Chi trả đền bù “cá biệt”?

Các hộ dân cho biết, dự án đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 chạy qua địa bàn TP Tam Điệp được thực hiện sẽ đem lại lợi ích kinh tế cao cho địa phương. Các hộ dân rất đồng tình và mong muốn dự án sớm được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc đo đạc và kiểm đếm, tính toán đền bù khi thu hồi đất lại không hợp tình hợp lý, không phù hợp với các quy định của pháp luật đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các hộ dân.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1802/CĐ-TTg chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Theo công điện, về tổng thể tiến độ triển khai dự án còn chậm, trong đó công tác GPMB không đáp ứng tiến độ cam kết với Thủ tướng Chính phủ là bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý 2/2020. Tính đến hết tháng 11/2020, nhiều địa phương thực hiện công tác GPMB quá chậm, đạt dưới 90% như: Khánh Hòa (73%), Ninh Bình (79%), Hà Tĩnh (82,3%), Đồng Nai (85,7%), Nghệ An (87%).

Tiến độ xây dựng các khu tái định cư tại các địa phương chưa đảm bảo tiến độ yêu cầu, hiện nay chỉ đạt khoảng 53% khối lượng. Trong đó, một số địa phương thực hiện công tác này rất chậm, gồm: Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các hộ dân có đất bị thu hồi phục vụ dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đều làm nông. Nhiều hộ bị thu hồi 100% đất ở, đất sản xuất. Mất đất ở, mất đất sản xuất, người dân không biết phải làm gì để trang trải cuộc sống.

Các hộ dân đề nghị được tính toán bồi thường hợp lý, phù hợp các quy định của pháp luật, tránh gây thiệt thòi quá lớn khi bị thu hồi đất trong đó, đầu tiên phải nói đến là về phần giá đền bù đất ở khi thu hồi đất. Theo các hộ dân, cùng khu vực nhưng cơ quan chức năng lại áp giá không đều nhau về hệ số đền bù như tại đường 12B thì có giá đền bù hệ số 7,5; đường Lý Quốc Sư đền bù hệ số 7,14; các ngõ còn lại đền bù hệ số là 5,71; đường thôn Bãi Sải đền bù hệ số 10,9. Còn tại đường thôn Yên Lâm xã Yên Sơn lại có giá đền bù hệ số 14,28 tính theo giá đất ở, giá thu thuế đất ở…

Về đất vườn, ao liền kề trong cùng thửa đất, các hộ dân đề nghị theo khoản 6, Điều 103 Luật Đất đai năm 2013. Theo qui định này, diện tích đất liền kề khi các hộ dân được chuyển đổi sang đất ở, nhà nước thu tiền sử dụng đất bằng 50% giá trị đất ở. Trong quá trình sử dụng, những năm trước, nhiều hộ dân ở khu vực này đã đề nghị chuyển đổi mà chưa được giải quyết. Nay, 100% diện tích đất vườn, ao liền kề đất ở, nhà ở của các hộ dân tại phường Tân Bình, xã Vân Sơn, xã Quang Sơn bị thu hồi nhưng chỉ được đền bù 100 nghìn đồng/m2 gây thiệt thòi quá nhiều cho các hộ dân. Các hộ dân đề nghị được đền bù bằng 50% đất ở giống như các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam đã thực hiện đối với việc thu hồi đất cũng để thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam.

Ngoài ra, các hộ dân còn đề nghị việc tính đoán đền bù cây cối, nhà ở và vật kiến trúc trên đất phù hợp với tình hình thực tế, vì giá tính ở thời điểm năm 2020 mà chỉ bằng giá của năm 2015.

leftcenterrightdel

Văn bản số 1469 của Ban Tiếp công dân Trung ương. Ảnh: Nhóm PV 

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, tổ 7, phường Tân Bình cho biết, thực hiện dự án, gia đình bị thu hồi 1.307,2m2, trong đó có 56m2 đất ở. Theo dự toán bồi thường thì gia đình chỉ được nhận 100 nghìn đồng/m2 đất trồng cây lâu năm; 200 nghìn đồng/m2 hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; công trình kiến trúc, cây cối hoa màu và cây lâu năm trên đất với giá từ 1 đến 78 nghìn đồng/cây. 

Còn ông Phạm Văn Lương, xã Yên Sơn cho biết, tại phường Tân Bình và các xã Yên Sơn, Quang Sơn, để thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam, có rất nhiều hộ bị thu hồi 100% đất ở và đất vườn trong cùng thửa đất. Trong số đó, có nhiều hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, nghề nghiệp chính là làm nông. Không biết, mai đây người dân biết dựa vào gì để sống, khi giá đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất quá thấp.

Vì sao phát sinh đơn thư vượt cấp? 

Các hộ dân cùng cho rằng việc áp giá đền bù như vậy là quá thấp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các hộ dân. Cũng theo các hộ dân, từ tháng 8/2019, các hộ dân đã có nhiều đơn kiến nghị, khiếu nại gửi UBND TP Tam Điệp, nhưng không được UBND TP giải quyết.

“Cực chẳng đã, chúng tôi đành phải gửi đơn vượt cấp. Sau khi nhận được đơn của chúng tôi, Ban Tiếp Công dân Trung ương và Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình đã chuyển nội dung đơn và hướng dẫn chúng tôi liên hệ với UBND TP Tam Điệp để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật, nhưng đến nay UBND TP Tam Điệp vẫn không xem xét giải quyết làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các hộ dân chúng tôi” - ông Nguyễn Văn Bình, tổ 8, phường Tân Bình nói.

leftcenterrightdel

Văn bản số 91 của Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình. Ảnh: Nhóm PV

Để làm rõ những nội dung trên, ngày 17/12/2020, nhóm PV Báo Thanh tra đã đến trực tiếp UBND TP Tam Điệp để liên hệ làm việc. Tiếp nhóm PV Báo Thanh tra, ông Nguyễn Đức Công, Phó Chánh Văn phòng UBND cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo UBND TP Tam Điệp sắp xếp lịch làm việc. Tuy nhiên, từ đó đến nay, sau nhiều lần liên lạc, PV vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ Phó Chánh Văn phòng này cũng như lãnh đạo UBND TP Tam Điệp?

Vì sao UBND TP Tam Điệp không giải quyết đơn kiến nghị, khiếu nại của công dân theo quy định của pháp luật? Vì sao UBND TP Tam Điệp “phớt lờ” phiếu chuyển đơn của Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình?

Báo Thanh tra sẽ tiếp phản ánh!

Nhóm PV