sản phẩm như tủ, bàn, ghế, sập, giường, đôn hoa, tượng thần tài, hộp trang sức, tranh, ảnh gỗ... đều được trạm khắc tinh xảo, đẹp mắt được bày bán. Giá cả thì rất đa dạng, phụ thuộc vào loại gỗ, kích cỡ… Người dân nơi đây cho biết, một bộ bàn ghế được làm từ gỗ hương, gỗ sưa có giá hàng tỷ đồng. Các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp của làng được tiêu thụ tại hầu hết các tỉnh, TP trên cả nước, ngoài ra còn xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu…

Để có được những thành phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, tinh xảo và sống động, nghệ nhân nơi đây cũng phải lắm công phu. Từ khâu chọn gỗ đến công đoạn pha gỗ, vào mộng, lên các mục thành khung, mang đi đục, tái chế lại một lần, sau đó mới cho đánh giấy ráp mộc rồi cho phun sơn lần 1. Sau khi đánh hết lớp sơn lần 1, nghệ nhân tiếp tục phun sơn lót lần 2, rồi lại đánh lớp sơn lần 2 đi mới phun màu, phun bóng lên thành phẩm. Cuối cùng là khâu kiểm tra kỹ thuật rồi mới cho xuất xưởng. Mỗi công đoạn ở đây đều đòi hỏi người nghệ nhân sự tỷ mỷ, khéo léo, cẩn thận, tay nghề cao. Nhờ làm nghề nên đời sống vật chất của người dân nơi đây không ngừng được nâng lên: 95% hộ dân đã có nhà cao tầng kiên cố, 100% hộ có xe máy và 10% hộ gia đình có ôtô riêng.

Chị Lê Thị Bắc, nhân viên kế toán của Công ty Hưng Long cho biết, giáp Tết là dịp bán hàng chạy hơn và khách tham quan đặt hàng cũng nhiều hơn. Công ty bán hàng cho khách nội địa khoảng 70%, 20% xuất khẩu sang Trung Quốc, còn 10% bán cho khách du lịch, chủ yếu là bàn ghế, giường, tủ, đồ thờ từ gỗ trắc, gỗ hương, gỗ mun… Hiện nay, xưởng của công ty thường xuyên có hơn 100 lao động, ngoài lao động địa phương cũng có nhiều lao động từ nơi khác. Mỗi năm, sau khi đã trừ hết mọi chi phí, công ty lãi thực khoảng 10 tỷ đồng.

Ông Dương Văn Canh, Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ phấn khởi: Nhờ vào việc tập trung phát triển làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống mà hơn 6.000 lao động tại địa phương có việc làm. Đời sống người dân nơi đây khấm khá. Năm 2010, thu nhập bình quân trên đầu người tại địa phương là 38 triệu đồng/năm. Năm 2011, Đồng Kỵ phấn đấu thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng/năm với xấp xỉ 15 nghìn dân.

Ở Việt Nam có nhiều làng nghề, song phải khẳng định, Đồng Kỵ là một làng sống được với nghề truyền thống.


Hoàng Long

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm