Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giúp bình ổn tỷ giá

Thứ bảy, 09/04/2011 - 10:37

(Thanh tra)- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vùa ban hành thông tư 07 (có hiệu lực từ ngày 9/5/2011) quy định về việc cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, NHNN thu hẹp đối tượng được phép vay, nhưng mở ra một cơ chế khuyến khíc Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vay ngoại tệ. Với cơ chế này, về dài hạn sẽ giúp bình ổn tỷ giá.

Hạn chế đô la hóa
      
Quy định tại Thông tư 07 của NHNN tái khẳng định quyền vay mượn ngoại tệ từ TCTD của cá nhân và các DN đang hoạt động tại Việt Nam (được gọi là người cư trú). Tuy nhiên, kể từ thời điểm Thông tư 07 có hiệu lực, các NH thương mại (TM) chỉ xét cho vay đối với 2 nhóm mục đích được quy định. Trước hết là các khoản vay ngắn, trung và dài hạn của cá nhân, DN để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ. Khách hàng vay phải bảo đảm có nguồn ngoại tệ để trả nợ từ doanh thu sản xuất, mua của TCTD cho vay hoặc được một NHTM khác đứng ra cam kết bằng văn bản. Nhóm mục đích thứ 2 được xét cho vay ngoại tệ ngắn hạn nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu. Trong trường hợp khách hàng vay nhằm mục đích sử dụng trong nước, ngay sau khi được vay khách hàng sẽ phải bán số ngoại tệ này cho TCTD cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot). Ngoài 2 nhóm mục đích nói trên, bất cứ nhu cầu vay vốn ngoại tệ nào từ NH cũng cần phải có văn bản chấp thuận của Thống đốc NHNN.
     
Như vậy, so với các quy định về tín dụng ngoại tệ trước đây, NHNN đã gỡ bỏ 3 nhóm mục đích được phép vay ngoại tệ, bao gồm cho vay để trả nợ nước ngoài trước hạn, cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và cho vay để thực hiện các dự án xuất khẩu.

Ngoài ra, Thông tư 07 cũng yêu cầu khách hàng vay ngoại tệ nhập khẩu phải có nguồn thu đối ứng để bảo đảm trả nợ.

Theo NHNN, mục đích chính của việc ban hành Thông tư 07 nhằm phù hợp với khả năng huy động vốn ngoại tệ ở trong nước của NH, kiểm soát tín dụng, hạn chế việc nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu.


Thông tư 07 được coi là bước đầu tiên nhằm hiện thực hóa chủ trương chuyển dần quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ NH sang quan hệ mua - bán, góp phần hạn chế tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Bình ổn tỷ giá
       
Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Tổng Giám đốc NamABank cho biết, dù siết lại một số đối tượng được vay vốn ngoại tệ, nhưng so với quy định trước đây, NHNN đã thoáng hơn khi cho phép DN xuất khẩu vay ngoại tệ để sử dụng trong nước và bán ngoại tệ lại cho các NHTM. Trước đây, để hưởng chênh lệch lãi suất vay ngoại tệ, nhiều DN vay ngoại tệ để sử dụng trong nước và NHNN đã có văn bản nhắc nhở vấn đề này.

Quy định mới cũng định nghĩa rõ hơn nguồn trả nợ của DN nhập khẩu vay ngoại tệ. Thí dụ, trước đây, chỉ tính nguồn trả nợ ngoại tệ từ nguồn thu là khách hàng vay, nay NHNN cho phép nguồn trả nợ từ ngoại tệ mua của TCTD cho vay hoặc TCTD được cam kết bằng văn bản. Như vậy, các DN nằm trong đối tượng được vay ngoại tệ sẽ thuận lợi hơn nếu đáp ứng các yêu cầu của Thông tư 07.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Thông tư 07 chưa quy định rõ ràng về việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ. Bởi lẽ, trước đây NHNN siết đối tượng vay ngoại tệ sử dụng trong nước, nay lại cho phép liệu có dẫn đến việc DN đủ điều kiện thấy vay ngoại tệ lợi hơn về lãi suất sẽ đổ đi vay và bán lại ngoại tệ cho NHTM. Điều này có thể tác động kéo tỷ giá USD/VND đi xuống nhưng đến khi trả nợ lại đẩy tỷ giá đi lên.

Nhiều NHTM cho biết, chủ trương thu hẹp đối tượng cho vay ngoại tệ của NHNN là cần thiết để tránh gây áp lực lên tỷ giá cũng như gây rủi ro cho DN lẫn NH. Tháng 3/2011, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ là 3,68% so với cuối năm 2010. Trong cơ cấu tín dụng, tín dụng ngoại tệ vẫn tăng cao hơn tín dụng tiền đồng. Điều này là tất yếu khi lãi suất cho vay tiền đồng quá cao và chênh lệch so với lãi suất đầu ra của ngoại tệ. Thực tế, năm ngoái không ít DN nhập khẩu vay ngoại tệ đã bị rủi ro khi tỷ giá biến động, nhất là với các hợp đồng vay trả chậm. Nay thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ, có thể đẩy cầu ngoại tệ mua bán tăng trong thời gian ngắn, nhưng về dài hạn sẽ giúp bình ổn tỷ giá hối đoái.

Thiên Ngân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Doanh số bán ra của thị trường ô tô cao nhất trong năm

Doanh số bán ra của thị trường ô tô cao nhất trong năm

(Thanh tra) - Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường ô tô của các đơn vị thành viên trong tháng 11/2024 đạt 44.200 xe, tăng 14% so với tháng 10/2024 (38.761 xe) và tăng 58% so với tháng 11/2023 (27.953 xe). Đây là mức doanh số cao nhất kể từ đầu năm.

Uyên Uyên

16:28 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm