Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thường vụ Quốc hội thảo luận chuyện đội giá mì tôm sân bay

Thứ ba, 15/07/2014 - 22:06

(Thanh tra) - Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới giá dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không, sân bay bị nâng rất cao, gây bức xúc trong dư luận xã hội trong thời gian qua. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là do giá thuê mặt bằng cao, doanh nghiệp lợi dụng vị thế độc quyền.

Ông Phan Trung Lý cần phải có cơ chế để kiếm soát giá dịch vụ phi hàng không (ảnh Thảo Nguyên)

Chiều nay (15/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận một số vấn đề lớn trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Quy định “vượt” Luật giá?

“Giá dịch vụ chuyên ngành hàng không ở nước ta còn khá cao, nhất là một số dịch vụ phi hàng không và một số mặt hàng thiết yếu, dịch vụ độc quyền… do đó cần có cơ chế để kiểm soát”, ông Lý nói và cho biết nhiều ý kiến nhất trí quy định về các loại dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá như dự thảo luật nhưng cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc để bảo đảm thống nhất với Luật Giá.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng, nếu theo Luật Giá thì không xử lý được gói mì tôm đội lên cao khiến dư luận bức xúc, nên cần phải điều chỉnh lại vào luật cho phù hợp. Còn đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết so với Luật Giá, dự thảo luật đã mở rộng thêm giá phục vụ hành khách và an ninh tăng cường.

Thường trực Ủy ban Pháp luật thì cho rằng, việc giao Bộ GTVT thẩm quyền định giá đối với dịch vụ chuyên ngành hàng không là cần thiết để có thể kịp thời điều chỉnh, bình ổn giá nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đồng thời, cũng xác định rõ Bộ GTVT là chủ thể chịu trách quản lý về giá chuyên ngành hàng không.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lại cho rằng việc quy định cụ thể như vậy sẽ rộng hơn quy định của Luật Giá nên cần xem lại. Đồng tình, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: “Giá một bát mỳ tôm thì chúng ta định giá làm gì? Nhà nước không định giá các loại phi hàng không, còn nó phức tạp thì trách nhiệm quản lý của anh. Tôi thấy chúng ta không nên mở rộng ra, nó không phù hợp với Luật Giá”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng để tránh trường hợp như người dân phản ánh bát phở có giá tới 500 - 600 nghìn đồng thì không nên giao hẳn cho doanh nghiệp, mà Bộ GTVT phải xây dựng khung giá.

“Trói” trách nhiệm chậm chuyến, hủy chuyến bay

Một vấn đề khác, theo Ủy ban Pháp luật, việc chậm chuyến, hủy chuyến bay dân dụng là vi phạm hợp đồng vận chuyển, ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách. Dẫn đến tình trạng này có nhiều nguyên nhân như thời tiết, kỹ thuật liên quan đến an toàn bay... nhưng phần nhiều xuất phát từ nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp bay (dồn chuyến, thay đổi kế hoạch bay...).

Trong khi đó, pháp luật hiện hành còn thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, cũng như thiếu các quy định về tiêu chuẩn tối thiểu mà các doanh nghiệp phải bảo đảm cho hành khách trong trường hợp xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến.

Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định theo hướng, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không có nghĩa vụ: khai thác vận chuyển hàng không trong thời hạn 18 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép; không gián đoạn khai thác vận chuyển hàng không 12 tháng liên tục; duy trì chất lượng tổi thiểu dịch vụ vận chuyển hàng không theo quy định của Bộ GTVT.

Cùng với đó, Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm; chuyến bay bị hủy; hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển, hoặc quy định việc kỷ luật lao động, xử lý hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm gây ra việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm; chuyến bay bị hủy.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm