Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cứu doanh nghiệp bằng cách nào?

Thứ ba, 24/04/2012 - 09:14

Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đang “chết mòn”, muốn cứu không chỉ giảm lãi suất mà phải giảm thuế, phí. Nếu không, sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế từ nay tới cuối năm.

Cần giảm thuế để cứu doanh nghiệp Ảnh: Hồng Vĩnh.

Những tín hiệu xấu

Theo TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia, tình hình kinh tế quý 1 cho thấy nền kinh tế đang đình đốn, với những bất ổn tiềm ẩn.

Tuy nhiên, để giải quyết mối nguy này, kinh tế Việt Nam đang đứng trước hai mâu thuẫn lớn: Để kiểm soát lạm phát thì tăng trưởng tín dụng và cung tiền cần phải giữ ở mức thấp, nghĩa là tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Điều này sẽ làm cho doanh nghiệp càng khó khăn hơn trong việc huy động vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất và kinh doanh, nền kinh tế bị đình trệ, thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán) sụt giảm, nợ xấu tăng cao do đó làm gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, năm 2012 tình trạng khó khăn đặc biệt của nền kinh tế thể hiện rõ so với các năm trước. Hiện “sức khỏe” doanh nghiệp bị suy yếu nghiêm trọng và còn khá lâu mới phục hồi được, trong khi đây là lực lượng chủ lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nên sự khó khăn của doanh nghiệp, chắc chắn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Tình trạng khó khăn mà khu vực doanh nghiệp đang phải đương đầu được bộc lộ khá rõ nét. Hiện nay, nhiều ý kiến cũng như nhiều doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất cho vay nếu có giảm xuống 13-14%/năm (hiện tại là 17-18%/năm, thậm chí 19-20%) vẫn là quá cao, không thể giúp đa số doanh nghiệp đang gay go có thể tiếp tục “sống”, chưa nói cải thiện tình hình. Trong khi đó, ở khía cạnh tăng trưởng, dường như tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Cũng ông Thiên cho biết, một khía cạnh đáng quan ngại nữa là sự gia tăng mạnh của lượng hàng tồn kho. Chỉ số tồn kho tại thời điểm này của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán lẻ cũng giảm mạnh, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhập khẩu cũng suy giảm mạnh. Kim ngạch nhập khẩu quý I dù tăng 11,2% nhưng so cùng kỳ năm 2011 lại, giảm mạnh tới 23,8%.

Điều đó cũng có nghĩa là xu hướng đình trệ của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện. Cũng theo ông Thiên, việc doanh nghiệp đang phải chịu gánh nặng chi phí lãi vay quá cao là vấn đề phải giải quyết rốt ráo từ nay đến cuối năm.

So với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân tại một số nước trong khu vực (Ấn Độ khoảng 10%, Philippines 7,3%, Thái Lan 6,9%, Trung Quốc 6,6%, Singapore 5,4%), mức lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam là quá cao (20%), tức là cao hơn các đối thủ cạnh tranh từ 2 đến 4 lần. Sự chênh lệch lãi suất đó làm cho giá thành các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn so với Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Singapore.

Giảm thuế để cứu doanh nghiệp

Theo ông Thiên, tình huống cấp bách thì phải có liệu pháp đặc biệt, với nguyên lý “lấy độc trị độc” với việc chấp nhận trả giá để hạ nhanh lạm phát, tái lập ổn định vĩ mô vững chắc, khôi phục lòng tin và phục hồi các cơ sở tăng trưởng. Năm 2012, phải phấn đấu giảm lạm phát xuống chắc chắn 6-7%, giảm thu ngân sách xuống 22-23% GDP. Trên cơ sở đó, kiên quyết giảm chi ngân sách, đầu tư công, kéo mức thâm hụt ngân sách xuống 4% GDP và thực hiện tái cơ cấu.

Ngoài ra, cần tập trung sức mạnh kinh tế quốc gia để cứu doanh nghiệp, trong đó, đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ giải cứu doanh nghiệp khỏi tình trạng đình đốn sản xuất - kinh doanh.

Phần trách nhiệm chính trong công cuộc này phải trao cho chính sách tài khóa với các nội dung cụ thể: giảm thuế doanh nghiệp từ mức 25% xuống 20%, miễn hoặc giảm đáng kể các loại thuế khác (ví dụ các loại thuế nhập khẩu) thay vì “hoãn nộp thuế”; tránh không áp dụng tùy tiện các loại phí, gây ra tình trạng “loạn phí”, ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin xã hội, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

“Phải có phương thức và lộ trình tích cực để hạ nhanh lãi suất chứ không thể theo lộ trình tuần tự chậm chạp (mỗi quý giảm 1% lãi suất), vừa không cứu được doanh nghiệp, vừa gây ra những kỳ vọng không phù hợp về lãi suất, dẫn đến lựa chọn hành động gây méo mó, làm chệch mục tiêu chính sách là cứu doanh nghiệp trên nền tảng kiềm chế lạm phát”- ông Thiên kiến nghị.

Còn theo TS Ân, việc cơ cấu lại nền kinh tế là giải pháp tốt trong tình hình hiện nay, bao gồm cả việc thu hẹp phạm vi, lĩnh vực kinh doanh, cổ phần hoá một phần hay toàn bộ doanh nghiệp nhà nước, chấp nhận cho giải thể và phá sản doanh nghiệp không hiệu quả và không cần thiết phải duy trì.

(Theo TPO) 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm