Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 13/01/2011 - 01:22
(Thanh tra)- Sáng qua (12/1), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, đã khai mạc trọng thể Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam.
Quang cảnh Đại hội
Dự Đại hội có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; các đồng chí nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư T.Ư Đảng các khoá; các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ các khoá; các đồng chí nguyên Uỷ viên T.Ư Đảng các khoá II, III, IV, V; các đồng chí Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra T.Ư khoá X; đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; các nhân sĩ, trí thức; đại biểu các tôn giáo; đại biểu thanh niên tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam, cùng 1.377 đại biểu thay mặt cho gần 3,7 triệu đảng viên trong toàn Đảng.
Tại phiên khai mạc Đại hội, Đoàn Đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội thay mặt nhân dân cả nước đến chào mừng Đại hội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên khai mạc của Đại hội. Chủ tịch nước, thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc Diễn văn khai mạc Đại hội. Đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá X về các văn kiện trình Đại hội XI.
Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, bên cạnh những thuận lợi do tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế đem lại, đất nước ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức do những yếu kém vốn có của nền kinh tế; thiên tai, dịch bệnh, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; các hoạt động chống phá, kích động bạo loạn, "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đề ra. Nổi bật là:
Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, các ngành đều có bước phát triển, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá và các lĩnh vực xã hội có tiến bộ; bảo vệ tài nguyên, môi trường được chú trọng hơn; đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, vị thế, uy tín quốc tế của nước ta được nâng cao; phát huy dân chủ có tiến bộ, khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được củng cố; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN được đẩy mạnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường, đạt một số kết quả tích cực. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đạt được một số kết quả bước đầu. Đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới và triển vọng phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đề ra chưa đạt được. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn chậm; các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc; chế độ phân phối còn nhiều bất hợp lý. Những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường chậm được khắc phục; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Thể chế kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm yếu cản trở sự phát triển. Nền dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chưa được phát huy đầy đủ. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân chuyển biến chậm. Còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội.
Những hạn chế, yếu kém nói trên có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan: Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức trên một số vấn đề cụ thể của công cuộc đổi mới còn hạn chế, thiếu thống nhất. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn hạn chế. Công tác dự báo trong nhiều lĩnh vực còn yếu. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước trên một số lĩnh vực và một số vấn đề lớn chưa tập trung, kiên quyết, dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho rằng, tuy còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhưng kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 và Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH trong 20 năm qua.
Mười năm thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 là giai đoạn đất nước ta đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực của hai cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực và toàn cầu, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, rất quan trọng, nhiều mục tiêu chủ yếu của Chiến lược 2001 - 2010 đã được thực hiện. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,2%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 theo giá thực tế gấp 3,4 lần so với năm 2000; thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 5 lần so với năm 2000; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.168 USD. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội đạt thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường XHCN.
Về quan điểm, mục tiêu Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015, Báo cáo do Tổng Bí thư trình bày, nêu rõ: Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được xác định là Chiến lược tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo định hướng XHCN.
Để thực hiện được tư tưởng chỉ đạo đó, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã đề ra 5 quan điểm phát triển:
(1) Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược. (2) Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. (3) Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. (4) Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. (5) Kiên trì xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7 - 8%/năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD. Đến năm 2020, có một số lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; cải thiện chất lượng môi trường; chủ động ứng phó có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng...
Chiến lược xác định 3 khâu đột phá: (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Báo cáo do Tổng Bí thư trình bày cũng đề cập đến các nội dung quan trọng, đó là: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế; phát triển văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng cường quốc phòng - an ninh; mở rộng hoạt động đối ngoại; chủ động hội nhập quốc tế; phát huy dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.
Về nội dung xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chỉ rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy; Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Giữ vững bản chất và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hiện nay.
Tại Đại hội, đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng trình bày Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá X trình Đại hội XI.
Đại hội cũng đã nghe đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Uỷ viên Đoàn Thư ký Đại hội đọc danh sách 103 Đảng từ 69 nước và 14 tổ chức quốc tế đã gửi điện chúc mừng Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam. Thay mặt Đoàn Chủ tịch và toàn thể Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ý kiến bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn nồng nhiệt đối với tình cảm hữu nghị và hợp tác của các chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội coi đây là biểu hiện sinh động của mối quan hệ quốc tế của Đảng ta; là sự ủng hộ, cổ vũ, động viên to lớn đối với công cuộc đổi mới của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Tại diễn dàn trọng thể này, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định sẵn sàng mở rộng quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân, đảng cánh tả, đảng cầm quyền và các chính đảng khác, các phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ trên thế giới, vì tình hữu nghị và hợp tác cùng phát triển giữa các dân tộc.
Chiều 12/1/2011, Đại hội làm việc tại các đoàn đại biểu, thảo luận các Văn kiện Đại hội XI, gồm: Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020; Báo cáo Chính trị; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi); Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá X.
Hợp Nhất
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền