Ngang nhiên xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp

Theo đơn thư phản ánh của người dân gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh và Trung ương, dọc theo Quốc lộ 1A (đoạn qua địa bàn thôn Diêm 1, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương), dễ dàng nhận thấy một khu đất rộng gần 900m2,  trong đó có công trình nhà ở cao tầng, bao quanh là khuôn viên sân vườn, trồng cây, còn có nhà thờ trái phép trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi.

Phóng viên Báo Thanh tra có mặt ở hiện trường “mục sở thị” khu đất này, toàn bộ diện tích đất được gia chủ quy hoạch khá bài bản, xây nhà ở 2 tầng khang trang. Trong khu đất còn xây dựng một công trình trái phép trên đất hai lúa nằm ngay hông phía trước mặt ngôi nhà 2 tầng.

Theo bản đồ địa chính xã Quảng Chính năm 1994, thửa đất có tổng diện tích 862m2 là đất lúa (đất nông nghiệp) thuộc thửa số 94, tờ bản đồ số 01. Nguồn gốc đất lúa này là gia đình ông bà Nguyễn Văn Công, Mai Thị Toán, thôn Diêm 1, xã Quảng Chính nhận quyền sử dụng đất do chuyển nhượng sử dụng đất lúa. Năm 2016, gia đình ông Nguyễn Văn Công, bà Mai Thị Toán đã làm đơn gửi UBND huyện Quảng Xương xin chuyển đổi mục đích sử dụng 250m2 từ đất lúa sang đất ở và 612m2 đất cây lâm nghiệp.

Sau khi nhận được đơn của gia đình ông Công, bà Toán, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đã có biên bản kiểm tra thực địa khu đất rồi làm hồ sơ, thủ tục trình ông Nguyễn Đình Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương ký đồng ý cho phép chuyển đổi 250m2 đất lúa sang đất ở và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, còn 612m2 đất trồng lúa, huyện Quảng Xương không cho chuyển đổi, nhưng hộ này vẫn tự ý san lấp xây dựng nhà thờ, tường rào bao quanh...

Cần kiểm tra để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật

Sau sự việc này, nhiều ý kiến của người dân địa phương cho rằng, việc UBND huyện Quảng Xương cho phép hộ gia đình ông Công, bà  Toán chuyển đổi từ đất lúa sang đất nông nghiệp có nhiều “khuất tất” nên đặt ra nhiều câu hỏi. Thứ nhất, khu vực đất lúa này chưa được HĐND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch đất ở nên việc cho chuyển đổi là sai?. Thứ hai, nếu khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi sang đất ở thì phải đưa đất ra đấu giá công khai để mang lại nguồn thu cho Nhà nước? Thứ ba, theo quy định của pháp luật thì hạn mức cấp đất ở khu vực nông thôn ở Quảng Xương chỉ là 200m2, nhưng ông Nguyễn Đình Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương lại cho chuyển đổi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên đến 250m2 đất ở cho hộ gia đình này là trái quy định. Vì sao việc san lấp 612m2 đất nông nghiệp, xây dựng công trình trái phép lại không được chính quyền địa phương xử lý mà cho tồn tại đến nay, gây bức xúc trong dư luận xã hội?

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, một người dân (xin giấu tên) ở xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương cho biết: Nhiều nhà dân chúng tôi ở đây có đất lúa cũng muốn chuyển đổi sang đất ở lắm, nhưng không quen biết, không biết cách làm nên cũng đành chịu. Còn hộ gia đình ông Công, bà Toán có người nhà làm lãnh đạo trên huyện nên mới chỉ đạo làm được như vậy, chứ bình thường ai làm được việc này đâu. Nhà này thì làm được, chứ người dân chúng tôi chỉ cần đụng máy san lấp thôi thì chính quyền địa phương về cấm ngay.

“Việc làm trái khoáy này, nhân dân chúng tôi cũng biết, nhưng chẳng hiểu tại sao chính quyền cấp xã, cấp huyện lại để cho gia đình này tự ý san lấp, xây dựng các công trình trái phép trên đất lúa mà không thấy kiểm tra, đình chỉ, lập biên bản xử phạt hành chính, buộc tháo dỡ công trình? Chắc chắn khu đất này có thế lực nào “dung túng”, “bao che” cho việc làm sai trái này, nên họ mới làm được như vậy. Chúng tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm về kiểm tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, người dân này nói.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin đến bạn đọc.

 Văn Thanh