Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khi nhà đầu tư ngoại mất tiền

Thứ hai, 28/03/2011 - 08:39

(Thanh tra) - Thay vì mua ròng như thường thấy, liên tiếp nhiều phiên gần đây, khối nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài bỗng chuyển sang bán ròng. Nếu căn cứ vào diễn biến một số bluechips thường xuyên được khối này mua bán, có thể nói họ đang thua lỗ và điều này vô hình chung đã ảnh hưởng đến giao dịch của khá nhiều NĐT nội.

Lỗ ít

Hồi tháng 10/2010, chỉ số VN Index dao động quanh khu vực 450-460 điểm và giảm xuống đáy 420 điểm vào ngày 19/11/2010. Giai đoạn này, NĐT nước ngoài đã mua khoảng 6.400 tỷ đồng và bán ra gần 3.900 tỷ đồng tại HOSE, đạt giá trị mua ròng 125 triệu USD. Trong đó, họ đã mua ròng 2,5 triệu BVH (Tập Đoàn Bảo Việt) với số tiền tương đương 160 tỷ đồng, tức khoảng 8 triệu USD, đồng thời “đẩy” giá cổ phiếu (CP) BVH tăng từ 54.000 đồng lên 64.000 đồng và mã này bắt đầu được mọi người chú ý.

Từ 22/11/2010 đến 11/01/2011, chỉ số VN Index tăng từ 420 điểm lên 480 điểm, NĐT ngoại mua vào gần 9.500 tỷ đồng và bán ra 6.000 tỷ đồng, đạt giá trị mua ròng gần 3.500 tỷ đồng. BVH lúc này tăng tiếp từ 64.000 đồng lên 76.000 đồng với khối lượng mua ròng của khối ngoại đạt hơn 1,5 triệu CP, tương đương 100 tỷ đồng. Trong quá trình tăng này, khi BVH tăng từ 65.000 đồng lên 73.000 đồng (giai đoạn đầu tháng 12/2010), đã có một số NĐT tranh thủ lướt sóng và đã thu được lợi nhuận, nhưng khi cổ phiếu này giảm xuống 65.000 đồng, sau đó tăng lên, rồi lại giảm xuống 65.000 đồng trở lại, ai cũng nghĩ đây đã là “đỉnh” của BVH nên không còn dám “mua đu” nữa. Tuy nhiên, từ ngày 12/01 đến ngày 28/01, chỉ số VN Index tiếp tục có đợt “sóng” tăng từ 480 điểm lên 510 điểm, BVH khi đó cũng tăng từ 76.000 đồng lên 103.000 đồng, rồi sau đó điều chỉnh giảm xuống còn 89.000 đồng trong sự ngỡ ngàng của cả thị trường. Ở giai đoạn này, khối ngoại tiếp tục mua ròng 0,8 triệu cổ phiếu BVH, tương đương số tiền 74 tỷ đồng.

Nếu tính từ tháng 10/2010 đến nay, NĐT ngoại đã mua ròng 4,54 triệu BVH với tổng số tiền bỏ ra khoảng 317,5 tỷ đồng. Ước tính, giá trung bình mà họ mua vào BVH là khoảng 69.934 đồng/CP, so với giá 75.000 đồng hồi đầu tháng, hoặc 76.000 đồng hôm 21/3 vừa qua, họ vẫn lời khoảng 6,6%, hoặc hơn chút ít, nhưng với việc tỷ giá VND/USD tăng 9,3%, xem như họ đã lỗ. Tuy nhiên, nếu họ xả bán BVH trong thời gian tới, giá BVH khó tạo đáy ở mức 69.934 đồng như đã nêu.

Lỗ nhiều

Đối với FPT, tháng 11/2010 NĐT ngoại mua ròng gần 2 triệu CP với giá bình quân khoảng 73.000 đồng/CP. Đây cũng là tháng mà thị giá FPT giảm khoảng 10%, rơi từ 75.000 đồng xuống còn 68.000 đồng. Tháng kế tiếp, mã này tiếp tục giảm và chỉ dừng lại ở mức 61.000 đồng vào ngày 12/01/2011. Giai đoạn này, khối NĐT ngoại bán ròng 1,2 triệu FPT với giá bán bình quân 65.000 đồng/CP.

Giả sử NĐT ngoại bán ra 1,2 triệu FPT trong tháng 12/2010 cũng chính là những NĐT đã mua vào cổ phiếu này trong tháng trước đó thì số lỗ là gần 10 tỷ đồng; còn NĐT nào đã mua từ 75.000 đồng và giữ đến gần 60.000 đồng mới cắt lỗ thì thiệt hại khoảng 20% sau gần hai tháng. Một tỷ lệ lỗ không nhỏ.

Nói tiếp về diễn biến của FPT, sau khi tạo đáy 61.000 đồng vào ngày 12/01/2011 mã này đã có một số phiên phục hồi và tăng lên được 65.000 đồng vào ngày 27/01/2011. Trong giai đoạn này, NĐT ngoại chuyển sang bán ròng FPT, nhưng số lượng bán ra chỉ 200.000 đơn vị, trong khi bên mua tiếp tục mua vào gần 1,8 triệu đơn vị với giá trung bình 63.000-64.000 đồng/CP. Sau tết nguyên đán, FPT tiếp tục giảm mạnh từ 64.000 đồng xuống dưới 54.000 đồng và hiện tại đang loanh quanh ở mức giá này hoặc thấp hơn. Như vậy, những NĐT nào đã mua vào FPT trước Tết đang tạm lỗ gần 15%, còn nếu tính luôn phần trượt giá thì tỷ lệ lỗ là gần 25%.

Nhà đầu tư nội nhát tay


Với những phân tích vừa nêu, có thể nói khối ngoại thời gian gần đây đều thua lỗ. Và dựa vào diễn biến của BVH (một mã luôn có sóng, tăng khá mạnh) và FPT (một mã rớt giá mạnh), có thể thấy khối NĐT ngoại có thể đánh lên, gom hàng, xả hàng… chẳng khác mấy các đội lái hay các Công ty chứng khoán (CTCK), cho dù họ vẫn luôn mua ròng nếu tính tổng cộng (từ tháng 10/2010 đến nay).
Tuy nhiên, theo một chuyên gia chứng khoán, một số CTCK không biết vô tình hay cố ý đã dựa vào động thái mua ròng của khối ngoại để vẽ ra một viễn cảnh tốt đẹp cho TTCK nói chung và cổ phiếu nói riêng, vô hình chung đẩy nhiều NĐT nội rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi khi khối ngoại mua ròng, NĐT cá nhân hoặc không dám bán hoặc có thể mua vào theo vì cho rằng đó là tín hiệu tốt. Và khi khối ngoại bán ra, NĐT cá nhân lập tức xả hàng ồ ạt, vô tình trở thành cơ hội để NĐT ngoại cũng bán ra, dìm giá xuống và NĐT cá nhân thua lỗ.

Thực tế thị trường cho thấy đã có khá nhiều NĐT nội lâm vào tình cảnh này, và đa số đều sử dụng chiêu thức “án binh bất động” nếu không muốn lỗ thêm. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng sẽ có NĐT tận dụng được những đợt sóng vừa qua của BVH, FPT và một số bluechips khác để thu lời. Câu trả lời là có nhưng rất ít bởi thị giá bluechips thường cao. Giả sử như trường hợp của BVH tăng từ 40.000 đồng lên 80.000 đồng, tức tăng 100% thị giá, rất ít người dám “mua đu” theo, nhưng giả sử nếu một cổ phiếu khác có thị giá tăng từ 10.000 đồng lên 20.000 đồng, sẽ có nhiều người giải ngân hơn bởi chỉ phải bỏ ra một số tiền không lớn.

Hồ Doãn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Doanh số bán ra của thị trường ô tô cao nhất trong năm

Doanh số bán ra của thị trường ô tô cao nhất trong năm

(Thanh tra) - Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường ô tô của các đơn vị thành viên trong tháng 11/2024 đạt 44.200 xe, tăng 14% so với tháng 10/2024 (38.761 xe) và tăng 58% so với tháng 11/2023 (27.953 xe). Đây là mức doanh số cao nhất kể từ đầu năm.

Uyên Uyên

16:28 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm