Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư

Chánh Thanh tra tỉnh Hà Nam Lê Minh Đức cho biết, trong năm 2022, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết KNTC. Triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả các thông tư của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình nghiệp vụ về công tác thanh tra, TCD, giải quyết KNTC. 

Cùng với đó, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác TCD, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác TCD, giải quyết KNTC; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác TCD, giải quyết KNTC.

Các cơ quan thanh tra tham mưu hiệu quả cho thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các cấp thực hiện nghiêm túc trách nhiệm TCD, tăng cường đối thoại với công dân ngay tại cơ sở, nơi xảy ra vụ việc; giải quyết kịp thời KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân ngay từ khi mới phát sinh; quan tâm, dành thời gian cho công tác giải quyết KNTC; nắm chắc tình hình KNTC phát sinh trên địa bàn, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc thuộc thẩm quyền. 

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy đánh giá: Trong năm 2022, công tác TCD, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và đã có sự chuyển biến tích cực, các vụ việc mới phát sinh được giải quyết kịp thời, không để xảy ra phức tạp. Chất lượng giải quyết KNTC có chuyển biến tích cực cả về trình tự, thủ tục và nội dung; công tác phối hợp trong giải quyết KNTC có nhiều tiến bộ, nhất là đối với các vụ việc đông người, phức tạp; nhiều đơn vị đã thực hiện tốt việc đối thoại, giải thích và hòa giải để giải quyết dứt điểm vụ việc ngay từ cơ sở. Kết quả công tác giải quyết KNTC đã góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.    

Khi phát sinh vụ việc đông người, phức tạp, chủ tịch UBND các cấp đề cao trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt, trực tiếp đối thoại với công dân, kịp thời có biện pháp giải quyết, không để phát sinh thành “điểm nóng”, gây phức tạp về an ninh, trật tự. 

Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong thực hiện pháp luật về TCD, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC cũng được tăng cường, qua đó kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế.

KNTC phát sinh liên quan chủ yếu đến đất đai

Theo thống kê của UBND tỉnh Hà Nam, năm 2022, tình hình KNTC trên địa bàn tỉnh tăng so với năm 2021. Một số lĩnh vực, tình hình KNTC vẫn diễn biến phức tạp, như liên quan đến quản lý đất đai; bồi thường giải phóng mặt bằng; tái định cư, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là việc chia, tách hộ khẩu để trục lợi chính sách đền bù, tái định cư và chế độ, chính sách người có công...

Nguyên nhân do cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật còn bất cập, chưa đồng bộ, cá biệt có quy định còn chưa phù hợp thực tiễn đời sống xã hội, trong đó chủ yếu là các quy định về quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở… 

Trong khi đó, tỉnh Hà Nam đang trên đà phát triển, năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện thu hồi đất để phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, trong công tác giải phóng mặt bằng do nhân dân chưa nắm rõ chính sách, pháp luật về đất đai, về thu hồi đất… công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, liên tục nên nhân dân đã có những thắc mắc, khiếu kiện phát sinh đơn thư KNTC.

Nhiều địa phương chỉ chú trọng công tác thu hút đầu tư để giao đất cho doanh nghiệp, chưa quan tâm thoả đáng đến lợi ích của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. 

Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân đi KNTC còn hạn chế, mặc dù vụ việc đã được các cấp chính quyền xem xét giải quyết đúng quy định của pháp luật, nhưng người dân vẫn gửi đơn thư vượt cấp…

Thực hiện nghiêm TCD, giải quyết 95% đơn KNTC

Năm 2022, tại trụ sở TCD các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 4.322 lượt với 4.618 công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021. 

Cơ quan hành chính tiếp nhận 2.761 đơn thư các loại. Có 2.247 đơn đủ điều kiện xử lý. So với năm 2021, số đơn thư các loại tiếp nhận tăng 43%; đơn KN giảm 45%, đơn TC tăng 27%.

Trong số đơn đủ điều kiện xử lý, có 51 vụ việc KN, 36 vụ việc TC và 1.936 vụ việc kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước. So với năm 2021, số vụ việc KN thuộc thẩm quyền giảm 7%, số vụ việc TC thuộc thẩm quyền giảm 38%. 

Các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 83/87 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 95%. 

Qua giải quyết KNTC, đã kiến nghị xử lý hành chính 4 tổ chức, 4 cá nhân, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 632 triệu đồng, bảo vệ và trả lại quyền lợi cho cá nhân 224,2 triệu đồng.

Ngoài ra, các cấp, các ngành trong tỉnh đã giải quyết 1.728 vụ việc kiến nghị, phản ánh của công dân. 

Qua rà soát, trên địa bàn toàn tỉnh có 9 vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài phù hợp theo tiêu chí tại Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, có 3 vụ đã giải quyết xong, 2 vụ đang xem xét giải quyết, 4 vụ việc đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Cũng theo Chánh Thanh tra tỉnh Hà Nam, trong năm, Thanh tra tỉnh đã triển khai thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật TCD, Luật KN, Luật TC tại 17 đơn vị. Nhìn chung, việc chấp hành của các địa phương, đơn vị khá tốt; công tác tiếp nhận và giải quyết KNTC đã được quan tâm, giải quyết kịp thời. Đặc biệt, trong công tác hòa giải ở cơ sở, công tác tổ chức gặp gỡ, đối thoại, lãnh đạo các địa phương đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, xem xét vụ việc có lý, có tình nên đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc, góp phần hạn chế phát sinh đơn KNTC. Đồng thời, qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã chỉ ra những thiếu sót cần khắc phục, chấn chỉnh nhằm đưa công tác giải quyết đơn và TCD ngày càng đi vào nề nếp, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước.

Trần Kiên