Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kịch bản “Tôm” 2013

Chủ nhật, 27/01/2013 - 20:24

(Thanh tra) - Năm 2012, ngành nuôi tôm nước ta đạt kim ngạch xuất khẩu 2,25 tỷ USD, tiếp tục là mặt hàng dẫn đầu về giá trị và có đóng góp lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6,18 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2013 vẫn là năm ngành Tôm phải đối mặt với không ít khó khăn.

Kịch bản khả quan nhất, năm 2013 tôm xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD

Dù có đóng góp lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, nhưng năm 2012, giá trị xuất khẩu tôm giảm hơn 6,3% so cùng kỳ. 

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo năm 2013 ngành Tôm Việt Nam có thể theo xu hướng của 1 trong 3 kịch bản.

Nguyên nhân sụt giảm giá trị xuất khẩu, theo VASEP, do năm qua xuất khẩu tôm Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn cả trong nước và trên thị trường tiêu thụ. Trong đó, có 4 nguyên nhân chính: Dịch bệnh làm tôm chết sớm xảy ra ở nhiều vùng nuôi tôm khiến nguồn và giá tôm nguyên liệu bất ổn; Chi phí đầu vào sản xuất tôm tăng 15 - 20%, trong khi tỷ lệ thành công trong sản xuất tôm của Việt Nam chỉ đạt 30 - 40% (còn Thái Lan đạt tới 70%); Rào cản Ethoxyquin từ thị trường nhập khẩu lớn nhất là Nhật Bản khiến đầu ra giảm mạnh; Nhu cầu của các thị trường nhập khẩu giảm mạnh. 
 
VASEP đã chỉ ra 4 thách thức chính cho ngành tôm năm 2013.
 
Một là, dịch bệnh và hội chứng tôm chết sớm (EMS) đối với tôm nuôi công nghiệp (kể cả tôm sú và tôm chân trắng) sẽ làm giảm mạnh sản lượng tôm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Trong khi sản lượng tôm nuôi công nghiệp chiếm tới 60% sản lượng tôm nguyên liệu của cả nước, thì đến nay chưa có thuốc chữa EMS. 
 
Hai là, cạnh tranh thu mua tôm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL (khu vực chiếm 75% sản lượng tôm nuôi của cả nước) với lực lượng thu gom tôm cho xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Trong cuộc cạnh tranh này, nhóm thu mua cho Trung Quốc có lợi thế hơn so với doanh nghiệp tôm Việt Nam về mặt kiểm tra, kiểm soát chất lượng. 
 
Ba là, thị trường tiêu thụ tiếp tục khó khăn do sự khó khăn của nền kinh tế nhiều nước nhập khẩu tôm của Việt Nam (EU, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản...), có thể giảm lượng nhập khẩu tôm.
 
Bốn là, rào cản Ethoxyquin từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là hai thị trường chủ lực và ổn định nhập khẩu tôm của Việt Nam những năm qua.
 

“Trong tốp 10 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam (chiếm 95,2% tỷ trọng giá trị xuất khẩu tôm cả nước), có tới 5 thị trường giảm mạnh nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 15,6%; EU giảm 24,8%; Canada giảm 14,1%; ASEAN giảm 22,2%; Thụy Sỹ giảm 10,5%...”

Bên cạnh 4 thách thức này, theo VASEP, ngành Tôm sẽ tiếp tục phải đối mặt với thiếu vốn, chi phí sản xuất gia tăng và thuế nhập khẩu tôm vẫn ở mức cao từ 10 - 15%.

Tuy nhiên, VASEP cũng dự báo, sản xuất và xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2013 có thể diễn ra theo 1 trong 3 kịch bản, gồm: Khả quan, Duy trì và Kém khả quan.

Trong đó, kịch bản được cho là khả quan sẽ diễn ra khi 4 thách thức trên được giải quyết, hoặc giảm thiểu mức độ ảnh hưởng. Khi đó, dự báo nguồn tôm nguyên liệu sẽ tăng so với năm 2012, sản lượng tôm xuất khẩu sẽ đạt khoảng 240.000 tấn, giá trị xuất khẩu sẽ giữ mức 2,4 tỷ USD và tăng khoảng 6,5% so với năm 2012.

Đối với kịch bản duy trì, VASEP giả định có giải  pháp cho dịch bệnh EMS, và vấn đề Ethoxyquin cũng được tháo gỡ. Khi đó, dự báo sản xuất và xuất khẩu tôm vẫn sẽ khó khăn vì những thách thức khác. 

Như vậy, nguồn cung nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu không đủ, nhập khẩu tôm có thể phải tăng lên trên 200 triệu USD/năm. Hơn nữa, có thể giá tôm xuất khẩu tăng, khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam càng bị ảnh hưởng, đối tác nhập khẩu sẽ hạn chế. Khi đó, dự báo sản lượng xuất khẩu ở kịch bản này có thể đạt 220.000 tấn, trị giá khoảng 2,2 tỷ USD, tương đương giá trị năm 2012.

Trong trường hợp xảy ra kịch bản kém khả quan, trong bối cảnh 2 thách thức dịch bệnh, hội chứng EMS và rào cản Ethoxyquin từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc không có giải pháp, cùng khó khăn về chi phí gia tăng, thuế nhập khẩu nguyên liệu tăng… Khi đó, năm 2013 ngành Tôm sẽ có nhiều thay đổi lớn. 

Cụ thể, dự báo nguồn cung có thể giảm tới 30 - 40%, tôm sú nuôi quảng canh có cơ hội phát triển, nhưng sản lượng nuôi sẽ thấp, sản lượng tôm chân trắng sụt giảm nghiêm trọng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu tôm về để gia công chế biến xuất khẩu, giá trung bình tôm xuất khẩu sẽ tăng do cầu lớn hơn cung. 

Trong kịch bản này, dự báo sản lượng tôm xuất khẩu có thể đạt dưới 200.000 tấn, trị giá khoảng 1,9 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2012.

Bộ Thương mại Mỹ thụ lý đơn kiện mặt hàng tôm Việt Nam


Ngày 18/1, Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức thụ lý đơn của một số doanh nghiệp Mỹ kiện tôm nhập khẩu từ Việt Nam và sáu nước khác với cáo buộc bán phá giá. Theo đó, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ (USITC) cũng đã tiến hành phiên thảo luận công khai với sự tham dự của các doanh nghiệp Mỹ và đại diện của bảy nước có mặt hàng tôm bị kiện.
 
Các doanh nghiệp Mỹ như Carson&Co. Inc, Tidelands Seafood Co. Inc và Gulf Fish Inc đứng ra khởi kiện với lập luận rằng, mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh được Chính phủ trợ cấp nhập khẩu vào Mỹ từ bảy nước là Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia và Êcuađo đã “gây thiệt hại nghiêm trọng” tới ngành Tôm của Mỹ. 
 
Theo các công ty này, do không cạnh tranh được về giá, chỉ trong giai đoạn ngắn từ tháng 9/2011 đến 9/2012, sản lượng tôm ở Mỹ giảm 0,1%, năng lực sản xuất giảm 3,8%, đánh bắt tôm giảm 9,5%, số lượng công nhân giảm 2,2%, tổng lợi nhuận giảm 8,6%, và thu nhập sản xuất giảm 247,8%.
 
Đại diện 7 nước cho rằng, cáo buộc nhận trợ cấp của chính phủ để giảm giá xuất khẩu tôm vào Mỹ là thiếu căn cứ. Ngành Tôm của bảy nước, trong đó có Việt Nam, đơn thuần có lợi thế từ điều kiện tự nhiên, có quy trình nuôi trồng và chế biến được chuẩn hóa, và đặc biệt là nguồn lực nhân công giá rẻ. Việc kiện chống bán phá giá này trên thực tế chỉ là nhằm tìm kiếm sự bảo hộ cho ngành Tôm của Mỹ, và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tiêu dùng Mỹ.
 
Trước đó, ngày 15/01, đại diện cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại Washington đã có buổi tiếp xúc với Bộ Thương mại Mỹ, để phản đối cáo buộc tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ được trợ giá.
 
Bộ Thương mại Mỹ sẽ căn cứ trên kết luận sơ bộ của Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ về vụ kiện dự kiến được đưa ra trước ngày 11/02, để tiếp tục điều tra và một quyết định sơ bộ có thể được đưa ra trong tháng 3 tới và dự kiến sẽ công bố kết luận cuối cùng trong tháng 7.

Dung Sơn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm