Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Du lịch di sản 2012 cần nhiều đột phá

Thứ hai, 05/12/2011 - 21:50

(Thanh tra)- Du lịch di sản là một mũi nhọn trọng yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dù có nhiều thế mạnh cùng hàng loạt di sản được thế giới vinh danh, nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của loại hình du lịch này. Phát động Năm du lịch 2012 với chủ đề “Bắc Trung Bộ - Huế: Du lịch Di sản”, ngành Du lịch Việt Nam đang rất hi vọng mở ra những cơ hội quảng bá mới.

Theo thống kê của Cục Di sản (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), hiện nay cả nước có khoảng 4 vạn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có hơn 3 nghìn di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 14 di sản được tôn vinh là di sản thế giới, 2 di sản được đưa vào Chương trình Kí ức thế giới, một số được công nhận là khu Dự trữ sinh quyển thế giới, vịnh đẹp nhất của thế giới, vườn quốc gia ASEAN… Với chủ đề "Du lịch di sản" đang đặt ra nhiều bài toán cần phải giải ngay để đưa giá trị di sản Việt Nam trở thành điểm đến đầy màu sắc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tại các địa phương, di sản được bảo tồn, du lịch phát triển tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, người dân được hưởng lợi nhiều hơn thông qua việc tham gia dịch vụ du lịch, ngành nghề thủ công truyền thống. Vì thế, không thể để phí nguồn “tài nguyên” sẵn có này.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho rằng: “Nếu cứ chỉ quanh quẩn mãi các điểm đến mà không có thêm các hoạt động văn hóa đặc sắc, thì khách sẽ chỉ đến một lần, rồi thôi. Để kéo du khách quốc tế ra khỏi điểm tham quan truyền thống là khu Nội đô, các lăng tẩm, một số doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu đưa ra các sản phẩm khá độc đáo như đánh cá, chèo thuyền, lắc thúng, trồng rau. Một sản phẩm tưởng đơn giản nhưng khi liên kết với nông dân đã tạo cho du khách những trải nghiệm thú vị về công việc nhà nông, ngư dân... Vấn đề là sự đầu tư, hướng dẫn của doanh nghiệp du lịch; cơ chế hỗ trợ của địa phương mới mong tạo một sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng hay mỗi tỉnh”.

Năm du lịch quốc gia 2012 gắn với Festival Huế 2012 là sự kiện văn hóa có tầm quốc gia, mang tính quốc tế. Nhưng thực tế cho thấy, Festival Huế hàng năm mặc dù thu hút lượng lớn du khách, nhưng do không có gì đổi mới trong các khâu tổ chức nên ngày càng kém thu hút. Các di sản Việt Nam đủ sức trở thành khu du lịch lớn, nhưng thực tế có nơi mới chỉ là điểm du lịch nhỏ lẻ, do chưa có quy hoạch phát triển thành quần thể du lịch. Việc phát triển du lịch ồ ạt, nhưng thiếu kế hoạch, chiến lược dài hơi, không quan tâm đến quảng bá, chỉ chú tâm đến thời vụ… là những lý do khiến các “Tuần văn hóa du lịch”, các Festival, thậm chí các địa điểm, các tỉnh được chọn tổ chức năm du lịch không thu hút được sự hào hứng của du khách. Sự lãng phí di sản đã khiến du lịch Việt Nam khó cạnh tranh với các nước Đông Nam Á chứ chưa cần phải đem so với các quốc gia khác.

Năm Du lịch 2012 với chủ đề Di sản, mà Huế là trung tâm sự kiện, thực chất chưa hẳn đã có sức lan tỏa vượt bậc vì công tác liên kết du lịch còn yếu. Với hệ thống dày đặc di sản, địa phương nào cũng có những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, nhưng thực tế chưa phát huy hết.

Hoạt động du lịch không gắn với công tác bảo tồn, trong khi bảo tồn là điều sống còn của các di tích, cho thấy vấn đề quản lý Nhà nước ở các khu vực di sản còn nhiều lúng túng. Tại cuộc họp báo giới thiệu Năm du lịch 2012, ông Phan Tiến Dũng khẳng định, một số sản phẩm du lịch có thương hiệu quốc gia và quốc tế sẽ được tập trung xây dựng trong năm 2012. Trong số này, các sản phẩm nhằm kết nối tuyến các kinh đô cổ Việt Nam, các di sản văn hóa  khu vực Trung bộ với các điểm đến trong nước và khu vực có lượng khách quốc tế lớn sẽ được ưu tiên phát triển. Ông Dũng khẳng định: “Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế là tỉnh được quan tâm hàng đầu trong kế hoạch phát triển “Du lịch Di sản”, là trung tâm của ngành Du lịch nội địa năm nay, sẽ khai thác các tài nguyên du lịch mới bằng việc tập trung vào dòng sản phẩm như: Lễ hội độc đáo (Vật làng Sình, Vật làng Thủ Lễ…); du lịch văn hóa tâm linh (hệ thống chùa Huế, Thiền viện Trúc Lâm - Bạch Mã, Trung tâm văn hóa Huyền Trân…) bên cạnh việc liên kết khai thác các sản phẩm du lịch di sản văn hóa, hang động truyền thống. Hay du lịch dựa trên quá trình sản xuất thủ công truyền thống ở các làng cổ; du lịch tới đồng bào dân tộc ít người, nghệ thuật ẩm thực cung đình, dân gian. Rồi tập trung phát triển du lịch biển và đầm Phá với các dòng sản phẩm đặc thù, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới như lễ hội Cầu Ngư, tham quan thắng cảnh biển vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai - Thủy Tú - An Cư, biển Lăng Cô, Thuận An…; xây dựng sản phẩm du lịch thể thao và sinh thái biển cũng nằm trong chiến lược của lãnh đạo tỉnh…”.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Giám đốc Vietran Tour về Năm du lịch quốc gia 2012: “Thật ra, nếu tổ chức tour, quảng bá tốt, có thể thu hút thêm lượng khách quốc tế là chính. Còn trong nước, du khách vẫn ưa chuộng tour ngoại hơn vì giá rẻ hơn, hấp dẫn hơn lại kết hợp mua sắm… Bởi lẽ du lịch là một sản phẩm tổng hợp, có sự đầu tư, phối hợp đồng bộ của nhiều ngành như: Giao thông, hàng không, thương mại, văn hóa… nhưng thực trạng lại mạnh ai nấy làm. Sản phẩm nghèo nàn, cơ sở hạ tầng yếu kém, càng khiến du lịch Việt Nam kém hấp dẫn. Tổ chức Năm du lịch hay các Festival cần nhiều đột phá hơn nữa”.

Mai Châu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khủng hoảng thiếu Oxy – Oxy quý hơn Vàng

Khủng hoảng thiếu Oxy – Oxy quý hơn Vàng

(Thanh tra) - Oxy rất cần thiết cho mọi hoạt động sống của con người. Khi cơ thể không được nhận oxy đầy đủ, có thể để lại những hệ quả nghiêm trọng. Sự khan hiếm oxy đang diễn ra trên thế giới bởi những tác động của biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố liên quan đến con người.

Liên Hương

21:27 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm