Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lãi khủng ở ngân hàng: Có tiếng nhưng "miếng" ít

Thứ ba, 02/08/2011 - 14:22

Con số lợi nhuận lên đến hàng nghìn tỷ đồng tính đến cuối tháng Sáu vừa được các ngân hàng công bố đã khiến không ít người giật mình, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp liên tiếp kêu than khó tiếp cận vốn vì lãi cao.

Giao dịch tại Techcombank. (Nguồn: Internet).

Tuy nhiên, một số chuyên gia và các ngân hàng lại cho rằng, mặc dù lãi hàng nghìn tỷ đồng nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các ngân hàng so với các doanh nghiệp lại thấp.

Trong số hàng chục các ngân hàng thương mại vừa công bố kết quả kinh doanh đến hết quý II vừa qua, số các ngân hàng có lợi nhuận từ trên 1.000 tỷ đồng trở lên không phải là nhỏ. Đến thời điểm này có ít nhất 6 ngân hàng thương mại lớn bao gồm Vietcombank, Vietinbank, Techcombank, ACB, Eximbank, Sacombank đạt con số lợi nhuận trước thuế từ 1.500 tỷ đồng đến cao nhất hơn 3.600 tỷ đồng.

Vietinbank gây ấn tượng mạnh với việc đạt lợi nhuận trước thuế tới 2.590 tỷ đồng chỉ trong quý II/2011, nâng lợi nhuận lũy kế 6 tháng lên con số 3.619,4 tỷ đồng (71% kế hoạch năm).

Trong khi đó, dù phải chi dự phòng rủi ro 587 tỷ đồng, Vietcombank vẫn đưa con số lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng lên 3.030 tỷ đồng (tăng 8,2% so với cùng kỳ).

Còn tại Eximbank, tổng lợi nhuận trước thuế trong quý 2/2011 là 840 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 1.690 tỷ đồng, tăng tới 85% so với cùng kỳ năm 2010. Năm 2011, Eximbank đặt chỉ tiêu 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với ngân hàng Techcombank, dù chỉ đạt 40% kế hoạch năm, tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này vẫn đạt 1.500 tỷ đồng.

Đã có nhiều ý kiến trái ngược xung quanh những con số lợi nhuận nghìn tỷ đồng này trong mấy ngày qua. Một số doanh nghiệp kêu lỗ nhiều do lãi suất vay cao, còn một số chuyên gia lại cho rằng, ngân hàng nên chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Tuy nhiên, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia lại cho rằng, nhìn con số lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng của các ngân hàng tưởng là rất ghê gớm. Nhưng bản chất lợi nhuận của ngân hàng thương mại đã giảm sút so với năm ngoái.

Theo ông Nghĩa, nếu chia cho vốn tự có thì lợi nhuận của các ngân hàng thương mại chỉ khoảng 10,5%, con số này thấp hơn năm ngoái (khoảng 11%). Còn chia theo tổng tài sản thì lãi của các ngân hàng chỉ khoảng 1%.

Cũng theo tính toán của Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, so sánh lợi nhuận của khối ngân hàng với lợi nhuận bình quân của hơn 500 công ty niêm yết không có chênh lệch nhiều, thậm chí tỷ lệ của các ngân hàng còn thấp hơn.

Lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp niêm yết khoảng 11%, còn của các ngân hàng chỉ 10,5%.

Trả lời câu hỏi, liệu ngân hàng có nên chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không? Ông Nghĩa cho rằng thị trường sẽ tự chia sẻ lợi nhuận giữa ngân hàng, doanh nghiệp chứ không thể có biện pháp hành chính nào có thể can thiệp.

Mối liên hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng là lãi suất. Nếu thực sự ngân hàng thương mại đi vay 14% và cho vay 20%-22% thì lãi rất khủng. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy, ngân hàng huy động bình quân khoảng 17%/năm và cho vay 20%/năm. Tỷ lệ chênh lệch giữa vay và cho vay chỉ khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với các nước khác như ở Mỹ là khoảng 5%, ở Malaysia là 4,5%.

“Vì vậy theo tôi mức chênh lệch hiện nay của lãi suất thấp hơn so với quốc tế nhưng hơi cao với bối cảnh kinh tế hiện nay tại Việt Nam,” ông Nghĩa khẳng định.

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc VietinBank cũng chia sẻ, mặc dù lợi nhuận 6 tháng đầu năm của VietinBank đạt 3.600 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu của VietinBank là trên 20.000 tỷ đồng, còn tổng tài sản của ngân hàng lên tới 400.000 tỷ đồng, như vậy tính tỷ suất lợi nhuận trên vốn chỉ đạt 10%.

Ông Thọ cho rằng, hoạt động ngân hàng là cung cấp vốn và dịch vụ cho các doanh nghiệp, chính vì vậy trên nguyên tắc phải bảo đảm, an toàn hiệu quả. Bên cạnh đó phải bảo đảm được lợi nhuận cần thiết cho ngân hàng, cho các cổ đông của ngân hàng, trong đó có cổ đông Nhà nước.

"Trong điều kiện như hiện nay kể cả khi thị trường bình ổn hay trong điều kiện khó khăn, lợi nhuận mà cổ tức thu được từ hoạt động góp vốn vào ngân hàng phải cạnh tranh hơn so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài. Làm thế nào để bảo đảm cổ tức cho các cổ đông, hơn lúc nào hết ngân hàng cần phải kinh doanh an toàn và hiệu quả," ông Thọ nhấn mạnh.

Trong thời gian vừa qua, VietinBank đã dành nhiều chương trình ưu đãi để trợ lực cho nền kinh tế như chương trình cho vay hỗ trợ xuất khẩu, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, cho vay nông nghiệp nông thôn… với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn nhiều các ngân hàng khác.

(Theo Vietnam+)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm