Trong 4 năm tòa án đã giải quyết gần 1,4 triệu vụ án, đạt tỷ lệ 98%, khắc phục được nhiều án oan, sai. Do nâng cao chất lượng tranh tụng nên tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án giảm dần, năm 2014 còn hơn 1,6%. Nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, đặc biệt là một số vụ án tham nhũng, kinh tế trọng điểm được ngành tư pháp nói chung và ngành tòa án nói riêng đưa ra xét xử kịp thời, đúng người, đúng tội, nghiêm minh, đủ sức răn đe. Đặc biệt trong những năm qua, việc các bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo đã giảm tối đa và được tòa án giám sát chặt chẽ.Chất lượng các phiên toàn được nâng lên, thực hiện tranh tụng tại phiên tòa, Tòa xét xử độc lập theo quy định của pháp luật. Các tòa án đã tổ chức hơn 31.700 phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân. Ngành Tòa án đã chủ trì và tham gia xây dựng nhiều luật, pháp lệnh trong lĩnh vực tư pháp nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp 2013.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cán bộ Tòa án nhân dân tối caoMới đây nhất là Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Tuy nhiên hoạt động của tòa án vẫn còn một số hạn chế như một số tòa án địa phương chưa khắc phục triệt để các vụ án quá thời hạn, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy đã giảm nhưng chưa được như mong muốn….Biểu dương những thành tích này của Tòa án nhân dân tối cao và tòa án nhân dân các cấp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Tòa án, một thiết chế thực hiện quyền lực nhà nước, là nơi biểu hiện sâu sắc nhất bản chất của nhà nước. Tòa án nước ta là tòa án của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.Tổng Bí thư chỉ rõ thời gian tới, tình hình đất nước bên cạnh những mặt thuận lợi cơ bản còn không ít khó khăn thách thức, trong đó có tình hình vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, tội phạm diễn biến phức tạp; các tranh chấp dân sự, lao động, hành chính vẫn còn nhiều. Cùng với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhân dân mong muốn và đòi hỏi một cuộc sống bình yên. Vì vậy, ngành tòa án cần nhận thức sâu sắc điều này và thực hiện thật tốt chức năng nhiệm vụ, xứng đáng là công cụ đắc lực, sắc bén trong việc xử lý tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và nhân dân.Trong công tác xét xử, Tổng Bí thư đề nghị ngành phải tiếp tục đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng, giảm mạnh các bản án, quyết định của tòa án có sai sót do chủ quan; bảo đảm các phán quyết của tòa án thực sự công bằng, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, đúng pháp luật, cố gắng không để oan sai, bỏ lọt tội phạm, khắc phục tình trạng các vụ án kéo dài, quá thời hạn giải quyết; đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa tranh tụng tại phiên tòa để tìm ra chân lý; tìm ra kết luận thỏa đáng, thấu tình, đạt lý; tập trung hơn nữa vào một số vụ án trọng điểm về phòng, chống tham nhũng; thu hồi tài sản của các vụ án tham nhũng.Tổng Bí thư cũng đề nghị ngành tòa án tiếp tục làm tốt công tác xây dựng luật pháp, hoàn thiện các thể chế trong lĩnh vực tư pháp. Đặc biệt cần quan tâm tổng kết thực tiễn, kịp thời phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hoặc xây dựng mới những dự án luật cần thiết góp phần vào việc bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của nhân dân; bảo vệ công lý.Tổng Bí thư trò chuyện cùng các cán bộ Tòa án nhân dân tối cao Tổng Bí thư mong muốn tòa án các cấp cần tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp, tạo thống nhất, đồng thuận cao, dân chủ, đúng pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở quán triệt thực hiện nghiêm phương châm, nguyên tắc: Có vụ việc thì phải xác minh rõ, có dấu hiệu phạm tội thì phải được tiến hành điều tra, có kết luận điều tra thì phải xem xét truy tố, có cáo trạng thì phải được kịp thời nghiên cứu, đưa ra xét xử nghiêm minh. Khi đã có ý kiến khác nhau thì phải có cơ chế, bàn bạc, phối hợp, kịp thời xử lý giải quyết.Yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao và tòa án các cấp tiếp tục thực hiện quyết liệt, kiên trì Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị ngành tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn, nâng cao trình độ cán bộ công chức, nhất là đội ngũ thẩm phán; chấn chỉnh tác phong lề lối công tác, kiên quyết làm trong sạch, lành mạnh đội ngũ những người làm công tác xét xử.Mỗi cán bộ công tác trong lĩnh vực tòa án phải là biểu tượng của nền công lý, công minh, chính trực, đàng hoàng, có đủ trình độ bản lĩnh đã đành rồi. Đặc biệt, người thẩm phán là những người cầm cân nảy mực. Các thẩm phán, các vị hội thẩm nhân dân phải trên tinh thần công tâm, khách quan, thượng tôn pháp luật, không vì lợi ích riêng tư, không để nén bạc đâm toạc công lý, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện cho được lời dạy của Bác Hồ là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: năm nay, ngành tòa án kỷ niệm 70 năm thành lập, đồng thời tiến hành đại hội Đảng các cấp. Đây là cơ hội tốt để ngành tiếp tục xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng nội bộ ngành thực sự trong sạch vững mạnh, đoàn kết thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay./.