Chiều ngày 23/11, tiếp tục chương trình làm việc phiên thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện tháng 9, tháng 10 của Quốc hội.

Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, qua nắm theo dõi, nắm tình hình, Ban Dân nguyện thấy tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội tuy gần đây có chiều hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, tạo thành “điểm nóng” sau khi dịch bệnh COVID -19 được kiểm soát và các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng ở một số địa phương.

Khiếu kiện của người dân liên quan đến lĩnh vực môi trường, nhất là các khu vực, địa điểm xử lý rác thải, khu vực chăn nuôi có quy mô lớn của doanh nghiệp, hộ gia đình; việc thực hiện Dự án Công viên Vĩnh Hằng… diễn ra ở nhiều địa phương và tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự, đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân trong khu vực cần có giải pháp căn cơ, phù hợp, đồng bộ và kịp thời trong thời gian tới.

Đáng lưu ý, thời gian gần đây, một số dự án điện gió do áp lực đóng điện trước ngày 31/10/2021 để hưởng cơ chế ưu đãi theo Quyết định 39 của Chính phủ nên nhiều dự án dù đã đóng điện, vận hành thương mại nhưng chưa thực hiện đầy đủ thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng nên dẫn đến khiếu kiện phức tạp về đất đai.

“Theo báo cáo của Bộ Công an, đã xuất hiện một số vụ việc va chạm giữa người dân và đơn vị thi công dự án, có trường hợp nhiều người bị thương tích nghiêm trọng, hiện cơ quan công an đang thực hiện giám định thương tích để xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Bình nêu.

Từ đó, Ban Dân nguyện đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp chặt chẽ với thường trực HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến lĩnh vực môi trường, việc thực hiện thu hồi, đền bù, giải phóng mặt mặt bằng đối với dự án điện gió còn vướng mắc để, có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc, không để phát sinh thành điểm nóng phức tạp về an ninh, trật tự xã hội.

Rà soát 74 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp

Theo ông Bình, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 1910 về việc tổ chức rà soát đối với 74 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tại các cơ quan Trung ương.

“Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan ở Trung ương và cấp ủy chính quyền địa phương để rà soát, có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc”, ông Bình thông tin.

Ngoài ra, trong kỳ báo cáo, các cơ quan của Quốc hội đã nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan hữu quan xem xét việc giải quyết đối với 4 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc nổi cộm, tồn đọng, phức tạp, kéo dài cả về lĩnh vực hành chính và tư pháp để phối hợp, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc. 

Hương Giang