Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh nghiệp đau đầu với điện

Thứ năm, 14/04/2011 - 06:30

(Thanh tra)- Máy móc bị ngưng trệ, không đủ hàng để giao cho đối tác do thiếu điện sản xuất đang là vấn đề gây đau đầu cho các doanh nghiệp (DN) trong thời điểm này.

* Sẽ tăng nguồn cung điện lên khoảng 1.000MW

Thiếu điện sản xuất
     
Những tháng đầu năm, tình hình sản xuất của DN đã chồng chất nhiều khó khăn về giá, lại phải chịu cảnh bị cắt giảm điện gây ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Theo ông Nguyễn Hữu Biểu, Tổng Giám đốc Bảo Việt Xanh, những tháng đầu năm 2011, tình hình cắt điện chỉ báo trước 2 giờ khiến DN không kịp trở tay, gây nhiều thiệt hại. Để đối phó với tình hình này, DN phải bỏ ra chi phí khá lớn mua máy phát điện, nhưng với giá xăng dầu đang tăng cao như hiện nay, họ vừa phải chịu chi phí về điện, vừa phải chịu tiền dầu, đội giá thành lên cao. Ngừng sản xuất không được, tăng giá bán cũng không xong vì có một số hợp đồng đã ký với đối tác, nếu tăng cũng chỉ ở khoảng 10% vì tăng quá cao sẽ mất thị trường.
     
Với một số ngành có thể sử dụng máy phát điện, bài toán về điện còn có thể phần nào tháo gỡ, nhưng với những ngành đòi hỏi phải sử dụng điện lưới và máy móc 24/24 giờ mới hình thành được sản phẩm, việc thiếu điện vô cùng nan giải. Ông Trần Đăng Tường, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam, bức xúc: “Đặc trưng của ngành sợi là tiêu thụ điện rất cao, tuy nhiên, chúng tôi lại bị yêu cầu cắt giảm 13% lượng điện tiêu thụ. Vì vậy, các nhà máy phải luân phiên sản xuất, điều này đồng nghĩa với việc sản lượng sợi sẽ giảm. Thí dụ, trước đây một tháng Cty sản xuất khoảng 1.600 tấn sợi, nay mỗi tháng sẽ thiệt hại khoảng 200 tấn, kéo theo doanh thu giảm xuống hàng chục tỷ đồng”.
    
Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Giấy Sài Gòn cho biết, hệ thống máy móc sản xuất của Nhà máy Giấy Mỹ Xuân 2 sắp đi vào hoạt động, nhưng phải hoạt động 24/24 giờ mới bảo đảm được dây chuyền sản xuất và chất lượng sản phẩm, mỗi năm chỉ được ngừng máy 3 - 4 lần. Với những yêu cầu công nghệ như vậy, bài toán về điện là vấn đề nan giải.
Ông Lê Minh Chuẩn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam lo lắng vì nếu hầm lò bị cắt điện sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của hàng nghìn công nhân.
     
Theo ông Trần Công Hoàn Quốc Trang, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, thời gian qua các DN nhựa đã bị cắt giảm định mức điện từ 10 - 15%. Để giải quyết tình trạng này, cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa và Hiệp hội đã trao đổi với ngành điện để cắt giảm hợp lý, đồng thời đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo ngành điện công khai minh bạch chỉ tiêu cắt giảm, phối hợp với các hiệp hội và DN hạn chế thấp nhất kế hoạch cắt giảm điện cho sản xuất. Ngành điện nên đồng hành với doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn.

Một số nhà máy điện sẽ đi vào hoạt động
   
Trong cuộc hợp giao ban trực tuyến về tình hình xuất khẩu 3 tháng đầu năm do Bộ Công thương tổ chức, khi nghe một số DN chủ chốt và giám đốc sở công thương các tỉnh,TP báo cáo về tình hình thiếu điện gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã ghi nhận và khẳng định: Trong thời gian tới sẽ tăng nguồn cung điện lên khoảng 1.000 MW để đáp ứng nhu cầu của các DN. Ngoài ra, Tổng Cty Điện lực Việt Nam (EVN) cũng tăng khoảng 15% phụ tải để bảo đảm sản xuất và nhu cầu đời sống. Vào dịp lễ 30/4 và 1/5 tới đây, dự kiến sẽ có một số nhà máy điện đi vào hoạt động, tạo thêm nguồn cung điện cho toàn xã hội. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng chỉ đạo EVN có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để cải thiện tình trạng thiếu điện cho DN.

Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, kế hoạch cung ứng điện từ tháng 4 tới tháng 6/2011 được cải thiện đáng kể so với năm 2010 do thời tiết tiếp tục mát ở miền Bắc và miền Nam bắt đầu có mưa chuyển mùa. Theo đó, sản lượng phát điện của các nhà máy thủy điện trong thời gian này dự kiến sẽ tăng thêm 700 triệu kwh so với kế hoạch đầu năm 2011. Bên cạnh đó, một số nhà máy nhiệt điện như: BOT Phú Mỹ 3, Ô Môn 1, Quảng Ninh và Cẩm Phả cũng đã khắc phục xong sự cố vào cuối tháng 3 vừa qua. Điện mua của Trung Quốc cũng tăng thêm 100 triệu kwh/tháng kể từ tháng 4/2011. EVN sẽ không điều hòa, tiết giảm điện trong tháng 4 này và tính toán điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện cho các tháng 5 và 6/2011 theo chỉ đạo của Bộ Công thương.

Với những giải pháp linh hoạt và những tín hiệu khá lạc quan như vậy, DN hy vọng sẽ tháo gỡ được khó khăn về thiếu điện trong thời gian tới.

Yên Lam

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm