Phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực chủ yếu qua tiếp công dân

Thực hiện Công văn số 1225/TTCP-CLKHTT ngày 22/7/2020 của Thanh tra Chính phủ về việc báo cáo tình hình giải quyết PA, KN và bảo vệ người PA, KN về tham nhũng, tiêu cực. Tại Báo cáo số 355/BC-UBND, ngày 27/8/2020 của UBND tỉnh Sơn La, giai đoạn từ 01/01/2015 đến 31/12/2019, toàn tỉnh đã tiếp nhận 663 đơn PA, KN về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức; trong đó, tiếp nhận qua tiếp công dân là 585 đơn, tiếp nhận bằng văn bản 72 đơn, 6 lượt tiếp nhận trực tiếp qua điện thoại.

Các PA, KN của cá nhân chủ yếu PA kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai như giải quyết chậm tiến độ; chưa đảm bảo quy trình, trình tự, thủ tục. Chủ yếu đơn PA, KN về hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ công chức đều được công dân lựa chọn hình thức là gửi đơn qua đường bưu điện; đơn nặc danh, mạo danh, không có chứng cứ, tài liệu gửi kèm, nội dung đơn trình bày không rõ ràng về hành vi tham nhũng, tiêu cực; đơn thường phát sinh trước hoặc trong thời điểm người bị PA, KN được thực hiện quy trình về công tác cán bộ như: bầu cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, chuyển đổi vị trí công tác…

Qua phân loại 663 đơn, có 50 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết, còn 613 đơn để lưu, theo dõi do đơn nội dung không rõ ràng, đơn trùng lặp gửi nhiều cấp, nhiều ngành.

Trong đó, có 10 đơn PA, KN đúng; 35 đơn PA, KN sai; 5 đơn PA, KN đúng một phần. Tỉnh đã ban hành 10 quyết định giải quyết PA, KN và đã thực hiện xong cả 10 PA, KN.

Thực tế cho thấy, một số PA, KN chậm được giải quyết; quy trình giải quyết không thống nhất, chất lượng giải quyết một số vụ việc còn hạn chế, chưa thỏa đáng dẫn đến gia tăng khiếu nại, tố cáo.

Chưa có quy định cụ thể về Quy trình giải quyết đơn PA, KN; chưa quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, thời hạn giải quyết, chế tài xử lý trách nhiệm đối với những người có liên quan trong giải quyết KN, PA.

Trong quá trình tổ chức thực hiện tiếp nhận, xử lý, giải quyết KN, PA liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức tại địa phương còn gặp khó khăn đối với việc người viết đơn KN, PA không thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm của người viết đơn như không ký đơn hoặc ký nặc danh; phần lớn các nội dung KN, PA không cụ thể, không rõ hành vi hoặc dấu hiệu của hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, không có tài liệu, chứng cứ để làm cơ sở xem xét thụ lý, giải quyết theo quy định.

Không có trường hợp người PA, KN tham nhũng yêu cầu được bảo vệ

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, trong giai đoạn từ 2015 – 2019, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp người PA, KN, tố giác tham nhũng, tiêu cực nào yêu cầu được bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

Tuy nhiên, thực tế UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố; các sở, ngành thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ người KN, PA, tố cáo như:

Thực hiện nghiêm việc quán triệt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người PA, KN tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức như Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị…

Công khai số điện thoại đường dây nóng của Chủ tịch UBND huyện, thành phố, Giám đốc các sở, ban, ngành để tiếp nhận thông tin. Thiết lập các hòm thư góp ý của nhân dân tại các khu vực thường xuyên tiếp đón nhân dân đến giao dịch. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các sở, ban ngành tuyệt đối giữ bí mật họ tên, địa chỉ và các thông tin của người PA, KN trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người PA, KN cung cấp; quản lý theo chế độ mật khi giao cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh; bố trí thời gian, địa điểm, lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người PA, KN khi làm việc trực tiếp với người bị PA, KN, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Mặc dù vậy, thực tế thời gian qua cho thấy địa phương này vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc trong bảo vệ người PA, KN về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức. Cụ thể:

Do Hình thức PA, KN hành vi tham nhũng, tiêu cực đa dạng hơn tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật khác, bao gồm cả KN, PA qua điện thoại và qua cổng thông tin điện tử. Việc gửi thông tin qua mạng, hộp thư điện tử không phải là là hình thức có tính bảo mật cao, người KN, PA có thể gửi dữ liệu đến nhiều nơi, kể cả những nơi không có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết. Quá trình giải quyết được tiếp nhận và xử lý bởi nhiều cơ quan, đơn vị với sự tham gia của nhiều cán bộ, công chức qua nhiều bước trình tự, thủ tục, vì vậy việc bảo mật nội dung KN và thông tin về người KN, PA gặp nhiều khó khăn.

Trong quy định của Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng và văn bản hướng dẫn chưa cụ thể hóa quy trình thời gian phối hợp, xác minh yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo, KN, PA. Điều đó dẫn đến kéo dài thời gian xác minh, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm của người KN, PA và người thân của họ.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ người PA, KN về tham nhũng, tiêu cực vẫn còn hạn chế; vì vậy, còn tình trạng công dân chưa biết được những quyền lợi và được bảo vệ khi PA, KN về tham nhũng, tiêu cực.

Kiến nghị xác đáng

Từ thực tế tại địa phương, UBND tỉnh Sơn La cũng đưa ra 5 đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý, giải quyết PA, KN về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức như:

Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết và bảo vệ người PA, KN về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức.

Thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết PA, KN hành vi tham nhũng.

Công khai kết quả xử lý, giải quyết nội dung PA, KN hành vi tham nhũng.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra công vụ trong việc thi hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở…

Đồng thời, tỉnh Sơn La cũng đưa ra 7 đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả bảo vệ người PA, KN về tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức như:

Nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu trong việc bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng.

Tiếp tục tăng cường phổ biến Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng.

Quán triệt các cấp chính quyền thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người PA, KN hành vi tham nhũng.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để kịp thời các cơ quan chức năng, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao về bảo vệ người tố cáo, PA, KN hành vi tham nhũng.

Tăng cường công tác bảo vệ người PA, KN hành vi tham nhũng.

Tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng nhằm nâng cao hiệu quả và khắc phục những yếu kém trong bảo vệ người PA, KN hành vi tham nhũng.

Tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, không để sảy ra các hành vi trả thù, trù dập và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức có hành vi trả thù, trù dập người PA, KN hành vi tham nhũng…

Trần Kiên