Qua xem xét nội dung khiếu nại và kết quả kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ vụ việc; kết quả đối thoại với đại diện Công ty Cổ phần (CTCP) Dầu thực vật Bình Định; đối chiếu quy định của pháp luật đối với nội dung khiếu nại của CTCP Dầu thực vật Bình Định, cho thấy, CTCP Dầu thực vật Bình Định là doanh nghiệp (DN) được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa DN Nhà nước - Công ty Dầu thực vật Bình Định thuộc Bộ Công nghiệp theo Quyết định số 94/1999/QĐ-TTg ngày 06/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Thời điểm xác định giá trị DN thực hiện cổ phần hóa là ngày 01/7/1999.

Theo bản sao các tài liệu do CTCP Dầu thực vật Bình Định cung cấp, trước khi thực hiện cổ phần hóa, có đầu tư xây dựng công trình Kho Quy Nhơn. Đơn vị lập bảng tổng hợp giá trị công trình tại thời điểm ngày 01/6/1993 là 1.973.482.722 đồng. Trong tổng giá trị của công trình có các hạng mục san ủi mặt bằng, đền bù hoa màu, nhà cửa, di chuyển mồ mả không kèm theo các hồ sơ, chứng từ theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 7 Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND ngày 07/7/2015 của UBND tỉnh. Do đó, bảng tổng hợp giá trị công trình do CTCP Dầu thực vật Bình Định cung cấp không phải là chứng từ thanh toán hoặc quyết toán để chứng minh công ty có đầu tư vào đất tại vị trí khu đất Nhà nước thu hồi.

Theo nội dung nêu tại Văn bản số 39/DTV ngày 14/5/2019 của CTCP Dầu thực vật Bình Định về việc cung cấp tài liệu lần thứ 3 cho các cơ quan chức năng của tỉnh thì chi phí đầu tư công trình đã hạch toán vào tài sản cố định và được đưa vào giá trị DN thực hiện cổ phần hóa (vì không nằm trong danh mục tài sản loại trừ không tính vào giá trị DN thực hiện cổ phần hóa) chứ không phải là chi phí đầu tư vào đất chưa phân bổ hết khi thực hiện cổ phần hóa.

Qua nghiên cứu bản sao các tài liệu do công ty cung cấp cho thấy công ty không cung cấp được các hồ sơ, chứng từ chứng minh có đầu tư vào đất theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 7 Quyết định số 13/2015 của UBND tỉnh, cụ thể: Không có văn bản, hợp đồng thuê, khoán san lấp mặt bằng, tôn tạo đất đối với đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê, cải tạo đất, chống xói mòn, chống xâm thực, xây dựng, gia cố nền đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh. Không có văn bản thanh lý hợp đồng; hóa đơn, chứng từ thanh toán đối với từng khoản chi phí đã đầu tư vào đất. Không có văn bản, hợp đồng khác có liên quan đến việc đầu tư vào đất được xác lập tại thời điểm đầu tư.

Việc CTCP Dầu thực vật Bình Định khiếu nại yêu cầu tính bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại cho công ty theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 (có hồ sơ, chứng từ) và Khoản 4, Điều 17 (20% giá đất phi nông nghiệp) Quyết định số 13/2015 của UBND tỉnh là không có cơ sở xem xét, giải quyết vì: CTCP Dầu thực vật Bình Định không có hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất. Do đó, không có cơ sở để tính bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại quy định tại Điều 7 Quyết định số 13/2015 của UBND tỉnh và CTCP Dầu thực vật Bình Định không thuộc đối tượng được bồi thường theo quy định tại Khoản 4, Điều 17 Quyết định số 13/2015.

Việc CTCP Dầu thực vật Bình Định khiếu nại cho rằng có hồ sơ đảm bảo theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Quyết định số 13/2015 là không đúng; vì: CTCP Dầu thực vật Bình Định không có hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất; không có hồ sơ, chứng từ chứng minh đến thời điểm thu hồi đất công ty chưa thu hồi hết chi phí đầu tư vào đất theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ: “Chi phí đầu tư vào đất còn lại là các chi phí mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất nhưng đến thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất còn chưa thu hồi hết…”.

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 47/2014: “… Trường hợp chi phí đầu tư vào đất còn lại không có hồ sơ, chứng từ chứng minh thì UBND tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại”. Quyết định số 13/2015 và Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 14/02/2019 của UBND tỉnh (thay thế Quyết định số 13/2015) quy định về trường hợp chi phí đầu tư vào đất còn lại không có hồ sơ, chứng từ chứng minh thì không được bồi thường và UBND tỉnh đã tính hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất còn lại cho CTCP Dầu thực vật Bình Định là chưa phù hợp với Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Do đó, UBND tỉnh đã sửa đổi, bổ sung quy định việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại tại Quyết định số 58/2019/QĐ-UBND ngày 09/12/2019. Việc tính toán bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại cho CTCP Dầu thực vật Bình Định được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 58/2019 là đúng theo Điểm a, Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 47/2014; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 81/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá trị bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại cho CTCP Dầu thực vật Bình Định (áp dụng theo Quyết định số 58/2019) với số tiền 1.559.175.000 đồng. Quyết định này điều chỉnh, thay thế Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 của UBND tỉnh đã phê duyệt giá trị hỗ trợ cho CTCP Dầu thực vật Bình Định.

Căn cứ các quy định nêu trên, việc CTCP Dầu thực vật Bình Định khiếu nại yêu cầu tính bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại cho công ty: 3.400.000 đồng x 60% x 20% x 20.789m2 x 48/70 = 5.816.168.000 đồng là không có cơ sở xem xét, giải quyết.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 399/STNMT-TTRA ngày 27/02/2020 và Văn bản số 739/STNMT-TTRA ngày 31/3/2020; theo Thông báo số 40/TB-UBND ngày 11/3/2020 của UBND tỉnh; từ những nhận định và căn cứ trên; ngày 07/04/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thăng đã ký văn bản không công nhận nội dung đơn khiếu nại của CTCP Dầu thực vật Bình Định, số 183 đường Tăng Bạt Hổ, thành phố Quy Nhơn; giữ nguyên Quyết định số 81/QĐ-UBND ngày 08/01/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt giá trị bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại cho CTCP Dầu thực vật Bình Định.

Huyền Trịnh