Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cơ quan quản lý “bó tay”

Thứ hai, 20/02/2012 - 22:51

(Thanh tra)- Gần đây, nhiều mặt hàng thiết yếu như thuốc chữa bệnh, gas, sữa… được các doanh nghiệp (DN) và đại lý “lách luật” tăng giá cao phi lý, tác động xấu đến việc kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường giá cả, làm thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng, gây bất bình trong dư luận. Trong khi đó, các cơ quan chức năng, quản lý giá cả thị trường lại chưa có biện pháp hiệu quả.

Theo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), hiện nay các sản phẩm sữa Dielac, Alpha, Mama... của Vinamilk đã được điều chỉnh tăng giá thêm 6% so với giá trước đây. Hãng Abbott thông báo tăng giá sản phẩm thêm 7,4%. Cty Tiên Tiến, nhà phân phối chính thức sữa Mead Johnson tại Việt Nam cũng tăng giá các sản phẩm sữa Enfa A+ thêm 9%. Cty Friesland Campina Việt Nam, nhà sản xuất sữa thương hiệu Cô gái Hà Lan tăng thêm 5% với sữa nước và một số sản phẩm sữa đặc có đường...

Lý do tăng giá được các DN này giải thích, chủ yếu do giá của các loại nguyên vật liệu tăng từ 8 đến trên 20%; xăng, dầu tăng 36%, điện tăng 5%, trượt giá khiến lương trả cho cán bộ, công nhân viên tăng 11%. Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ đã tăng khoảng 13%, trong khi nguyên liệu chủ yếu vẫn nhập khẩu, gây áp lực lên giá thành sản phẩm. Theo Nghị định 170 của Chính phủ về quản lý giá sữa, nếu lý do tăng giá là hợp lý và giá tăng dưới 20% thì DN được quyền quyết định để bù đắp chi phí. Các cơ quan chức năng chỉ có quyền yêu cầu hạ giá sữa nếu giá tăng vượt quá 20%.

Tuy nhiên, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) cho biết, kể từ năm 2009, nhiều công ty kinh doanh sữa đã tăng giá thêm mỗi lần 5 - 7%/sản phẩm. Nhưng với tần suất dày đặc, từ 14 - 17 lần tăng, cộng dồn vào đủ khiến giá sữa ở Việt Nam hiện nay vào tốp những quốc gia có giá sữa cao nhất thế giới. Rõ ràng, với cách tăng như trên, các DN đã dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng mà không bị phạm luật. Và, lợi nhuận thu về từ túi tiền của người tiêu dùng là không nhỏ. Tương tự, nhiều mặt hàng thiết yếu khác, nhất là thuốc tân dược cũng đang được các DN áp dụng suốt thời gian dài. Hiện, giá nhiều mặt hàng thuốc ở nước ta quá cao so với giá thế giới.

2 tháng đầu năm 2012, giá gas đã tăng tổng cộng trên 70.000 đồng/bình 12kg. Cụ thể, trong tháng 1/2012, các DN tăng giá gas 2 lần tổng cộng 32.000 đồng. Đầu tháng 2/2012, các DN gas lớn cùng tăng giá với mức 42.000 đồng/bình 12 kg. Hiện, giá loại bình gas 12kg của Cty gas Ngọn lửa Thần là 440.000 đồng; của Cty Cổ phần gas Petrolimex - Chi nhánh Hà Nội là 441.600 đồng; Cty TNHH Một thành viên Khí hóa lỏng Hà Nội là 435.000 đồng; Tổng Cty Khí Việt Nam (PV gas) là 435.000 đồng…

Các công ty này giải thích, giá gas tăng, đặc biệt tăng đến 2 lần trong tháng 2/2012 là do giá thế giới tăng 145 USD/tấn, đạt 1.025 USD/tấn. Trong khi đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hầu hết các công ty đã nhập khẩu cách đây 4 - 5 tháng, giá thành mức chiết khấu cho các đại lý được hưởng quá cao (gấp 1,5 - 2 lần so với trước đây); ước tính mức lãi gộp các đại lý bán lẻ được hưởng từ 40.000 - 50.000 đồng/bình 12kg, có DN cho hưởng đến 60.000 đồng/bình 12kg, khiến giá gas tăng cao phi lý.

Việc liên tục chọn tăng giá cùng thời điểm với mức tăng xấp xỉ nhau, cho thấy có dấu hiệu DN “bắt tay” tăng giá. Bởi, nguồn gas nhập về của các đầu mối hiện nay khác nhau, ngoài lượng gas trong nước sản xuất được, có công ty nhập gas từ Trung Quốc, Malaysia, có công ty nhập từ các nước Ả Rập... với mức giá không thống nhất.

Lãnh đạo một công ty kinh doanh gas cho biết, nếu giá gas tăng hoặc giảm theo giá thế giới, các công ty gas sẽ có sự điều chỉnh giá bán khác nhau, không thể công bố cùng một mức tăng/giảm giá trong cùng thời điểm. Còn, các DN gas nhỏ trên thị trường luôn phải nhìn ngó các động thái của “ông lớn”, dẫn tới một khi DN lớn tăng giá thì DN nhỏ cũng phải tăng theo. Đó là chưa kể, khi đến tay các đại lý bán lẻ, giá gas còn tiếp tục bị đẩy lên.

Đại diện Cục Quản lý Giá thừa nhận, tình hình chất lượng và giá gas trên thị trường hiện nay khá lộn xộn, nhưng việc kiểm tra, xử lý các vi phạm không dễ. Cụ thể, Nghị định 107/NĐ-CP về chấn chỉnh hoạt động kinh doanh gas đã loại bỏ các DN kinh doanh gas nhỏ lẻ không đủ điều kiện. Nhưng việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường mới chỉ dừng ở các đại lý, công ty kinh doanh gas bán buôn, còn các cửa hàng bán lẻ tới tay người tiêu dùng chưa thể kiểm soát được. Bởi theo quy định, Nhà nước không bắt buộc các công ty phải đăng ký giá bán buôn và giá bán lẻ gây khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường xác định giá bán lẻ thế nào cho hợp lý. Nếu những bất cập này không được khắc phục sớm, quyền lợi của người tiêu dùng còn bị xâm hại, khó ổn định được thị trường giá cả.

Không tăng giá sữa khi yếu tố đầu vào không thay đổi

Hôm qua (20/2), Bộ Tài chính đã có Công văn 2080/BTC-QLG gửi Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện bình ổn giá sữa của các doanh nghiệp sữa trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Bộ Tài chính đề nghị, đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá theo quy định hiện hành và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa tại địa phương không điều chỉnh tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi.

Đối với sản phẩm sữa nước đã tăng giá trong thời gian vừa qua (từ 1/1/2012), Sở Tài chính kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp có văn bản báo cáo về việc tăng giá kèm theo giải trình chi tiết về tỷ lệ tăng giá, nguyên nhân tăng giá.

Trường hợp phát hiện vi phạm trong lĩnh vực giá thì xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định 84/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.
T.S

Hà Lê

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm