Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 03/05/2011 - 10:13
(Thanh tra)- Tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay được Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 11/NQ-CP và nhiều văn bản liên quan. Để thực hiện thành công Nghị quyết, không thể không quan tâm tới nhiệm vụ chống đôla hóa, tăng niềm tin với đồng Việt Nam, cắt giảm đầu tư công, kiểm soát giá cả… Và, đó cũng chính là những vấn đề mà PV Thanh tra Cuối tháng đã đặt lên bàn nguyên Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước - TS Cao Sĩ Kiêm, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
Phải quản chặt tình trạng lưu thông quá nhiều đôla trên thị trường mới có thể góp phần giảm lạm phát và chống đôla hóa
Chúng ta đang đi đúng hướng
+ Thưa TS Cao Sĩ Kiêm, Nghị quyết 11 được đánh giá là không hề có sự mâu thuẫn trong việc tô đậm tính chất thắt chặt của chính sách tài chính - tiền tệ với yêu cầu tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy tái cơ cấu của năm 2011. Nói cách khác, chính nhờ tiết giảm các khoản chi ngân sách Nhà nước (NSNN) không cần thiết và kém hiệu quả trong khu vực kinh tế Nhà nước cũng như hạn chế cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoán nhiều rủi ro, phi sản xuất, cùng với nâng tỷ giá USD sẽ giúp tiết kiệm các nguồn lực xã hội, cả NSNN và tín dụng NH, tạo cơ hội thuận lợi hơn cho mở rộng và tiếp cận các nguồn vốn và động lực phát triển của các DN, đặc biệt trong sản xuất, xuất khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ và sản xuất nông nghiệp... thuộc danh mục ưu tiên hỗ trợ phát triển mà Chính phủ đã đưa ra. Nhưng, dư luận vẫn còn không ít lo lắng. Chúng ta sẽ phải trấn an thế nào?
- Nghị quyết 11 thực chất là Nghị quyết về chống lạm phát. Mà đã chống lạm phát thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng và chất lượng cuộc sống cũng như thực tế cuộc sống - các chuyên gia đều nhận định như vậy.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định, về mặt lý thuyết là, chúng ta đang đi đúng hướng. Nói đến chống lạm phát là phải thắt chặt chính sách tiền tệ, phải thắt chặt tài khóa. Muốn vậy thì phải giảm đầu tư công, giảm đầu tư qua tín dụng và giảm tối đa tăng trưởng phương tiện thanh toán. Đương nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, đến sức mua… và tất yếu là ảnh hưởng đến tăng trưởng ngay lập tức. Nhưng, tác dụng tích cực của nó là rút lượng rất lớn tiền lưu thông, giảm tổng cầu của nền kinh tế, nhờ đó giảm được áp lực lạm phát. Chỉ khi đã giảm được áp lực của lạm phát mới có thể giảm lãi suất xuống, nhờ đó, nhiều đơn vị, đoanh nghiệp tiếp cận được vốn. Chính điều này đã tác động trở lại, giúp tạo thêm việc làm, thu nhập và thúc đẩy sức mua, giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Khi đã tăng trưởng sẽ tạo ra nhiều hàng, góp phần kéo giảm giá xuống. Đây là bài toán chắc chắn mình phải giải quyết.
Thắt cái này, phải mở cái kia
+ Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ yêu cầu NH Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất lộ trình giảm tình trạng đôla hóa nền kinh tế, chuyển dần quan hệ huy động - cho vay trong nước bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, để làm được điều này, ngoài việc phạt thật nặng hành vi vi phạm thay vì chỉ hô hào suông, quan trọng nhất là cần phải tạo dựng cho được niềm tin đối với đồng nội tệ. Theo quan điểm của ông thì thế nào?
- Lạm phát thể hiện sức khỏe của nền kinh tế. Lạm phát cũng cho thấy giá trị của đồng tiền giảm xuống. Một khi sức khỏe của nền kinh tế không có, đồng tiền lại mất giá thì tất nhiên lòng tin sẽ giảm. Đương nhiên, nếu chưa tin vào đồng Việt Nam thì người ta phải tìm chỗ khác có lợi hơn để trú ngụ như vàng, đôla, bất động sản, chứng khoán. Trong đó, chứng khoán thì phập phồng và với nền kinh tế thế giới như hiện nay thì cũng chẳng thể lên cao. Bất động sản với sức mua hiện nay thì cũng đóng băng. Chỉ còn vàng và đôla là có độ tín nhiệm cao hơn. Nhưng, vàng thì có độ rủi ro cao hơn còn đôla ít biến động hơn, nếu có mất giá cũng không mất nhiều. Vì thế, vẫn có một bộ phận, kể cả cá nhân lẫn DN tìm đến đôla. Mà, đã tìm đến đôla thì dẫn đến khả năng đôla hóa nhanh.
Chúng ta cần phải bảo đảm nhu cầu đôla cho người dân đi khám chữa bệnh, đi du lịch, đi học tập… Nhưng, nếu găm giữ, lợi dụng để kiếm lời, rối nền kinh tế, chính sách tiền tệ có nhiều méo mó thì phải quản lý chặt, phải bị xử lý.
Cần tăng dự trữ ngoại tệ, hạn chế vay - trả bằng ngoại tệ nếu như anh có nguồn đôla tái tạo và mình mua đứt, bán đoạn… Cũng phải kiểm soát chặt việc nhập siêu, hạn chế tung ra để tránh tình trạng trôi nổi nhiều đôla trên thị trường…
Với một đồng tiền Việt mất giá thì phải quản chặt tình trạng lưu thông quá nhiều đôla trên thị trường mới có thể góp phần giảm lạm phát và chống đôla hóa.
+ Từ trước đến nay, pháp luật quản lý ngoại hối của nước ta luôn nghiêm cấm việc mua - bán ngoại tệ trên thị trường tự do, việc thanh toán bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam, việc niêm yết giá cả hàng hóa và dịch vụ bằng ngoại tệ… Nhưng, ở những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có hẳn những đường phố, tụ điểm mà ai cũng biết, ngang nhiên mua - bán, thanh toán ngoại tệ trái qui định của pháp luật. Thậm chí, cũng đã hình thành ra một giới chuyên kinh doanh, mua - bán, vận chuyển ngoại tệ trái phép. Chính các lực lượng này đã tổ chức làm giá, tung tin thất thiệt, tạo ra những cơn sốt giả làm náo loạn thị trường tự do để kiếm lời, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh thị trường ngoại tệ tự do, hoạt động thanh toán và niêm yết giá cả hàng hóa và dịch vụ bằng ngoại tệ trái pháp luật cũng diễn ra ngày càng phổ biến. Nguyên là Thống đốc NH Nhà nước, theo ông, việc tồn tại tình trạng 2 tỷ giá có ảnh hưởng gì đến hiệu quả của các biện pháp mà Chính phủ đã và đang tiến hành nhằm giảm tình trạng đôla hóa không?
- Việc tồn tại 2 tỷ giá tác động nhiều đến sản xuất, kinh doanh và đời sống. Khi có 2 tỷ giá thì việc hạch toán rất khó khăn. Nó làm cho các DN không chủ động được, sự minh bạch bị lợi dụng và ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc có 2 tỷ giá sẽ không còn khi ở Việt Nam chỉ dùng nội tệ. Còn đã có 2 đồng tiền song song, trong điều kiện hiện nay, ngoại tệ mạnh hơn. Đồng nội tệ phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế, vào lạm phát nên thay đổi rất nhanh. Còn ngoại tệ, nhất là đôla - đồng tiền của một nền kinh tế mạnh có nhiều yếu tố để ổn định hoặc mất giá ít hơn, nhất định sẽ chiếm lĩnh.
Muốn tăng giá trị đồng tiền Việt thì phải chống lạm phát thành công, phải nâng cao trình độ quản lý, phát triển sản xuất, giảm bội chi, giảm nhập siêu…
+ Điện tăng giá từ đầu tháng 3. Xăng dầu cũng đã 2 lần tăng giá chỉ trong 1 thời gian ngắn. Đầu vào đã tăng, việc tăng giá đầu ra là không tránh khỏi. Và, với tình trạng lạm phát như hiện nay, xem ra việc củng cố niềm tin với tiền đồng không hề dễ dàng?
- Thật ra, chúng ta vẫn nói nhiều hơn làm, thậm chí nói chứ không làm nên dẫn đến tình trạng khó kiểm soát hay trật tự không được bảo đảm. Cũng có khi, thấy vấn đề, chặn lại, xử lý ngay. Nhưng, chặn cái này, mình lại không mở cái kia ra, chống không gắn liền với xây.
Về nguyên tắc, như quản lý chặt lưu thông ngoại tệ hiện nay, chỉ chống những người làm trái pháp luật, làm không giấy phép. Trước đây, nhiều khi người ta làm thay chức năng của Nhà nước, nay mình cấm thì phải mở ra bằng cách bảo đảm các NH thương mại đáp ứng đủ nhu cầu của dân và DN. Vừa qua đã xảy ra tình trạng mình chưa mở kịp hoặc mình chưa giải thích rõ ràng, thị trường chững lại. Bên ngoài không bán, các NH hoặc tổ chức được cấp phép thì hoặc không có hoặc có không đủ đáp ứng, giá cả cũng chưa hợp lý… đã dẫn đến việc đối phó, gây ách tắc hoạt động ngoại tệ.
Tôi nhấn mạnh, làm cái gì chúng ta cũng cần phải có lộ trình. Mình chống cái này thì phải xây cái kia. Mình thắt cái này vào thì phải mở cái kia ra. Mình cấm không cho bán đôla và vàng miếng trên thị trường tự do thì phải cho người dân và DN biết nơi nào của Nhà nước, NH hay tổ chức nào có thể đáp ứng nhu cầu của họ, bảo đảm bình thường cho họ.
Tóm lại, khi vấn đề xảy ra, phải làm rất kịp thời, đồng bộ, giải thích, có hướng dẫn cụ thể mới có thể kiểm soát được. Nếu không, chúng ta chỉ có thể giải quyết được theo kiểu nhất thời, sẽ rơi vào tình trạng luẩn quẩn.
Kết quả cắt giảm còn quá khiêm tốn
+ Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến hết quý I, cả nước đã cắt giảm đầu tư từ ngân sách 3.400 tỷ đồng. Có điều, thực tế đã cho thấy, giống như giai đoạn năm 2008, khi báo cáo đầu năm chúng ta nói tiết kiệm được không ít tiền, nhưng đến cuối năm, thậm chí bội chi còn cao hơn. Liệu có thể nói rằng, vẫn tồn tại chuyện báo cáo một đằng, làm một nẻo?
- Con số báo cáo cắt giảm 3.400 tỷ đồng quá khiêm tốn so với yêu cầu. Theo Nghị quyết 11, tạm dừng trang bị mới xe ô-tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu... Không bố trí kinh phí cho các việc chưa thật sự cấp bách. Không bổ sung ngân sách ngoài dự toán, trừ các trường hợp thực hiện theo chính sách, chế độ; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Ngoài ra, không ứng trước vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ năm 2012 cho các dự án, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách. Không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2011, thu hồi về ngân sách T.Ư các khoản này để bổ sung vốn cho các công trình, dự án hoàn thành trong năm 2011.
Kinh nghiệm, số liệu cắt giảm và thực hiện của năm 2008 cũng chưa thật chính xác. Bởi vì nhiều đơn vị, địa phương báo cáo là cắt nhưng thực chất chỉ là cắt những cái dự kiến chứ chưa triển khai, mới chỉ là phương án. Chưa kể, Nhà nước còn cho tạm ứng ngân sách của năm sau…
Cái khác của những năm trước là năm 2008 lạm phát cao, Nhà nước phải hút tiền về thật nhanh. Sang năm 2009 lại giảm phát, Nhà nước lại phải bơm tiền ra kích cầu, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Từ thắt chặt tín dụng, chúng ta đã phải nới lỏng. Vậy là, nhiều công trình, từ chỗ chưa kịp cắt giảm đã lại được mở rộng hơn ra… nên kết quả và hiệu quả của năm 2008 chưa rõ.
Trở lại với kết quả cắt giảm năm nay, nhiều ý kiến đều cho rằng, thời gian tới cần phải tiếp tục cắt giảm.
Khó thể giảm lãi suất
+ Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý gia hạn nộp thuế thu nhập DN, tháo gỡ khó khăn cho DN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011. Nhưng, nhiều DN cho rằng, điều này vẫn chưa đủ, cần có những sự hỗ trợ mạnh tay hơn nữa, chẳng hạn như hỗ trợ lãi suất, giống như thời điểm năm 2008. Là Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, ý kiến của ông thế nào?
- Mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta hiện nay là chống lạm phát, tức là phải hút tiền về. Khi mà đã quan tâm giảm tổng cầu thì không thể có chuyện giảm lãi suất. (Tất nhiên là việc tăng cường các dịch vụ NH cũng như quản chặt, giảm chi phí trong hoạt động nghiệp vụ của các NH cũng góp phần giảm). Chính vì thế, giãn thuế thu nhập DN để DN bớt khó khăn. Một khi lượng tiền lưu thông ngoài thị trường nhiều thì mục tiêu chống lạm phát lại khó có thể bảo đảm.
Tất cả phải cộng đồng chia sẻ để vượt qua khó khăn vì nếu không chống được lạm phát thì những thành quả phát triển trước sẽ bị giảm sút. Điều này không thể khác được.
+ Theo lộ trình, từ ngày 1/5/2011, mức lương tối thiểu chung sẽ là 830.000 đồng/tháng, tăng 100.000 đồng/tháng so với mức lương 730.000 hiện đang áp dụng. Một mặt bằng mới sẽ hình thành đúng không thưa ông?
- Lương tăng, tiền ra nhiều hơn sẽ trực tiếp đẩy giá tăng lên. Về gián tiếp, nếu không quản lý chặt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sẽ dẫn tới tình trạng té nước theo mưa vì nhiều loại vốn không trong rổ giá cả như cắt tóc, giặt, là… nhưng thấy lương của cán bộ, công chức, viên chức tăng lên cũng tự cho mình cái quyền tăng giá lên. Theo đó, mặt bằng giá mới sẽ hình thành.
+ Xin trân trọng cám ơn ông!
Thành Nam Định (Thực hiện)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán Công ty cổ phần Công trình Giao thông Đồng Nai bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 242,5 triệu đồng.
Trần Quý
20:27 13/12/2024(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.
Trần Kiên
20:25 13/12/2024T.Thanh
19:25 13/12/2024Chính Bình
16:53 13/12/2024Thanh Giang
16:10 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình