Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN

Thứ sáu, 04/08/2017 - 06:23

(Thanh tra)- 6 tháng đầu năm 2017, đã có 11 bộ, cơ quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 39 thủ tục hành chính (TTHC); cơ chế một cửa quốc gia đã xử lý 180.079 hồ sơ (tăng 107% so với 6 tháng đầu năm 2016) của 12.683 doanh nghiệp (tăng 70% so với 6 tháng đầu năm 2016); Cổng thông tin một cửa quốc gia hoạt động ổn định...

Đó là nội dung thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Phiên họp lần thứ hai của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại.

Phấn đấu hoàn thành kế hoạch triển khai 130 TTHC

Nhiệm vụ thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2017, các bộ, cơ quan phải phấn đấu hoàn thành kế hoạch triển khai 130 TTHC đã đăng ký; đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung các thủ tục mới đưa vào kế hoạch để thực hiện. Chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN ngay sau khi Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN được đủ 10 nước thành viên phê chuẩn và có hiệu lực.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát và hoàn thiện cơ sở pháp lý, các TTHC để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Hoàn thành việc xây dựng Nghị định về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm thuận lợi thương mại.

Đồng thời đảm bảo tính kết nối, tính hệ thống, an ninh, an toàn về thông tin và cơ sở dữ liệu của hệ thống công nghệ thông tin phục vụ Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; đầu tư hệ thống dự phòng cho Cổng thông tin một cửa quốc gia theo hướng thuê dịch vụ; đảm bảo các nguồn lực về nhân sự và tài chính để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. 

Tạo thuận lợi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu năm 2017, Phó Thủ tướng yêu cầu phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30 - 35% hiện nay xuống còn 15% trên tổng số các lô hàng hóa xuất nhập khẩu, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng đồng thời phải đảm bảo việc quản lý của nhà nước theo quy định của pháp luật và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan (nhất là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải) khẩn trương, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành để sửa đổi, bổ sung theo đúng tiến độ và thời hạn đã đề ra. Những văn bản nào không sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung không kịp phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ rõ lý do.

Rà soát, loại bỏ những quy định chồng chéo, không cần thiết trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; ban hành Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra tại khâu thông quan, trong đó quy định rõ: mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam; quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, phương pháp kiểm tra. 

Đồng thời kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại khâu thông quan phải ít nhất và phải công khai về quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, phương pháp kiểm tra. Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, phương pháp kiểm tra thì không được yêu cầu kiểm tra tại khâu thông quan.

Cải tiến hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, đơn giản hóa TTHC; chuyển mạnh sang hậu kiểm, kiểm tra tại nguồn và công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra theo thông lệ quốc tế; điện tử hoá thủ tục (nộp hồ sơ, trả kết quả…) kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi các văn bản, TTHC, hệ thống công nghệ thông tin có liên quan cho phù hợp với Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải về quản lý hoạt động hàng hải; làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) về việc WB hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, tạo thuận lợi thương mại và thúc đẩy phát triển logistics, trình Thủ tướng Chính phủ.

NH

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm