Mất nhà vì thiếu hiểu biết pháp luật

Ông Quang cho biết, năm 2008, ông có cho vợ chồng ông Đỗ Văn Chinh, trú tại thôn 2 xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng mượn bìa đỏ. Vì không hiểu biết pháp luật nên vợ chồng ông đã ký một số giấy tờ theo hướng dẫn của vợ chồng ông Chinh và chị Lý - cán bộ ngân hàng mà không đọc nội dung. Sau này ông mới biết đó là các hợp đồng vay tiền và hợp đồng thế chấp tài sản. Tiền bạc vay mượn giữa vợ chồng ông Chinh với ngân hàng bao nhiêu, giao nhận như thế nào, ông hoàn toàn không biết.

Cũng theo ông Quang, năm 2010, gia đình ông có yêu cầu vợ chồng ông Chinh phải trả bìa đỏ, sau nhiều lần yêu cầu thì vợ chồng ông Chinh có nói sẽ lấy bìa đỏ từ ngân hàng về cho gia đình ông và nói vợ chồng ông phải ký một số giấy tờ mới lấy lại được bìa đỏ.

"Khoảng cuối năm 2010, vợ chồng ông Chinh có dẫn chị Lý là cán bộ ngân hàng đến nhà tôi vào buổi tối. Lúc này chị Lý có cầm một tập hồ sơ và lật từng trang bảo tôi ký vào những chỗ đã được đánh dấu. Vì không hiểu biết pháp luật cũng như tin tưởng vợ chồng ông Chinh nên vợ chồng tôi đã ký theo chỉ dẫn của chị Lý cán bộ ngân hàng mà không kịp đọc hay xem các liệu đó", ông Quang cho biết.

Sau một thời gian, không thấy được trả lại bìa đỏ nên ông Quang có hỏi vợ chồng ông Chinh thì mới biết rằng bìa đỏ đã bị thế chấp để vay một khoản tiền 300 triệu đồng trong khi gia đình ông hoàn toàn không được nhận tiền cũng như được sử dụng những đồng tiền đó. Tiền bạc bàn giao như thế nào, thời điểm nào cũng không hay biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2018, TAND huyện Vĩnh Bảo triệu tập ông Bùi Văn Quang với tư cách là bị đơn trong Vụ án dân sự số 15/2018/TLST-DS ngày 6/3/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là ngân hàng khởi kiện yêu cầu phải trả số nợ gốc và lãi phát sinh cho khoản vay 300 triệu đồng.

Tại bản án sơ thẩm, TAND huyện Vĩnh Bảo tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, buộc gia đình ông Quang phải trả cho Ngân hàng số tiền nợ gốc và lãi là 831,250 triệu đồng. Nếu ông Quang không trả được hoặc trả không đầy đủ số nợ thì sẽ phát mại toàn bộ tài sản thế chấp là quyền sử dụng 705m2 đất và toàn bộ tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 69, 70A tờ bản đồ số 30 tọa lạc tại thôn Dương Tiền, xã Trấn Dương huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 389384 do UBND huyện Vĩnh Bảo cấp ngày 28/12/2010 để thu hồi nợ cho Ngân hàng.

Những điểm mờ cần làm rõ

Không đồng ý với phán quyết này, gia đình ông Quang kháng cáo đến TAND TP Hải Phòng. Tuy nhiên, không được TAND TP Hải Phòng chấp nhận. Gia đình ông tiếp tục đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét theo trình tự giám đốc thẩm đối với bản án dân sự nói trên vì toàn bộ quá trình xét xử có nhiều dấu hiệu bất thường.

Hồ sơ vụ án cũng như diễn biến tại phiên tòa đã làm rõ ra việc hồ sơ vay mượn và thế chấp đứng tên ông là bên vay tài sản và thế chấp đảm bảo có sự gian dối, không trung thực và có việc giả mạo chữ ký để hợp thức hóa hồ sơ, hợp đồng thế chấp vi phạm các quy định của pháp luật.

Nhưng, tòa án cấp sơ thẩm và cả phúc thẩm đã bỏ qua các vi phạm pháp luật của cán bộ ngân hàng, bảo vệ cho cái sai, cái vi phạm pháp luật, xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông.

Luật sư Bùi Thị Thùy Linh, Văn phòng Luật sư Lam Sơn, Đoàn Luật sư TP Hải Phòng cho biết, hồ sơ ngân hàng - chi nhánh Nam Am Hải Phòng cung cấp có: Hợp đồng vay tiền số 2118 - 061962710 ngày 30/12/2010; Biên bản giao, nhận tài sản đảm bảo tiền vay ngày 29/12/2010; Phiếu nhập kho ngày 29/12/2010; Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất ngày 28/12/2010; Hợp đồng thế chấp ngày 28/12/2010. Hồ sơ này có nhiều nội dung bất nhất, mâu thuẫn thể hiện sự gian dối của phía Ngân hàng chứng tỏ sự hợp thức hóa hồ sơ như sau:

Thứ nhất, hợp đồng thế chấp là hợp đồng phát sinh theo hợp đồng vay tiền, tuy nhiên trong vụ việc này hợp đồng vay tiền ngày 30/12/2010 mà hợp đồng thế chấp lại là ngày 28/12/2010, tức là có trước 02 ngày. Không những thế trong hợp đồng vay tiền thể hiện hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo cho khoản vay lại là hợp đồng số 89 lập ngày 29/12/2010 chứ không phải là hợp đồng số 97 ngày 28/12/2010.

Thứ hai, Biên bản giao nhận tài sản đảm bảo tiền vay là biên bản do phía ngân hàng tự lập khống và tự ký để hợp thức hóa hồ sơ. Vì chữ ký và chữ viết Bùi Văn Quang trong biên bản này là giả mạo đã được chứng minh trong kết luận giám định số 92/KLGĐ ngày 28/9/2018 của Phòng kĩ thuật hình sự Công an TP Hải Phòng.

Thứ ba, Phiếu nhập kho ngày 29/12/2010 cũng là hồ sơ do phía Ngân hàng tự lập khống để hợp thức hóa hồ sơ. Bởi vì theo theo Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp ngày 28/12/2010 thể hiện Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất chứng nhận việc thế chấp vào ngày 31/12/2010, mà người nộp hồ sơ là bà Mai ông Quang thì nếu nhập kho Ngân hàng ngày 29/12/2010 thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không thể xác nhận vào ngày 31/12/2010. Điều này chứng tỏ Phiếu nhập kho là lập khống chứ hoàn toàn không có thật.

Thứ tư, Hợp đồng thế chấp số 97 ngày 28/12/2010 là hợp đồng vô hiệu vi phạm về hình thức và nội dung. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 1, khoản 3, Điều 342, Điều 715 Bộ luật dân sự thì “thế chấp tài sản là việc một bên sau đây gọi là bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia sau đây gọi là bên nhận thế chấp và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp... Việc thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại Điều 715 đến điều 721 Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Theo quy định này thì tài sản thế chấp phải thuộc sở hữu của mình, tuy nhiên đối với gia đình ông Quang thì diện tích 705m2 đất tại thôn Dương Tiền, xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng là tài sản, di sản của bố mẹ ông, là ông Bùi Văn Thiếu để lại, chứ không phải tài sản của vợ chồng ông Quang. Hiện nay, các chị của ông Quang đã có đơn yêu cầu TAND TP Hải Phòng chia thừa kế, hủy giấy chứng nhận đứng tên ông Quang, hủy hợp đồng thế chấp tài sản số 97 ngày 28/12/2010. Như vậy có thể khẳng định rằng nội dung trong hợp đồng thế chấp số 97 vi phạm quy định tại Điều 342, Điều 715 Bộ luật Dân sự 2005.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 343  và Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 167 Luật đất đai năm 2003 thì Hợp đồng thế chấp số 97 vô hiệu về hình thức. Theo các quy định trên thì hợp đồng thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực và đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên hợp đồng thế chấp số 97 ngày 28/12/2010 vi phạm các quy định tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực cụ thể vi phạm Điều 10, Điều 11, Điều 13, khoản 2 Điều 14, Điều 41, Điều 43, Khoản 2 Điều 58, Điều 59, Điều 61 Nghị định số 75 kể trên.

Một điểm bất thường khác là trong hợp đồng thế chấp số 97 thể hiện việc ký kết đã diễn ra tại Ngân hàng - Chi nhánh Nam Am nhưng thực tế thì việc ký kết này diễn ra tại gia đình ông Quang, do ông Quang bị lừa ký vào tờ cuối cùng. Mà theo quy định của pháp luật thì hợp đồng thế chấp tài sản phải được các bên ký trước mặt người chứng thực và ký vào từng trang của hợp đồng.

Cũng theo luật sư Bùi Thị Thùy Linh, vì không ngay thẳng trong việc vay tài sản nên cán bộ Ngân hàng mới phải tự đi xin dấu, không có lời chứng của Người có thẩm quyền về việc chứng thực, không có chữ ký của người chứng thực và các bên vào từng trang vi phạm các quy định tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP của Chính phủ về chứng thực. Do vậy đối với Hợp đồng thế chấp số 97 ngày 28/12/2010 không đảm bảo về việc chứng thực.

Lê Phương