Điều 26. Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị KN

1. Trong quá trình giải quyết KN, nếu xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị KN sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết KN ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị KN. Thời hạn tạm đình chỉ không vượt quá thời gian còn lại của thời hạn giải quyết KN. Quyết định tạm đình chỉ thực hiện theo Mẫu số 11 ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Khi xét thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì người giải quyết KN phải ra quyết định hủy bỏ ngay quyết định tạm đình chỉ. Quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ thực hiện theo Mẫu số 12 ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 27. Báo cáo kết quả xác minh nội dung KN

1. Người được giao nhiệm vụ xác minh phải báo cáo trung thực, khách quan kết quả xác minh nội dung KN bằng văn bản với người giải quyết KN.  

2. Báo cáo kết quả xác minh nội dung KN gồm các nội dung được quy định tại khoản 4 Điều 29 của Luật KN. Trong báo cáo phải thể hiện rõ thông tin về người KN, người bị KN, quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị KN, yêu cầu của người KN, căn cứ để KN; kết quả giải quyết KN trước đó (nếu có); kết quả xác minh đối với từng nội dung được giao xác minh; kết luận nội dung KN được giao xác minh là đúng toàn bộ, sai toàn bộ hoặc đúng một phần; kiến nghị giữ nguyên, hủy bỏ toàn bộ hoặc sửa đổi, bổ sung một phần quyết định hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị KN; kiến nghị về việc ban hành quyết định giải quyết KN.

Báo cáo kết quả xác minh thực hiện theo Mẫu số 13 ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 28. Tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết KN lần hai

1. Trong quá trình giải quyết KN lần hai, người giải quyết KN phải tổ chức đối thoại.

a) Người giải quyết KN lần hai là Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc sở hoặc tương đương phải trực tiếp đối thoại với người KN.

b) Người giải quyết KN lần hai là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp đối thoại trong trường hợp KN phức tạp (có nhiều người cùng KN về một nội dung, có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền về biện pháp giải quyết, người KN có thái độ gay gắt, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội).

Đối với các trường hợp khác, người giải quyết KN có thể phân công cấp phó của mình hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ xác minh đối thoại với người KN. Trong quá trình đối thoại, người được phân công phải kịp thời báo cáo với người giải quyết KN về những nội dung phức tạp, vượt quá thẩm quyền; kết thúc đối thoại phải báo cáo với người giải quyết KN về kết quả đối thoại và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo.

2. Người chủ trì đối thoại phải tiến hành đối thoại trực tiếp với người KN, người bị KN và người có quyền, lợi ích liên quan. Người chủ trì đối thoại khi đối thoại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung KN; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, bổ sung thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến KN và yêu cầu của mình. Người chủ trì đối thoại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới người tham gia đối thoại gồm người KN, người đại diện (trường hợp nhiều người cùng KN về một nội dung) người bị KN, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan về thời gian, địa điểm, nội dung đối thoại.

3. Việc đối thoại được lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham gia (ghi rõ người dự và người vắng mặt; trường hợp người KN không tham gia đối thoại thì ghi rõ có lý do hoặc không có lý do), nội dung, ý kiến của những người tham gia, những nội dung đã được thống nhất, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và có chữ ký của các bên. Biên bản được lập thành ít nhất ba bản, mỗi bên giữ một bản. Biên bản đối thoại được thực hiện theo Mẫu số 14 ban hành kèm theo Nghị định này.

(Còn nữa)

Kim Thanh