Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vẹn nguyên ký ức về Ngày bầu cử đầu tiên

Thứ hai, 03/01/2011 - 10:58

“Cuộc Tổng tuyển cử và Hiến pháp năm 1946 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý để xây dựng đất nước hôm nay”, cụ Nguyễn Văn Trân, người đã giữ nhiều trọng trách trong cơ quan Đảng, Nhà nước nhắc lại những ký ức về Ngày bầu cử Quốc hội 6/1/1946.

Chủ tịch Hồ Chí Minh- công dân số 1 bỏ phiếu bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Ảnh: Tư liệu)

Cụ Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội (QH), Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Bước vào tuổi 94, Cụ Nguyễn Văn Trân vẫn giữ được sự minh mẫn và giọng nói điềm đạm, mạch lạc. Cụ kể: Chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, để bầu ra Quốc hội. Bác bảo Quốc hội là cơ quan có quyền lực tối cao của nhân dân. Quốc hội sẽ cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp Dân chủ... Chính phủ lâm thời nhất trí và bầu Bác Hồ làm Chủ tịch Ủy ban Bầu cử. Về ngày bầu cử, ban đầu được được ấn định vào ngày 23 tháng 12 năm 1945. Nhưng do còn rất nhiều công việc phải chuẩn bị, Chính phủ đề nghị hoãn ít ngày, Bác Hồ đồng ý nhưng Bác cho rằng không nên chậm quá, nếu tháng12 không thể tiến hành thì phải tiến hành ngay trong tháng 1/1946…

Theo Cụ Nguyễn Văn Trân, đây là lần đầu tiên người dân biết sử dụng quyền công dân của mình nên nơi nơi đều như ngày hội lớn. Ngay từ sáng sớm, tại các điểm bỏ phiếu đã có đông đảo người dân mặc quần áo đẹp, đứng xếp hàng chờ. Các tổ chức chính quyền cấp phường, xã mang hòm phiếu đến tận nhà và bệnh viện để những người ốm đau, bệnh tật không thể đi lại vẫn có thể bỏ phiếu, sử dụng quyền lợi của mình…

Quê ở Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh, nhưng n ăm đó, ở tuổi 29, với trách nhiệm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc Bộ, anh thanh niên Nguyễn Văn Trân được tổ chức giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội tại Nam Định.

Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu QH khóa 1 (ảnh: Tư liệu)

Nhắc lại chuyện xưa, cụ Trân trầm ngâm kể: Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên không phải là cuộc bầu cử bình thường mà đây là cuộc đấu tranh quyết liệt về quân sự, chính trị dựa vào sức dân. Bởi hoàn cảnh lúc đó đặc biệt khó khăn. Tại miền Bắc, các thế lực phản động điên cuồng chống phá Tổng tuyển cử. Ngày ngày, chúng ôm súng canh gác các đường, các chợ, dọa nạt cử tri, âm mưu bắt cóc, ám sát các ứng cử viên do Việt Minh giới thiệu. Ngay ở Hà Nội, chúng mang cả tiểu liên đến Ngũ Xá ngăn không cho đặt hòm phiếu, cấm nhân dân treo cờ.

Ở Miền Nam , quân Pháp quay trở lại đánh chiếm Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ, cực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Chúng dùng quân đội, cảnh sát, mật thám khủng bố nhân dân, cướp của, đốt nhà hòng ngăn cản tổ chức Tổng tuyển cử.... Nạn đói khủng khiếp do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra làm chết hơn 2 triệu đồng bào vẫn để lại di chứng và 90% dân ta còn mù chữ đều là những cản trở cho cuộc bầu cử… Nhưng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn đó. Đó là tài lãnh đạo của Bác Hồ, là niềm tin và sự ủng hộ của đồng bào đối với 10 chính sách lớn của Việt Minh.

Đáng chú ý là các quy định trong các sắc lệnh về Tổng tuyển cử năm ấy thể hiện rõ các nguyên tắc tự do bầu cử, ứng cử của công dân. Những nguyên tắc về bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín được quy định rất cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu, dễ nhớ, có thể thực hiện được ngay. Do vậy, mặc dù có những hy sinh, mất mát nhưng cuộc bầu cử đã thắng lợi hoàn toàn. Cả nước đã có 89% cử tri đi bỏ phiếu. Tại Thủ đô Hà Nội còn cao hơn thế.

Cũng theo cụ Nguyễn Văn Trân, các khóa Quốc hội, bắt đầu từ Quốc hội khóa I đã làm được rất nhiều việc, quyết định nhiều kế hoạch xây dựng đất nước và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Những quyết định của Quốc hội tiến triển theo tình hình đất nước, gắn bó với Chính phủ để lãnh đạo, xây dựng và bảo vệ đất nước. Mỗi kỳ họp Quốc hội lại có bước đổi mới khác nhau. Đến nay, Quốc hội đã thực hiện dân chủ mở rộng, làm tốt chức năng các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và cả chức năng giám sát tối cao của Quốc hội đối với các hoạt động của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Quốc hội cũng thường xuyên tổ chức tiếp dân, lắng nghe nguyện vọng, ý kiến của nhân dân, xây dựng những điều Luật phù hợp với thực tế đời sống nhân dân. Cụ Nguyễn Văn Trân cũng cho rằng, hiện nay, trình độ dân trí của ta ngày càng cao. Vì vậy, đòi hỏi Chính phủ và Quốc hội phải luôn đi sát nguyện vọng của dân, cần quan tâm đến việc giáo dục, bảo vệ sức khỏe cho người dân, phấn đấu đề nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và được thế giới công nhận. Tuy nhiên, nắm bắt thời cơ như thế nào để tạo một bước đột phá cho sự phát triển của đất nước, cũng như chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với giai đoạn dân số già… cũng đang là một thách thức đối với toàn xã hội, trong đó có trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ.

Theo TTXVN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm