Trở lại hồ sơ vụ việc, bà Phạm Thị Lộc khiếu nại về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Lê Tự Triết ở 2 cấp: UBND thị xã Hương Trà, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế. UBND thị xã Hương Trà đã không công nhận khiếu nại của bà Lộc. Bà Lộc tiếp tục khiếu nại lên UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho ông Lê Tự Triết.

Cùng thời gian bà Lộc khiếu nại để đòi quyền lợi của mình, ông Lê Tự Thành có đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Hương Trà vụ án “Tranh chấp đất đai, tài sản trên đất và bồi thường thiệt hại”. TAND có văn bản áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng tài sản trên đất trong đó có tài sản cây cối trên thửa đất đang khiếu nại.

Ghi nhận nguyện vọng của bà Phạm Thị Lộc là được thực hiện theo Biên bản hòa giải ngày 30/10/2014, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự xã hội, hài hòa lợi ích của người dân... UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã giao Sở Tài nguyên và môi trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp, tiếp tục hòa giải. Tuy nhiên, việc hòa giải bất thành.

Do vậy, dù ghi nhận công sức của bà Lộc trong việc sử dụng, canh tác, khai thác rừng nhưng UBND tỉnh vẫn không công nhận khiếu nại của bà Lộc. Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng nêu rõ, trong thời hạn pháp luật qui định kể từ ngày nhận được quyết định, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của Chủ tịch UBND tỉnh, bà Lộc có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại TAND tỉnh Thừa Thiên Huế.

leftcenterrightdel
Ngôi nhà gia đình Lộc gánh cát ở khe suối lên để đúc bờ lô, xây dựng nên. Ảnh: PV 

Ngày 8/6/2020, bà Phạm Thị Lộc đã có đơn khởi kiện đến TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế. Người bị kiện gồm: UBND thị xã Hương Trà, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế; ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà và ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện gồm: GCNQSDĐ số CC 140053 do UBND thị xã Hương Trà cấp ngày 6/10/2015 cho ông Lê Tự Triết; GCNQSDĐ số CC 140052 do UBND thị xã Hương Trà cấp ngày 6/10/2015 cho ông Lê Tự Triết; Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 977/QĐ-UBND ngày 16/9/2019 của Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà và Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai số 1235/QĐ-UBND ngày 25/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Luật sư Lê Thị Kim Ánh, Hãng Luật INCIP - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, rà soát toàn bộ hồ sơ vụ việc cho thấy, việc công nhận quyền sử dụng đất cho bà Lộc là hoàn toàn đúng pháp luật, có đầy đủ cơ sở. UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cần xem xét, chỉ đạo UBND thị xã Hương Trà thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho ông Lê Tự Triết bởi các lý do:

Thứ nhất, việc bà Lộc sử dụng, trồng rừng, khai hoang đất rừng từ những năm 1995 là một thực tế, không thể phủ nhận. Năm 2009, Nhà nước đắp đập hồ khe ngang, thu hồi một phần diện tích đất rừng nên được bồi thường, bà Lộc và ông Triết đã thỏa thuận theo Văn bản thỏa thuận lập ngày 08/7/2009 được UBND xã Hương Hồ chứng thực với nội dung: Bà Phạm Thị Lộc nhận tiền bồi thường tài sản trên đất đã khai hoang và cây trồng năm 2004 và năm 2006, tổng diện tích là 40.391m2; ông Lê Tự Triết nhận bồi thường diện tích cây trồng năm 2007 và hồ cá, tổng diện tích là 18.445m2.

Thứ hai, về mặt hồ sơ, UBND thị xã Hương Trà đang căn cứ vào đơn xin giao rừng của 3 cá nhân, do ông Triết, ông Thành và ông Thưởng cung cấp, phía chính quyền và các cơ quan chức năng không có hồ sơ lưu trữ. Cần phải rà soát lại toàn bộ hồ sơ quản lý nhà nước về việc này.

Hơn nữa, đơn xin giao rừng là của 3 người và cũng chỉ có 6ha rừng, không phải diện tích 188.064m2 đất tại thôn Chầm xã Hương Hồ như đơn đề ngày 20/6/2011 của ông Lê Tự Triết, cũng không phải diện tích 176.122m2 trên hiện trạng năm 2012 như đo vẽ của cơ quan chức năng, càng không phải như xác nhận của Hội đồng đăng ký đất đai xã Hương Hồ “sử dụng từ 1994 - 1995, có thu hồi 28.867m2 do dự án Tây Nam Hương Trà, đề nghị UBND thị xã Hương Trà cấp GCNQSDĐ cho ông Triết với diện tích 161.686m2, nguồn gốc sử dụng do UBND xã Hương Hồ đề nghị giao 6 ha và tự khai hoang trồng rừng; không tranh chấp, phù hợp với qui hoạch”.

Cần phải khẳng định rằng, nếu đơn xin giao đất là tài liệu chuẩn thì năm 1994, ông Triết, ông Thành, ông Thưởng chỉ được giao 6ha rừng. Do vậy, việc cấp GCNQSDĐ cho 1 mình ông Lê Tự Triết ở thời điểm năm 2014 với diện tích 161.686m2 căn cứ vào đơn xin giao rừng của 3 ông năm 1994 nói trên là không phù hợp, cần phải hủy bỏ. Đó là còn chưa kể, khi thuê đất rừng 50 năm để sản xuất và canh tác, ông Lê Tự Triết đã... gần 90 tuổi.

Mặt khác, đất không thể “nở ra” gấp 3 lần vì cả 3 ông này đều không thực hiện khai khẩn đất và trồng rừng. Toàn bộ công sức khai hoang, trồng rừng đó là của bà Phạm Thị Lộc. Toàn bộ cây cối và tài sản trên đất cũng do bà Lộc tạo dựng. Do vậy, việc UBND thị xã Hương Trà cấp đổi GCNQSDĐ cho ông Triết xác định: Loại rừng keo, nguồn gốc tạo lập là rừng trồng, hình thức sở hữu riêng là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Phạm Thị Lộc.

Chưa kể, thủ tục cấp GCNQSDĐ cho ông Lê Tự Triết là không đúng quy định pháp luật trong khi gia đình bà Lộc vẫn đang trực tiếp sử dụng và tồn tại tài sản của gia đình bà trên đất. Khi UBND thị xã Hương Trà cho ông Lê Tự Triết thuê đất trả tiền hàng năm mà bà Lộc vẫn đang sử dụng ổn định thì UBND thị xã Hương Trà phải thực hiện thu hồi đất theo quy định chứ không được cấp GCNQSDĐ chồng lấn lên diện tích gia đình bà Lộc đang sử dụng.

Cũng theo luật sư Lê Thị Kim Ánh, phần diện tích đất đang tranh chấp do gia đình bà Lộc khai hoang, phát rừng trồng cây đổ biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu mới được như thành quả hiện tại. Việc bà Lộc khởi kiện yêu cầu hủy các quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hủy GCSQSDĐ đã cấp cho ông Lê Tự Triết theo trình tự cần được TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế sớm thụ lý, đưa ra xét xử thấu tình đạt lý.

Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vụ việc.   

 

Nhóm PV