Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gỡ khó cho sản xuất, tiêu thụ chè

Thứ sáu, 13/01/2012 - 11:36

(Thanh tra)- Xếp thứ 5 thế giới về xuất khẩu (XK) chè, tuy nhiên, sản phẩm chè Việt Nam đang gặp không ít tồn tại đáng lo ngại như: Chất lượng chè thấp, không ổn định, diện tích manh mún, thiếu nguyên liệu, đặc biệt là thương mại chè đang bị lũng đoạn bởi trung gian nước ngoài.

Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, hiện cả nước đã có 136.000ha chè với năng suất bình quân 7 tấn/ha. Sản lượng XK khoảng trên dưới 130.000 tấn, xếp thứ 5 thế giới về sản xuất và XK chè. Điều đáng lo ngại nhất là chất lượng sản phẩm chè Việt Nam còn thấp, không ổn định, giá XK bình quân chỉ bằng 60% giá thế giới. Cùng với đó, năng suất thấp, diện tích manh mún nhỏ lẻ khiến thu nhập của người nông dân trồng chè chưa bảo đảm. Sản xuất công nghiệp cũng không ổn định do thiếu nguyên liệu, thiếu vốn cải tiến máy móc, công nghệ…

Đặc biệt, thương mại chè đang bị phụ thuộc và lũng đoạn bởi trung gian nước ngoài. Tuy đã mở rộng nhiều thị trường nhưng lại bị ép giá do không có thương hiệu. Thêm vào đó, thiếu chế tài quản lý chất lượng nên rất dễ bị tác động theo nhu cầu của thị trường thứ cấp tại các cửa khẩu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu và năng lực sản xuất của các nhà máy chế biến cũng như thương hiệu ngành.

Theo định hướng phát triển ngành Chè đến năm 2020, dự kiến sản lượng toàn ngành sẽ đạt 250.000 tấn. Trong đó, XK đạt 182.000 tấn (73%) với tỷ trọng phần lớn là chè xanh, chè đặc sản (33%) và chè đen OTD (40%) theo đơn giá khoảng 1,99 USD/kg. Còn đơn giá tiêu dùng nội địa vào khoảng 5 USD/kg.

Để đạt được những mục tiêu nói trên, bên cạnh các giải pháp kĩ thuật về giống, trồng chăm sóc, thu hái, các chuyên gia cho rằng, 2 nhóm giải pháp về chế biến và đầu tư thương mại cho ngành chè đóng vai trò hết sức quan trọng.

Cụ thể, thay vì cho các doanh nghiệp đầu tư tràn lan như hiện nay thì chính quyền các địa phương phải có chính sách quản lý đầu tư nhà máy chế biến chè một cách hợp lý và phải xem xét các điều kiện bắt buộc khi đầu tư như: Phải có vùng nguyên liệu chủ động, không ảnh hưởng đến tranh chấp nguyên liệu của các nhà máy; đầu tư thiết bị theo quy chuẩn kĩ thuật quốc gia hiện hành, có cán bộ kĩ thuật được đào tạo chính quy, có giải pháp hỗ trợ vùng chè phát triển. Đồng thời, nghiên cứu cải tiến dây chuyền sản xuất chè OTD cả về cơ năng và điện năng để giảm bớt chi phí về điện và nhân công, đặc biệt 100% công nhân sản xuất phải được đào tạo cơ bản về công nghệ chế biến và kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với những cơ sở chế biến không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết bị chắp vá, nhà xưởng tạm bợ và không có vùng nguyên liệu rõ ràng thì cần chế tài xử lý nghiêm để không làm ảnh hưởng đến chất lượng chung của toàn ngành và tạo tiền lệ xấu khó khắc phục.

Lãnh đạo Hiệp hội Chè Việt Nam đề xuất, để xây dựng thương hiệu ngành Chè Việt đòi hỏi phải đầu tư cho cả khâu nông nghiệp và chế biến, hay đúng hơn là đầu tư cho cả chuỗi giá trị ngành chè trong dài hạn và các cấp bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương phải cố gắng nỗ lực và trách nhiệm với ngành Chè. Cần thiết phải tổ chức một sàn giao dịch để các đơn vị giới thiệu và bán sản phẩm một cách minh bạch, công bằng tạo tiền đề cho sự ra đời của trung tâm đấu giá sau này.

“Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ để các đơn vị sản xuất, chế biến chè có cơ hội tiếp xúc tìm hiểu thị trường trong, ngoài nước để có chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp đáp ứng thị trường và để bảo vệ được uy tín; đồng thời hạn chế XK và bán chè qua nhiều tầng nấc trung gian như hiện nay. Với các giống chè quý hiếm là đặc sản của địa phương, Nhà nước cần quan tâm đầu tư chăm sóc chế biến và khuyến khích hỗ trợ để quảng bá sản phẩm và kích thích tiêu dùng trong nước”, lãnh đạo Hiệp hội Chè nhấn mạnh.


Hữu Oanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm