Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đi tìm lời giải cho bài toán bảo vệ rừng

Thứ ba, 01/03/2011 - 12:17

(Thanh tra) - Theo kết quả báo cáo của 26 vườn quốc gia trong toàn quốc, trong năm 2010 đã phát hiện và xử lý 1.996 vụ vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2009. Lực lượng kiểm lâm nhiều vườn quốc gia đã gặp phải sự chống đối hung hãn, nguy hiểm của lâm tặc.

Vườn quốc gia Yok Don - địa bàn “nóng” với 119 vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trong năm 2010.

Ngày 1/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác năm 2011 các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

Các vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng đang gia tăng

Qua các báo cáo chuyên đề của Vụ Bảo tồn thiên nhiên và giám đốc các vườn quốc gia, có thể thấy công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại. Các vi phạm quy định của nhà nước trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng đang gia tăng.

Theo kết quả báo cáo của 26 vườn quốc gia trong toàn quốc, trong năm 2010 đã phát hiện và xử lý 1.996 vụ vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, chỉ riêng Vườn quốc gia Yok Don và Cát Tiên là 1.000 vụ. Tổng thu nộp ngân sách Nhà nước từ xử phạt vi phạm hành chính gần 3,4 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2009.

Tình hình phá rừng, khai thác gỗ và lâm sản trong các khu rừng đặc dụng hiện xảy ra hết sức gay gắt, đối tượng bị khai thác chủ yếu là những loài gỗ quý hiếm như Cẩm lai, Giáng hương, Căm xe, Nghiến…

Lâm tặc lợi dụng những khu vực thuận lợi về giao thông, vùng giáp ranh, địa bàn có nhiều cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ ở trong rừng và gần rừng. Các vụ mua bán, vận chuyển, chế biến gỗ, lâm sản trái pháp luật tăng mạnh. Trong năm 2010, các Vườn quốc gia đã phát hiện gần 600 vụ, tăng 30% so với năm 2009.

Quang cảnh hội nghị toàn quốc triển khai công tác năm 2011các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên

Tình hình săn bắn động vật hoang dã xảy ra xảy ra ở 12/26 vườn quốc gia. Một vấn đề đáng lo ngại là số lượng súng tự chế còn tồn tại trong các hộ dân tương đối lớn và chưa được kiểm soát. Trong khi đó, việc xử lý các trường hợp vi phạm dùng súng tự chế đi săn bắn động vật hoang dã chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính.

Lâm tặc ngang nhiên chống người thi hành công vụ

Hành động chống người thi hành công vụ diễn ra gay gắt, với nhiều hình thức hoạt động táo tợn, liều lĩnh của lâm tặc. Theo đánh giá, nhiều vụ đối tượng vi phạm có tổ chức, tập trung thành băng nhóm đông người, có sự phân công chặt chẽ từ khâu khai thác, vận chuyển đến chế biến. Các băng nhóm này thủ đoạn táo bạo bất ngờ, hành vi hung hãn, gây rối, đe dọa, tấn công lực lượng kiểm lâm để tẩu tán lâm sản.

Lực lượng kiểm lâm nhiều vườn quốc gia đã gặp phải sự chống đối hung hãn, nguy hiểm của lâm tặc. Nổi cộm về chống người thi hành công vụ là tại Vườn quốc gia Yok Don. Ông Vương Văn Trưởng, Giám đốc Vườn quốc gia này cho biết, chỉ trong năm 2010, tại Yok Don đã xảy ra 9 vụ vi phạm chống người thi hành công vụ, với hành vi hành hung trắng trợn, côn đồ. Sau khi bỏ chạy vì bị lực lượng kiểm lâm phát hiện vi phạm, bọn lâm tặc huy động thêm lực lượng quay lại tấn công dữ dội lực lượng kiểm lâm bằng đá, gậy, mã tấu, dao…

Huy động sức mạnh nhân dân trong bảo vệ rừng

Trong năm 2011, cần đẩy mạnh công tác tuần tra, truy quét những khu vực trọng điểm phá rừng, khai thác lâm sản, săn bắn trái phép và cả các khu vực giáp ranh.

Ở những địa bàn “nóng”, cần tiến hành điều tra ngay các “đường dây” phá rừng chuyên nghiệp. Cần phối hợp với địa phương trừng trị những đối tượng cầm đầu, tịch thu các phương tiện vi phạm…

Với những xưởng chế biến gỗ xung quanh khu bảo tồn là những tụ điểm chứa chấp và buôn bán, tiêu thụ gỗ trái phép, cần theo dõi, giám sát quá trính vận chuyển, mua bán gỗ để bắt quả tang. Phá bỏ các xưởng chế biến gỗ đặt trong rừng và vùng đệm các khu rừng đặc dụng.

Một trong những nguyên nhân khiến công tác bảo vệ rừng còn gặp khó khăn là do dân số ở vùng đệm các vườn quốc gia và khu bảo tồn tăng, đòi hỏi nhu cầu đất sản xuất và khai thác lâm sản phục vụ nhu cầu cuộc sống. Bên cạnh đó, trình độ dân trí còn thấp, nhận thức về tầm quan trọng của rừng chưa cao nên người dân tiếp tục phá rừng, tiếp tay làm thuê cho các đầu nậu. Đời sống người dân vùng đệm còn nghèo, sống chủ yếu dựa vào rừng để khai thác, săn bắn động vật hoang dã. Do đó, cần tiếp tục tuyên truyền công tác bảo vệ rừng trong nhân dân, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa ban quản lý với chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương để có sự đồng thuận, hỗ trợ trong công tác bảo vệ rừng.

Đại Dương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm