Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Tăng sức cạnh tranh và hội nhập

Thứ sáu, 22/07/2011 - 08:42

(Thanh tra)- Từ đầu năm đến nay, với việc thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát theo chủ trương của Chính phủ, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (NVV) càng khó tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng (NH). Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước nhằm hỗ trợ các DNNVV phát triển sản xuất, kinh doanh cũng chưa có nhiều DN được tiếp cận và sử dụng.

*Cần sự ra đời Quỹ Phát triển DNNVV.

Khó được vay ưu đãi

Theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp và phát triển DNNVV của Chính phủ, các DN sẽ được trợ giúp về tài chính, mặt bằng sản xuất, đổi mới nâng cao kỹ thuật, trình độ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực… DN sẽ được hỗ trợ cả về giải pháp lẫn kinh phí thực hiện dự án (D.A). Chương trình này được đưa vào thực hiện từng năm và 5 năm của các bộ, ngành, địa phương.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 03/2011/QQĐ-TTg về Quy chế Bảo lãnh cho DNNVV vay vốn, giao NH Phát triển Việt Nam hỗ trợ bảo lãnh DNNVV vay vốn ở các NH thương mại. Thế nhưng, khi triển khai thực hiện hầu hết các DN đều “vướng” các điều kiện, nhất là thiếu D.A khả thi.
   
Nhiều DN cho biết, không phải DN không muốn tiếp cận các quỹ này. Có điều, rất khó để được vay ưu đãi vì cần phải có nhiều điều kiện, nếu DN không được đáp ứng nguồn vốn vay sẽ còn mất thêm chi phí thực hiện ý tưởng D.A. Bởi, một D.A khi trình bày vay vốn ngay cả đối với NH, DN phải trình bày đủ 3 yếu tố quan trọng là hiệu quả D.A đến đâu, tài chính thực hiện như thế nào và thời gian thực hiện. Trong đó, D.A phải có đầy đủ về thị trường đầu vào, đầu ra như tổng đầu tư, kế hoạch thực hiện, thị trường, nguyên liệu, nhân công, máy móc, đặc thù sản phẩm, nhu cầu… để các tổ chức tín dụng có đủ lòng tin về mức độ khả thi, đồng ý hỗ trợ vốn thực hiện D.A. Điều này là quá khó đối  với hầu hết DNNVV.

Cần sự ra đời của Quỹ Phát triển DNNVV
   
Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, để hỗ trợ DNNVV và cá nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, đều có các tổ chức tín dụng, tài chính chuyên biệt đứng ra đảm nhiệm.
      
Chẳng hạn, ở Nhật Bản có Cty Tài chính cho DNNVV (JFC), là Cty 100% vốn Nhà nước với 2 bộ phận trực tiếp hỗ trợ cho cá nhân và DN siêu nhỏ. Ở Thái Lan có NH Phát triển DNNVV, với chức năng chính là hỗ trợ, tăng cường năng lực cạnh tranh của các DNNVV làm nền tảng phát triển vững chắc cho nền kinh tế. Hàn Quốc có Cty Quản lý DNNVV (SBC) - một tổ chức phi lợi nhuận được Chính phủ thành lập từ năm 1979, đảm nhiệm việc cung cấp tài chính và các chương trình phi tài chính cho DNNVV, nhằm phát triển mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, hợp tác toàn cầu… Ngoài ra, theo lộ trình hợp tác phát triển DNNVV trong ASEAN, “Bản hành động cộng đồng kinh tế” được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 13 (diễn ra từ ngày 18 - 22/11/2007 tại Singapore), giai đoạn từ năm 2014 - 2015 sẽ thành lập Quỹ Phát triển DNNVV cấp khu vực nhằm tài trợ cho các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh, thân thiện với môi trường của cộng đồng DNNVV.
     
Nhìn lại ở nước ta, vốn Nhà nước hàng năm đầu tư cho DN Nhà nước tới 36% GDP, song chỉ 44% làm ăn có lãi, 44% hòa vốn và 12% là thua lỗ. Trong khi đó, các DN tư nhân lại đang hoạt động có hiệu quả và đóng góp nhiều trong sự phát triển kinh tế. Vì vậy, trước yêu cầu bức xúc về phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, việc thành lập Quỹ Phát triển DNNVV Việt Nam đang là yêu cầu cấp thiết. Sự ra đời của Quỹ Phát triển DNNVV lúc này đã có đầy đủ cơ sở pháp lý, đó là Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 và Nghị quyết 22/2010/NQ-CP ngày 5/5/2010 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV, cùng các quy định về thành lập Quỹ Phát triển DNNVV Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế khi thực hiện chính sách phát triển DNNVV.
    
Ông Nguyễn Ngọc Bách, Tổng Giám đốc Cty Tư vấn Đầu tư Asiainvest  kiêm Phó Tổng Thư ký Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam cho biết, chưa có con số cụ thể về vốn ban đầu của quỹ này nhưng sẽ tương đối lớn. Vốn Nhà nước cấp chỉ một phần, phần còn lại sẽ được xã hội hóa. Mô hình SBC của Hàn Quốc có vốn đến 7,8 tỷ USD nhưng ban đầu Nhà nước chỉ cấp 200 triệu USD. Ngoài vốn, các chuyên gia của quỹ sẽ hỗ trợ DN bằng cách giúp xây dựng đề án kinh doanh, phát triển sản phẩm và có thể cung cấp cả trang thiết bị, kỹ thuật. Nhiều DN có ý tưởng nhưng không đủ trang thiết bị để thực hiện hóa ý tưởng đó. Hiện, Văn phòng Hợp tác Nhật Bản (JICA) cũng góp phần giúp hình thành quỹ này của Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản có thể giúp vốn nữa, nhưng con số chưa tiết lộ.
       
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bách, Đề án Xây dựng và Cơ chế quản lý điều hành Quỹ đã được các bộ, ngành chức năng xem xét và trình Chính phủ để quyết định thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và một số cơ quan, ban, ngành khác là thành viên sáng lập của quỹ. Chịu trách nhiệm điều hành chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà trực tiếp là Cục Phát triển DN. Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam cũng là thành viên sáng lập của quỹ. “Việc ra đời của quỹ này sẽ tạo động lực và cơ hội cho cộng đồng DNNVV Việt Nam phát triển”, ông Bách khẳng định.

   Minh Phong

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Doanh số bán ra của thị trường ô tô cao nhất trong năm

Doanh số bán ra của thị trường ô tô cao nhất trong năm

(Thanh tra) - Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường ô tô của các đơn vị thành viên trong tháng 11/2024 đạt 44.200 xe, tăng 14% so với tháng 10/2024 (38.761 xe) và tăng 58% so với tháng 11/2023 (27.953 xe). Đây là mức doanh số cao nhất kể từ đầu năm.

Uyên Uyên

16:28 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm